Bộ Văn hoá nói gì về 48,4 tỷ khai quật tàu cổ bị đắm ở Quảng Ngãi?

(Dân trí) - Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi khai quật tàu cổ Dung Quất, Quảng Ngãi.

Theo đó, diện tích khai quật là 800m2, trong phạm vi bán kính 100m từ vị trí tàu đắm Dung Quất tại tọa độ 15023’44’’ vĩ độ Bắc, 108047’48’’ kinh độ Đông, khu vực cảng Hào Hưng thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian khai quật khảo cổ từ ngày 29/6 đến ngày 15/9.

Hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTT&DL Quảng Ngãi có trách nhiệm cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL xem xét phương án bảo quản, phân chia và phát huy giá trị hiện vật.

Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Khu vực tàu cổ bị đắm ở vùng biển Dung Quất, Quảng Ngãi.
Khu vực tàu cổ bị đắm ở vùng biển Dung Quất, Quảng Ngãi.

Vào chiều 9/7, công tác khai quật tàu cổ chứa nhiều gốm sứ cao cấp thời nhà Minh (Trung Quốc) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã được tiến hành. Vị trí khai quật cách bờ khoảng 6 - 7 m, độ sâu khoảng 9 m. Theo các chuyên gia, xác tàu cổ có chiều dài khoảng 30 mét, rộng khoảng 10 mét và chứa nhiều gốm sứ cao cấp thời Minh (Trung Quốc) với niên đại khoảng thế kỷ XVI. Kinh phí khai quật tàu cổ đắm được phê duyệt là 48,4 tỷ đồng trích từ ngân sách Nhà nước.

Về kinh phí, cách đây 2 tháng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được Bộ VHTT&DL giao chủ trì khai quật và xây dựng dự toán kinh phí khai quật. Con số hơn 48 tỷ được đưa ra đều dựa trên quy định pháp luật và quy trình khai quật dưới nước.

“Số tiền nhiều hay ít đều được thực hiện theo quy định của Nhà nước và quy định về khai quật dưới nước mà Chính phủ đã ban hành. Hiện Bộ VHTT&DL và Chính phủ đã thẩm định dự toán này. Con tàu cổ này đắm ở vùng biển cách bờ không xa nhưng độ sâu hơn 9m và nằm trong vùng xây dựng thuộc sở hữu của một doanh nghiệp. Việc khai quật liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, thuê các đơn vị hải quân – công an trong công tác đảm bảo an toàn – an ninh, thuê đội ngũ khai quật… Giải thích nhiều hay ít chúng tôi không thể trả lời được việc này”, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản nói.

Trước đó, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã phê duyệt phương án khai quật tàu cổ tại vùng biển Dung Quất với đề xuất kinh phí đầu tư 48,4 tỷ trích từ ngân sách Nhà nước.

Trong đó kinh phí khai quật, trục vớt, nghiên cứu, bảo quản, xử lý bước đầu hiện vật và xác tàu là 39 tỷ; điều tra, khảo sát, thăm dò, lập phương án khai quật hết 1,3 tỷ; kinh phí dự phòng 8 tỷ.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất trích 10 tỷ từ ngân sách tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ bộ đội biên phòng, công an địa phương tham gia bảo vệ hiện trường từ khi phát hiện tàu đắm đến nay cũng như quá trình khai quật sắp tới. Kinh phí trên chỉ đáp ứng công tác khai quật, trục vớt xác tàu và cổ vật, xử lý bước đầu...; việc bảo quản, phục dựng xác tàu và phát huy trưng bày toàn bộ con tàu sẽ được nghiên cứu, lập dự toán riêng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Nếu hỏi việc chi số tiền 48,4 tỷ cho việc khai quật tàu cổ ở Dung Quất - Quảng Ngãi hiểu theo nghĩa hiệu quả kinh tế có phù hợp không sẽ rất khó cho việc này. Cái mà chúng tôi đánh giá rất cao lần này đó là sự quan tâm của Chính phủ.

Chúng ta biết rằng, đất nước chúng ta có vùng biển đông rộng lớn, một con đường giao thương hết sức tấp nập trong quá khứ và hiện tượng tàu đắm khá nhiều. Việc khai thác tàu đắm này không chỉ mang yếu tố thuần túy về kinh tế, đi tìm cổ vật dưới đáy biển mà quan trọng là đi tìm chủ quyền của mình. Đằng sau việc này, chúng ta muốn thúc đẩy sự hình thành và phát triển cái đội ngũ khảo cổ học dưới nước nói chung, đặc biệt là khảo cổ học dưới biển.

Cho đến thời điểm này, đây là con tàu thứ 7 chúng ta tham gia trục vớt. Trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc trong nước có kinh nghiệm, phương tiện và thiết bị để trục vớt lên. Nhưng sau đó, bên cạnh việc lưu giữ lại một số độc bản cho các bảo tàng theo nguyên tắc bảo vệ cổ vật thì phần lớn cổ vật được chia nhau để giải quyết kinh phí. Đôi khi chúng ta trục vớt được một khối lượng lớn cổ vật nhưng do cách chia nên không những mang lại hiệu quả kinh tế không như mong muốn, thu hồi vốn rất thấp mà còn bị mang tiếng đem bán cổ vật của đất nước. Đó là điều rất đau xót đối với chúng tôi, những người làm văn hoá”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lần này, Nhà nước thấy việc khai quật là cần thiết, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ khảo cổ học dưới biển. Vì trong tương lai, đây cũng sẽ là một lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền của đất nước đứng về mặt văn hoá. Vì thế, việc đầu tư là cần thiết, còn đầu tư đến mức nào thì đây là bài toán mà Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã tính toán hơn một năm nay, kể từ lúc phát hiện tàu cổ này.

Các thợ lặn được trang bị phương tiện và thiết bị để tiến hành khai quật tàu đắm.
Các thợ lặn được trang bị phương tiện và thiết bị để tiến hành khai quật tàu đắm.

“Trong câu chuyện này, không ai bàn lỗ hay lãi mà là nó sẽ mang lại kết quả gì. Những chuyến thám sát đầu tiên cho thấy đây là con tàu khá lớn, có độ dài ước lượng bề ngang 8 - 10 thước, bề dài hàng chục thước. Con tàu này nằm trên địa bàn của một doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng bến cảng. Trong quá trình hút cát để xây dựng thì phát hiện ra rất nhiều mảnh gốm đẹp. Người ta đã nhận diện được ngay đó là gốm thời Minh. Còn có bao nhiêu chủng loại thì không ai trả lời được cả.

Cho nên câu chuyện chi hơn 48 tỷ để trục vớt tàu cổ là câu chuyện để chúng ta ước tính những mục tiêu rất cụ thể. Không những khai quật những cổ vật chứa trong con tàu mà còn khai quật cả chính con tàu đó lên. Cho nên tôi hết sức ủng hộ việc này và là thành viên tham gia cố vấn cho chương trình, tôi yêu cầu chúng ta phải đặt mục tiêu khoa học lên hàng đầu, sau đó quá trình xử lý kinh phí cũng phải đảm bảo đúng nguyên tắc...", ông Dương Trung Quốc nói thêm.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm