Bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp của những cụ già sống hơn trăm tuổi

(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia người Đức - Karsten Thormaehlen - đã đi khắp thế giới để chụp ảnh chân dung những cụ già lớn tuổi nhất hành tinh. Sau rất nhiều cuộc gặp gỡ, anh phát hiện ra rằng tất cả các cụ đều có một điểm chung…

Trong cuốn sách ảnh “Aging Gracefully: Portraits of People Over 100” (Tuổi già đẹp đẽ: Chân dung những cụ già hơn 100 tuổi - 2017), nhiếp ảnh gia Karsten Thormaehlen đã ghi lại chân dung của 52 cụ già sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, tất cả các cụ đều đã sống qua trăm tuổi và vẫn còn minh mẫn để chia sẻ với nhiếp ảnh gia Thormaehlen những câu chuyện thú vị.

Cụ Tonaki Tsuru đến từ Nhật Bản.
Cụ Tonaki Tsuru đến từ Nhật Bản.

Anh Thormaehlen chia sẻ lý do khiến mình có động lực thực hiện bộ ảnh kỳ công này: “Tôi đã có nhiều năm làm việc trong nền công nghiệp thời trang, thường xuyên chụp hình những món đồ xa xỉ, những thương hiệu đắt tiền, tôi biết cách làm thế nào để có được những khuôn hình chứa đựng vẻ đẹp hoàn hảo”.

“Thực tế, vẻ đẹp hoàn hảo là điều không thể đạt đến được, giống như một người cố vẽ một hình tròn tuyệt đối. Tôi luôn tin rằng vẻ đẹp thật sự đến từ việc một người có thể ý thức được rất rõ về bản thân mình”.

Chính việc dần dần cảm thấy lãnh đạm với vẻ đẹp hoàn hảo mà công việc thường ngày đòi hỏi phải đạt tới, nhiếp ảnh gia Thormaehlen đã quyết định thực hiện một chùm ảnh nằm ngoài những đề tài mà mình vẫn thường “va chạm”. Khi có dịp tiếp xúc với người già, anh cảm thấy họ có cách nhìn rất khác đối với nhiếp ảnh:

“Được chụp ảnh là một điều gì đó rất đặc biệt trong quá khứ, chỉ được thực hiện vào những dịp trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Đã có thời việc chụp ảnh không đơn giản và lại còn đắt đỏ, người ta thậm chí sẽ cảm thấy buồn ít nhiều nếu bức ảnh khi rửa ra không đẹp như ý”.

Cụ Secundo Timoteo Arboleda Hurtado đến từ Ecuador.
Cụ Secundo Timoteo Arboleda Hurtado đến từ Ecuador.

Những cụ già mà Thormaehlen tiếp xúc đều thuộc về một thế hệ có những quan niệm kỳ lạ như vậy đối với nhiếp ảnh. Vì vậy, khi các cụ được chụp ảnh, tất cả đều cảm thấy vui vẻ, thích thú: “Các cụ đã đưa lại cho tôi cảm nhận rằng các cụ rất thích thú với sự quan tâm của tôi, thích thú khi được chụp ảnh. Đối với các cụ, đó thực sự là niềm vui”.

Để biết các cụ già đặc biệt này, Thormaehlen phải “nhờ cậy” vào sự phản hồi từ những người biết tới dự án nhiếp ảnh của anh. Đã sống hơn một thế kỷ, các cụ già đều đã tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những thăng trầm, biến động của lịch sử. Để kể về những sự kiện lớn mà Thormaehlen được đọc trong sách, họ có cả tá câu chuyện của riêng cá nhân mình.

Cụ Olivia Hooker sống ở New York, Mỹ.
Cụ Olivia Hooker sống ở New York, Mỹ.
Cụ Sigurgeir Jonsson sống ở Iceland.
Cụ Sigurgeir Jonsson sống ở Iceland.

Sau rất nhiều cuộc gặp gỡ trò chuyện với những cụ già hơn trăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, Thormaehlen phát hiện ra rằng tất cả họ đều có một điểm chung: “Tôi học được một điều từ các cụ rằng họ rất yêu cuộc sống. Họ đã sống rất lâu, nhưng họ không hề nghĩ về cái chết, họ sống như thể nếu cái chết xảy ra ngay ngày mai, cũng không thành vấn đề, họ cứ thế vui vẻ sống”.

Cụ Maria Luisa Medina đến từ Ecuador.
Cụ Maria Luisa Medina đến từ Ecuador.

Ngoài ra, Thormaehlen còn nhận thấy rằng ở các cụ có một sự kiên nhẫn kỳ lạ với cuộc sống xung quanh và với chính bản thân mình. Như bà cụ Maria Luisa (ảnh trên), hàng ngày bà ngồi bên những chiếc chăn ấm trải ra trên sàn, và cứ thế cặm cụi xe sợi. Bà chia sẻ rằng đây là việc làm yêu thích nhất của bà bởi bây giờ đôi chân quá yếu, bà không còn đi đâu được nữa.

Có lần, khi Thormaehlen đến thăm bà cụ Luz Pacifica (Ecuador), anh phải leo lên một đoạn dốc mới có thể tới được căn nhà gỗ của bà. Khi gặp anh chàng ngoại quốc ở cửa và thấy anh đang thở dốc không nói nên lời, bà mỉm cười: “Hy vọng đây là câu trả lời cho anh về việc sống đến 100 tuổi sẽ cảm thấy như thế nào”.

Cụ Gaspare Mele đến từ Italy.
Cụ Gaspare Mele đến từ Italy.

Gặp cụ già nào, Luz Pacifica cũng hỏi về cuộc sống riêng, về những lời khuyên đúc kết được sau cả cuộc đời rất dài của các cụ, thêm vào đó là bí quyết để sống lâu.

Ông cụ Gaspare Mele sống ở đô thị Orotelli, đảo Sardinia, Ý cho rằng bí quyết sống lâu của ông chính là vì… yêu thơ. Trong suốt cuộc đời mình và cho tới tận hôm nay, ông vẫn thường xuyên sáng tác thơ, viết ra chỉ để cho mình và sau nữa là một vài người thân, bạn hữu có cùng sở thích cùng đọc. Ông Gaspare có một gia đình lớn với 8 người con, rất nhiều người cháu và chắt.

Khi chia sẻ một cách nghiêm túc về lời khuyên dành cho người trẻ, ông Gaspare cho rằng mỗi người hãy sống và làm việc một cách hài hòa với bản thân, và với những người xung quanh, hãy tạo nên sự bình yên trong cuộc sống của mình. Ngoài ra, mỗi người còn cần phải phân biệt rõ ràng tốt xấu và có những chuẩn mực nguyên tắc riêng của mình trong cuộc sống.

Cụ Zoila Donatila Aliaga Melendez vda de Roman đến từ Peru.
Cụ Zoila Donatila Aliaga Melendez vda de Roman đến từ Peru.

Cụ Zoila đến từ Lima, Peru cho biết cụ lấy chồng từ năm 19 tuổi, có 8 người con, 21 người cháu, 23 người chắt và 3 người chút. Những niềm vui trong cuộc sống hiện tại của cụ là ngày ngày đọc các bài kinh cầu nguyện, gặp gỡ những cụ già khác để cùng trò chuyện, đan len, người nào mắt còn tinh sẽ đọc sách báo cho tất cả cùng nghe.

Cụ Gerardus Jacobus Johannes Keizen đến từ Hà Lan.
Cụ Gerardus Jacobus Johannes Keizen đến từ Hà Lan.

Đối với cụ Gerardus, bí quyết để cụ sống lâu chính là duy trì một cuộc sống lành mạnh: đi ngủ sớm, không hút thuốc, không uống rượu. Cụ Gerardus cho rằng mỗi người chỉ nên nuông chiều bản thân một chút vào những dịp thật đặc biệt, không nên thường xuyên sa đà vào những thú vui có hại cho sức khỏe.

Bích Ngọc
Theo MNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm