Bốn giọng ca gạo cội dòng bolero bất ngờ hội ngộ ở Hà Nội
(Dân trí) - Không hẹn mà gặp, bốn giọng ca nổi danh của dòng nhạc Bolero gồm: Giao Linh, Phương Dung, Hương Lan và Sơn Tuyền bất ngờ hội ngộ tại Hà Nội trong một đêm nhạc.
Trong số các ca sỹ hải ngoại, Giao Linh thuộc lớp ca sỹ về nước biểu diễn khá sớm. Bà về nước năm 2000. Tính đến nay đã gần 15 năm bà rong ruổi với những nẻo đường âm nhạc trên quê hương Việt Nam với danh xưng mà khán giả ưu ái đặt cho là “nữ hoàng sầu muộn”.
Nhắc đến tên bà là nhắc đến một giọng hát buồn đến man mác, da diết và sâu lắng. Nhưng chính giọng hát đó đã giúp cho những tình khúc Bolero mà bà thể hiện đứng lâu hơn trong lòng người nghe. Thời gian qua, “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh không chỉ xuất hiện với tư cách ca sỹ mà còn là người rất tích cực trong các hoạt động từ thiện để trợ giúp đồng bào mình.
Phương Dung từng được thi sỹ Kiên Giang – Hà Huy Hà gọi là “Nhạn trắng Gò Công” bởi bà nổi danh với giọng hát đặc biệt từ năm 17 tuổi. “Nỗi buồn gác trọ”, “Những đồi hoa sim”, “Tạ từ trong đêm” đã đưa bà vươn lên như một “hiện tượng” trong làng nhạc quê hương những năm cuối của thập niên 60. Phương Dung cũng là giọng ca có số bản thu âm kỷ lục với hơn 300 album và là nữ ca sĩ thuộc hàng tiền bối của tân nhạc Việt Nam. Danh ca Phương Dung đã về Việt Nam nhiều năm và hoạt động nhiều trong lĩnh vực thiện nguyện ở quê nhà.
Tháng 6/2014, Phương Dung đã cùng nữ ca sĩ Giao Linh được tôn vinh trong liveshow Sol Vàng kỉ niệm con đường âm nhạc nhiều năm qua. Phương Dung chia sẻ, được mời tham gia vào đêm nhạc “Tình xuân bolero” cô sẽ hát lại bài hát được yêu thích là “Về đâu mái tóc người thương.” Bên cạnh đó, cô sẽ song ca với người bạn Giao Linh và hát liên khúc “Mưa” với bốn nữ ca sỹ trong chương trình.
Tương tự hai đàn chị, ca sỹ Hương Lan nhiều năm nay cũng là gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình ca nhạc tại Việt Nam. Vốn dĩ được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống theo nghiệp cải lương nên từ bé Hương Lan đã là một cô đào duyên dáng và có giọng hát ngọt ngào. Định mệnh đã rẽ lối đưa Hương Lan qua dòng tân nhạc khi cô đã ghi đấu với nhiều vai diễn trong một số vở cải lương nổi tiếng.
Năm 1983, sau khi xuất hiện lần đầu tiên trong một DVD của Trung tâm âm nhạc có tiếng ở hải ngoại, Hương Lan chính thức trở thành “tứ trụ” của trung tâm này. Những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của cô như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Em đi trên cỏ non”, “Chiếc áo bà ba”, “Điệu buồn phương Nam”…
Trong một số bài phỏng vấn trước đây giọng ca quê hương này vẫn nhấn mạnh, cuộc đời cô chỉ có ước muốn duy nhất là phụng sự cho nghệ thuật và được trở về hát trên chính quê hương của mình. Đó là lý do năm 1994 cô trở về Việt Nam cùng những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My. Cho đến nay, trong rất nhiều sự kiện lớn bé ở Việt Nam, giọng ca Hương Lan vẫn cống hiến cho đời những nhạc phẩm hết sức ngọt ngào.
Sơn Tuyền được biết đến là em gái của danh ca Thanh Tuyền. Sơn Tuyền là ca sỹ cùng thời với Ngọc Sơn, âm nhạc và nghiệp cầm ca đến với cô như một cái duyên. Xinh đẹp, có thân hình bốc lửa, Sơn Tuyền chinh phục khán giả bởi giọng ca bolero mùi mẫn và sang trọng.
Lần đầu tiên tụ hội trong đêm nhạc tại Hà Nội tới đây (1/1/2016), cả bốn giọng ca của dòng nhạc bolero đều rất xúc động. Bốn giọng ca cho hay, họ đều rất yêu Hà Nội vì Hà Nội có bốn mùa. Nhất là khi trời đất giao hòa, thời điểm giáng sinh, năm mới Hà Nội luôn đẹp cổ kính, lãng mạn trong mùa Đông. Đó cũng là không gian rất phù hợp để hát nhạc tình. Bốn giọng ca nữ cũng bày tỏ niềm xúc động khi được trở lại, hát bolero giữa Hà Nội.
Trong đêm nhạc này, ngoài 4 giọng ca trên còn có Ngọc Sơn. Ngọc Sơn nổi tiếng không chỉ là giọng ca vàng của âm nhạc Việt Nam mà còn là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình được khán giả mến mộ. Anh còn được tụng ca là “ông hoàng nhạc sến” bởi những dấu ấn khó giọng nam nào sánh kịp trong dòng nhạc này.
Hà Tùng Long