“Bố già” sở hữu công thức kinh điển của phim điện ảnh ăn khách

(Dân trí) - Trong các dạng cung bậc cảm xúc thì bộ phim “The Godfather” (Bố già - 1972) được thực hiện theo công thức đảm bảo thành công cao nhất xét về mặt doanh thu.

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Birmingham (Anh) đã thử phân tích dữ liệu của 6.147 kịch bản phim cũng như doanh số của từng phim, để xem công thức cảm xúc nào sẽ giúp một bộ phim điện ảnh thành công ngoài phòng vé.

Trong các dạng cung bậc cảm xúc, bộ phim “The Godfather” (Bố già - 1972) được thực hiện theo công thức đảm bảo thành công cao nhất xét về mặt doanh thu.

Cảnh trong “The Godfather” (Bố già - 1972)
Cảnh trong “The Godfather” (Bố già - 1972)

Từ lâu, giới khoa học đã biết tới 6 loại cung bậc cảm xúc cơ bản được đem áp dụng cho các bộ phim và các tác phẩm văn học, chẳng hạn như “từ không thành có”, “thăng - trầm - thăng”...

Theo đó, mô-típ cảm xúc trong “The Godfather” thuộc dạng “Man in a Hole” (thoát nghịch cảnh), sự suy sụp ban đầu được theo sau bằng sự trỗi dậy mạnh mẽ. Mô-típ cảm xúc này thường dễ đưa lại thành công tài chính cho các bộ phim, nghiên cứu của nhóm khảo sát kết luận.

Theo con số phân tích của nhóm thì các phim làm theo công thức “Man in a Hole” trung bình có chi phí sản xuất vào khoảng 40,5 triệu USD và thu về 54,9 triệu USD. Đây là biên độ sinh lời cao nhất trong 6 dạng cung bậc cảm xúc được đem ra phân tích từ tổng số 6.147 bộ phim.

Theo nhóm phân tích, cung bậc cảm xúc này tạo ra những bộ phim có khả năng thành công lớn về mặt doanh thu, bởi nó tạo ra được những nội dung để người xem muốn bàn luận

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, những phim dễ sinh lời nhất thường sử dụng công thức cảm xúc “Man in a Hole”. Những phim áp dụng công thức này có thể kể tới “The Godfather”, “The Departed”, “Blade Runner”.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, những phim dễ sinh lời nhất thường sử dụng công thức cảm xúc “Man in a Hole”. Những phim áp dụng công thức này có thể kể tới “The Godfather”, “The Departed”, “Blade Runner”.

6 dạng công thức cảm xúc thường được sử dụng trong phim

1. “Rags to Riches” (từ không thành có): Liên tục có những xúc cảm tích cực

Ví dụ: The Shawshank Redemption, Groundhog Day, The Nightmare Before Christmas

2. “Riches to Rags” (từ có về không): Liên tục có những xúc cảm tiêu cực

Ví dụ: Psycho, Love story, Toy Story 3

3. “Man in a Hole” (thoát nghịch cảnh): Suy sụp rồi trỗi dậy

Ví dụ: The Godfather, The Departed, Blade Runner

4. “Icarus” (lên voi xuống chó): Từ đỉnh cao xuống vực sâu, thăng hoa rồi tàn lụi

Ví dụ: On the Waterfront, Mary Poppins, A Very Long Engagement

5. “Cinderella”: Thăng - Trầm - Thăng

Ví dụ: Rushmore, Babe, Spider-Man 2

6. “Oedipus”: Trầm - Thăng - Trầm

Ví dụ: All About My Mother, As Good as It Gets, The Little Mermaid

Bích Ngọc
Theo Guardian