Bộ phim kể về tình yêu mãnh liệt làm thay đổi diện mạo nước Mỹ
(Dân trí) - Người ta thường nói rằng tình yêu vượt qua mọi giới hạn, và câu chuyện dưới đây là một minh chứng có thật về những giới hạn mà một tình yêu đích thực có thể vượt qua.
“Loving” là bộ phim điện ảnh kể về một tình yêu mãnh liệt không phân biệt chủng tộc đã từng làm thay đổi quan niệm của nước Mỹ. Bộ phim hiện đang thu hút sự chú ý sau khi công chiếu ra mắt tại LHP Cannes vừa diễn ra ở Pháp và tranh giải ở hạng mục Cành Cọ Vàng.
Đến tháng 11 này phim sẽ được công chiếu rộng rãi tại các phòng vé của Mỹ và được dự đoán là một phim có nhiều tiềm năng nhận được đề cử tại giải Oscar.
Chuyện phim kể về Richard và Mildred Loving, một cặp đôi người Mỹ khác biệt chủng tộc, anh Richard là người da trắng, chị Mildred là người da màu, cuộc hôn nhân của họ ở thời điểm thập niên 1950 không được luật pháp bang Virginia - quê nhà của hai anh chị công nhận. Vì vậy, khi quyết định đến với nhau và gắn bó lâu dài, họ đã bị đuổi khỏi quê nhà - bang Virginia.
Cặp đôi không đầu hàng và quyết định đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao của Mỹ, vụ việc của cặp đôi nhà Loving đã khiến điều luật phân biệt chủng tộc trong luật hôn nhân bang Virginia buộc phải xóa bỏ. Tên của bộ phim - “Loving” vừa là họ của hai nhân vật chính sau khi kết hôn vừa là một danh động từ mà rất nhiều người hiểu nghĩa - “Yêu”.
Câu chuyện tình yêu của hai vợ chồng nhà Loving đã nổi tiếng trong lịch sử cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho các chủng tộc sống trên đất Mỹ. Giờ đây, câu chuyện ấy lại trở thành đề tài điện ảnh cho Hollywood.
Trước đây, câu chuyện tình yêu này đã từng được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh có tên “Mr. & Mrs. Loving” (Ông bà Loving - 1996) và một bộ phim tài liệu có tên “The Loving Story” (Câu chuyện nhà Loving - 2012).
Trong khi hai bộ phim trên đây không gây được tiếng vang rộng rãi, thì với “Loving” (2016), phim đã đạt được những thành công nghệ thuật bước đầu khi dự tranh Cành Cọ Vàng ở Cannes và được nhiều tờ tin tức điện ảnh đề cập đến với những nhận định tích cực, cho rằng bộ phim được xây dựng rất thực tế nhưng cũng đầy ấn tượng.
Cặp đôi Richard và Mildred đã yêu nhau từ khi còn là những thanh niên sinh sống ở quận Caroline, thủ phủ Richmond, bang Virginia, người dân nơi đây có tư tưởng tương đối cởi mở đối với vấn đề chủng tộc, vì vậy, hai người đã đến với nhau mà không gặp phải quá nhiều cản trở từ cộng động.
Tuy vậy, luật pháp bang Virginia thì không dễ chịu như vậy, đạo luật bảo toàn chủng tộc (Racial Integrity Act) đã được chính quyền bang Virginia áp dụng từ năm 1924, cấm những cuộc hôn nhân diễn ra giữa người da trắng và người da màu.
Vì vậy, khi cô Mildred mang thai người con đầu lòng với bạn trai Richard, họ đã phải tìm tới thủ đô Washington DC để kết hôn vào ngày 11/7/1958, luật pháp Washington DC cho phép điều này, nhưng khi cặp đôi trở về bang Virginia, trong một thời gian ngắn, mọi việc tưởng như có vẻ yên ổn.
Nhưng chỉ sau 5 tuần, khi nhận được thông tin, cảnh sát đã ập tới ngôi nhà của cặp đôi, sau khi cô Mildred khẳng định rằng họ đã kết hôn, người cảnh sát trưởng liền đáp lại rằng: “Vậy thì chẳng có điều gì tốt đẹp ở đây rồi”.
