"Bom tấn" cổ trang Hàn Quốc dừng quay vì bị lên án ngược đãi động vật
(Dân trí) - Trước sự phản ứng mạnh mẽ của truyền thông, khán giả với hành động ngược đãi động vật, ê-kíp sản xuất bộ phim truyền hình cổ trang "The King of Tears, Lee Bang Won" của Hàn Quốc đã phải dừng quay.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, đoàn phim cổ trang The King of Tears, Lee Bang Won của đài KBS (Hàn Quốc) đã chính thức dừng quay sau tranh cãi ngược đãi động vật khiến một con ngựa bỏ mạng vào cuối tuần trước.
Dù ê kíp thực hiện bộ phim đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận sai lầm nhưng nhà đài vẫn không thể xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng. Hiện, ê kíp và dàn diễn viên của phim đang chờ sự chỉ đạo từ công ty sản xuất.
The King Of Tears, Lee Bang Woo là bộ phim đánh dấu sự hồi sinh của đài KBS trong thể loại cổ trang sau 5 năm vắng bóng. Bộ phim kể về thủ lĩnh Yi Bang Woo (Joo Sang Wook đóng), người đã có công thành lập đế chế Joseon sau khi triều đại Goryeo sụp đổ. Phim từng nhận được nhiều lời khen của khán giả và có mức rating khả quan khi vừa lên sóng.
Với tình hình hiện tại, bộ phim khó có thể tiếp tục phát sóng. Trước đó, hai tập phim phát sóng vào ngày 22/1 và 23/1 của The King of Tears, Lee Bang Won đã phải thông báo tạm hoãn lên sóng.
Trung tuần tháng 1/2022, truyền thông Hàn Quốc rầm rộ đưa tin về vụ việc bộ phim truyền hình The King of Tears, Lee Bang Won với sự tham gia của nam diễn viên Joo Sang Wook vướng vào cuộc tranh cãi về việc ngược đãi động vật.
Ngày 20/1, Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc (KAWA) đã khiếu nại đài KBS vì lý do một con ngựa tham gia vào cảnh hành động của bộ phim đã chết.
Trong video hậu trường được công bố, chân ngựa bị buộc một sợi dây và bất ngờ bị giật mạnh khi nó đang chạy khiến con ngựa cùng diễn viên đều ngã nhào. Khi ngựa khụyu xuống, không thể gượng dậy, không một ai trong đoàn phim đến kiểm tra chú ngựa gặp nạn nằm trên mặt đất. Video này được chia sẻ trên mạng xã hội và khiến khán giả bức xúc, lên tiếng phản đối đài KBS, gọi đây là hành vi ngược đãi động vật.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, đài KBS lên tiếng xin lỗi và đính chính: "Sau vụ tai nạn, con ngựa tự đứng dậy. Khi xác nhận rằng không có thương tích bên ngoài, chúng tôi trả lại ngựa. Nhưng thật không may, con ngựa đã chết sau khoảng một tuần ghi hình.
Đội ngũ sản xuất đã chuẩn bị và kiểm tra mọi tình huống có thể xảy ra vài ngày trước. Bất chấp những nỗ lực này, trong quá trình quay phim thực tế, nam diễn viên đã bị ngã ra xa khỏi con ngựa và phần thân trên của con ngựa đập mạnh xuống đất".
Lời giải thích của đại diện đài KBS khiến cơn phẫn nộ của dư luận càng lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đoạn video không được chia sẻ, sẽ không ai biết tới sự khốn khổ của những chú ngựa trong quá trình quay phim.
Một số ý kiến bày tỏ về vụ việc: "Thay vì dùng hiệu ứng, họ chọn cách buộc con ngựa lại và kéo dây để nó ngã, đoàn phim này bị làm sao vậy?", "Con ngựa chết và diễn viên cũng bị thương, hóa ra khoản phí tôi trả cho nhà đài là để ngược đãi động vật và làm tổn thương người khác?".
Thậm chí, cộng đồng mạng còn tràn vào mạng xã hội cá nhân của nam chính Joo Sang Wook để chỉ trích. Khán giả viết: "Không quan trọng anh có tham gia quay phim đó không nhưng với tư cách là người tham gia sản xuất, anh không nghĩ đến con vật sao?", "Các diễn viên không có ý thức về việc bảo vệ động vật sao? Anh không phản đối khi họ cố gắng trói chân con ngựa và làm nó bị thương?".
Khán giả Hàn Quốc đã gửi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh Hàn Quốc yêu cầu hủy bỏ bộ phim, kỷ luật đội ngũ sản xuất The King of Tears, Lee Bang Won. Tính đến 20/1, bản kiến nghị đã ghi nhận hơn 35.000 chữ ký ủng hộ.
Ngày 21/1, Liên minh Tự do Động vật (Animal Freedom Coalition) cũng đệ đơn kiện đài KBS và những người liên quan đến bộ phim gồm đạo diễn của phim - Kim Hyung-il, trưởng bộ phận sản xuất của đài KBS - Lee Hoon Hee, nhà sản xuất Hwang Eui Kyung.
Theo đại diện của tổ chức Liên minh Tự do Động vật, khi con ngựa đã chết, đây được xem là hành vi giết hại động vật một cách tàn nhẫn, vi phạm đạo luật bảo vệ động vật. Hành động này có thể bị phạt tù một năm hoặc bị phạt 10 triệu won.
Một quan chức trong ngành cũng lên tiếng chỉ trích đài KBS coi ngựa như một "đạo cụ bị hỏng" chứ không phải một động vật sống nên đã không lo lắng khi chúng bị thương. "Đó là ví dụ thể hiện rõ nhận thức và ý thức của đài KBS", người này nhấn mạnh.
Một loạt các ngôi sao của Hàn Quốc như Yoo Yeon Seok, Go So Young, Gong Hyo Jin, Park Sung Kwang, Kim Hyo Jin, Taeyeon của SNSD… cũng lên tiếng bày tỏ sự xót thương cho chú ngựa xấu số và lên án hành động của đài KBS.
Theo thông tin từ Dispatch, việc ngược đãi động vật của đài KBS thực chất đã diễn ra từ nhiều năm và kéo dài cho đến nay. "Đó là vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết nếu người đứng đầu thực sự quan tâm. Đài KBS có thể đổ lỗi cho chi phí sản xuất, bởi sử dụng ngựa giả khá tốn kém, trong khi ngựa thật chỉ phải thuê theo giờ. Nhưng không có lý do để hy sinh bất cứ thứ gì chỉ vì "2 giây" lên hình, kể cả động vật", tờ Dispatch phân tích.