Bộ Văn hoá nói gì trước những lùm xùm xây Nhà hát ở Thủ Thiêm?
(Dân trí) - Chiều 16/10, trong cuộc Họp báo thường kỳ Quý III - 2018, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL đã trả lời với báo chí về những lùm xùm liên quan đến chuyện xây dựng nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm - TP.HCM.
Ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, có thêm một thiết chế văn hoá là điều đáng mừng cho ngành văn hoá – thể thao và du lịch nói chung. Tuy nhiên, việc quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch với quy mô và hình thức như thế nào lại thuộc thẩm quyền của của TP. HCM.
Bộ VHTT&DL đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi nghiệp vụ với Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM để có thông tin cập nhật báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
“Cho đến thời điểm này, Bộ VHTT&DL chưa nhận bất kỳ một thông tin nào từ TP.HCM trong việc xây dựng dự án này. Hiện, Bộ đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi với Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM nhưng chỉ tính chất nghiệp vụ”, ông Nguyễn Thái Bình nói.
Được biết, dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm được thông qua ngày 8/10 đã tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể nào ngoài số tiền dự kiến đầu tư 1.500 tỷ và có 1.700 chỗ ngồi.
Báo cáo với Thành ủy, Hội đồng nhân dân TP HCM cho biết, dự án xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng trước khi thông qua đã có những đoàn đi khảo sát, làm việc với các sở ngành và viện, trường có liên quan nhưng chưa thông tin cho cộng đồng đầy đủ nên khi đưa ra gặp phản ứng. Một số vấn đề mà dư luận hiện nay đang băn khoăn được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân giải thích cặn kẽ.
Cũng tại cuộc họp này, khi được hỏi về quan điểm của Bộ VHTT&DL về kết luận thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, ngay sau khi công bố kết luận thanh tra, Bộ đã xây dựng kế hoạch để triển khai kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Ông Bình nói chưa thể thông tin cụ thể về thời gian và các nội dung sẽ thực hiện bởi mọi việc đều được tiến hành theo lộ trình.
Xung quanh thắc mắc của báo chí về việc Hà Nội báo cáo Thủ tướng và đề xuất xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy để chuẩn bị cho SEA games 31 và các hoạt động khác, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Chính phủ từng giao cho Hà Nội tổ chức sự kiện này, phát huy tối đa công năng sử dụng của các thiết chế thể thao có sẵn. Đây là phương án tối ưu giảm bớt gánh nặng ngân sách đầu tư bởi chỉ cần cải tạo sửa chữa, đầu tư vào hạng mục vào yêu cầu bắt buộc phục vụ Đại hội thể thao.
“Với số lượng thiết chế văn hoá thể thao hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thụ hưởng văn hóa, luyện tập thể dục thể thao khắp nước, việc cải tạo sân Hàng Đẫy thành điểm phục vụ Đại hội, tôi nghĩ là điều cần thiết. Còn phương án giao thông, khi quy hoạch chắc chắn Hà Nội tính toán điều kiện cần, giải phóng giao thông”, ông Nguyễn Thái Bình nói.
Báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng nêu rõ, trong Quý III - 2018, Bộ này đã thành lập 22 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 179 lượt tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động: di sản văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và hoạt động quảng cáo, kinh doanh du lịch.
Đã ban hành quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 20 địa điểm; quyết định đưa 29 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ” tỉnh Bắc Ninh và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tỉnh Ninh Thuận trình UNESCO ghi danh.
Tổ chức thành công các hoạt động giao lưu hợp tác về điện ảnh. Thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 12 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 64 phim truyện nước ngoài, 11 phim tài liệu kỹ thuật số và 20 phim ngắn; cấp 8 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim nâng tổng số hãng phim được cấp giấy phép là 486 hãng. Cấp phép 37 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Hà Tùng Long