Ngay lập tức, vụ việc của họ bị đưa ra tòa, thẩm phán của bang đã đưa ra phán quyết tại tòa rằng: “Từ xa xưa, những chủng tộc khác nhau thoạt tiên tồn tại ở những lục địa khác nhau, bởi vậy, các chủng tộc khác nhau không nên trộn lẫn vào nhau”.
Khi đó, cặp đôi đã kết hôn và còn chuẩn bị sinh con, họ có hai lựa chọn, một là chịu ở trong tù một năm, hai là phải rời đi ngay khỏi Virginia trong 25 năm không một lần nào được trở về thăm người thân.
Cặp đôi quyết định sẽ rời đi, họ tới Washington và sống trong cảnh nghèo khó tới tận năm 1965 thì bị bắt trong một lần âm thầm quay trở về Virginia thăm cha mẹ của cô Mildred.
Sau khi được thả tự do nhờ nộp tiền bảo lãnh, cặp đôi Loving đã bị thu hút bởi những nhà hoạt động xã hội đang cổ vũ cho sự bình đẳng giữa các chủng tộc sinh sống trên đất Mỹ, cô Mildred liền viết một lá thư cho ngài chưởng lý Robert F. Kennedy.
Ông Robert đã giúp cô Mildred liên lạc với những tổ chức đang hoạt động tích cực nhất trong việc cổ vũ cho quyền bình đẳng giữa các chủng tộc sinh sống trên đất Mỹ. Những nhà hoạt động xã hội này đã ngay lập tức quan tâm tới trường hợp của vợ chồng cô Loving.
Cuộc chiến pháp lý của cặp đối với chính quyền bang Virginia đã diễn ra trong hai năm mệt mỏi, cuối cùng, tòa án Virginia quyết định không xử lý vụ việc nữa và cuộc chiến pháp lý được đưa lên Tòa án Tối cao.
Tại phiên tòa ở cấp cao nhất, vợ chồng nhà Loving đã không tham dự, nhưng anh Richard đã gửi một thông điệp ngắn gọn tới tòa thông qua luật sự của mình: “Ngài luật sư, hãy nói với tòa rằng tôi yêu vợ mình, và thật không công bằng khi tôi không thể sống với cô ấy ở quê nhà Virginia”.
Cuối cùng, vào ngày 12/6/1967, Tòa án Tối cao của Mỹ đã ra quyết định xóa bỏ điều luật cấm kết hôn khác chủng tộc của bang Virginia, tạo thành một án lệ làm vô hiệu hóa những phân biệt chủng tộc trong luật hôn nhân ở bang Virginia cũng như ở 15 bang khác còn áp dụng luật này.
Cảnh trong phim “Loving” (2016)
Đó là một trong những án lệ làm thay đổi nước Mỹ. Trong suốt quá trình theo đuổi vụ việc và cả quãng đời sau này, vợ chồng nhà Loving vẫn luôn là những con người giản dị, kiệm lời và có phần dè dặt với truyền thông, họ thực sự không hứng thú với việc đưa ra những phát ngôn “đao to búa lớn” hoặc trở thành những nhân vật của công chúng.
Hồi năm 1966, Richad đã nhận trả lời phỏng vấn của tờ Time (Mỹ) và cho biết: “Chúng tôi không làm những việc này bởi muốn trở thành ai đó. Chúng tôi làm những việc này vì chính mình, bởi chúng tôi muốn được sống với nhau và sống ở Virginia”.
Dù cuộc tình của họ truyền cảm hứng như vậy nhưng định mệnh dường như không cho ai tất cả, năm 1975, Richard qua đời trong một tai nạn xe hơi còn Mildred thì bị thương rất nặng bên mắt phải cũng trong vụ tai nạn này.
Bà Mildred về sau qua đời vào năm 2008. Trước khi qua đời, bà từng nói: “Tôi ủng hộ sự tự do trong hôn nhân đối với tất cả mọi người. Đó là những gì mà vợ chồng Loving, và tình yêu, đều hướng tới”. Câu chuyện của cặp đôi giờ là đề tài của bộ phim “Loving” do đạo diễn Jeff Nichols (Mỹ) dàn dựng.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail