Bỏ túi bí kíp chọn một số loại nấm thông dụng
(Dân trí) - Nấm là một trong những loại thực phẩm cung cấp hàm lượng đạm nhiều cho cơ thể và mỗi loại nấm đều có hương vị, hình dạng khác nhau. Dưới dây là một số bí kíp chọn nấm ngon, an toàn.
Nấm rơm
Nấm rơm, còn được gọi là nấm mũ rơm, thường sinh trưởng và phát triển từ các loại rơm rạ.
Đối với nấm rơm tươi, nên chọn nấm còn búp, chưa nở, tươi, có hình dạng hơi tròn hoặc hình trụ, kích thước to nhỏ khác nhau tùy loại nấm. Ngoài ra, chọn loại nấm rơm có màu đen hoặc màu xám ăn sẽ ngon hơn loại màu trắng.
Đối với nấm rơm khô, quan sát bề mặt rơm xem có dấu hiệu bất thường và có ngửi thấy mùi mốc hay không?
Nấm đông cô (nấm hương)
Nấm đông cô, còn gọi là nấm hương. Nấm đông cô tươi có hình dạng như một chiếc ô, không bị dập nát. Bạn nên chọn nấm có kích thước vừa phải, chân nấm ngắn, có phần mũ cúp chặt và màu hơi vàng nâu.
Đối với nấm đông cô khô, nên chọn nấm không bị đứt gãy và phần mũ nấm có màu nâu sáng (cơ bản không có sự thay đổi màu sắc nhiều khi nấm được sấy). Đặc biệt, bạn cần chú ý chọn nấm không có mùi lạ, đồng thời nấm không xuất hiện các vết mốc màu trắng.
Mộc nhĩ đen (nấm mèo)
Mộc nhĩ đen, còn gọi là nấm nhĩ, nấm mèo vì có hình dạng giống như tai mèo. Mộc nhĩ thường được chia làm 3 loại: Mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng và mao mộc nhĩ. Mộc nhĩ không chỉ giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mà còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu...
Bạn có thể chọn mộc nhĩ đen ở dạng khô hoặc dạng tươi. Tuy nhiên, ít ai chọn mộc nhĩ đen ở dạng tươi. Với mộc nhĩ đen khô (nấm mèo) bạn ưu tiên chọn cánh mộc nhĩ có to, dày và phần gốc ít nấm con.
Màu sắc nấm nên có màu hổ phách sậm, hơi bóng (đối với mặt nấm phía trên) và màu cà phê sữa (đối với mặt nấm ở phía dưới). Khi mua, dùng tay nắm nhẹ mộc nhĩ, sau khi bỏ tay ra, viền mộc nhĩ có tính đàn hồi nhanh chóng duỗi ra, có nghĩa là hàm lượng nước ít thì đấy là loại mộc nhĩ tốt.
Nấm bào ngư
Nấm bào ngư, còn gọi là nấm sò, thường được mọc tự nhiên trên các thân cây gỗ khô và có thể được trồng trên rơm rạ hoặc một số vật liệu khác.
Tùy theo giai đoạn trồng mà người ta lại phân biệt nấm bào ngư loại 1, 2 và 3. Trong đó, nấm bào ngư loại 1 thường có giá thành cao hơn và hương vị thơm ngon hơn.
Hãy chọn cây nấm có thân chắc, mũ nấm to, có thể màu xám hoặc trắng (tùy theo loại) nhưng không nên bị rách nhiều. Phần chóp nấm lõm nhẹ và dưới mũ nấm có các cánh tơ mỏng. Ưu tiên, chọn nấm bào ngư mọc thành cụm với nhau.
Nấm kim châm
Bạn có thể chọn mua nấm kim châm từ nhiều nhà phân phối khác nhau trên thị trường, vì thế hãy chú ý đến một số điểm như: Nấm có hình giá đậu, còn tươi; mũ nấm chắc, màu trắng và bóng; thân không nhầy nhụa hoặc hơi nâu, không bị dập nát; phần gốc nấm không bị tách hoặc bở ra.
Ngoài ra, nấm có xuất hiện những vết lốm đốm trên thân không nên lựa chọn, những loại nấm ngả vàng cũng không nên mua vì nấm này bị nhiễm khuẩn có thể làm ảnh hưởng sức khỏe của bạn.