Bộ ảnh cảm động về người phụ nữ trong chiến tranh
(Dân trí) - Không cần liệt kê, người ta cũng có thể hình dung ra đủ thứ tai họa có thể giáng xuống người phụ nữ trong cảnh chiến tranh, loạn lạc. Bộ ảnh dưới đây cho thấy số phận của họ có thể bị thay đổi tới mức nào khi rơi vào giữa những bất ổn, xung đột.
Một triển lãm ảnh chân dung gây xúc động được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia chuyên về đề tài chiến tranh - một tên tuổi có tiếng trong cộng đồng nhiếp ảnh quốc tế - đang thu hút sự chú ý trong những ngày này. Triển lãm của nhiếp ảnh gia người Anh 57 tuổi - Nick Danziger - đã cho thấy những khổ đau của người phụ nữ khi phải trải qua chiến tranh, xung đột.
Ông Nick Danziger đã từng đặt chân tới nhiều quốc gia để ghi lại hình ảnh chân thực về những cuộc chiến, trong đó, ống kính của ông đã không ít lần bắt gặp những cảnh thương tâm, mà nạn nhân chính là những người phụ nữ.
Không cần liệt kê, người ta cũng có thể hình dung ra đủ thứ tai họa có thể giáng xuống người phụ nữ giữa cảnh chiến tranh, loạn lạc. Họ trở thành nạn nhân của bạo lực, tấn công tình dục, bị mất chồng, mất con, phải rời quê hương bản quán, bị cầm tù…
Những bức ảnh khắc họa những bi kịch người phụ nữ gặp phải trong chiến tranh đã được nhiếp ảnh gia Nick Danziger thực hiện hồi năm 2001 khi còn hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC).
Dự án nhiếp ảnh này đã đưa Nick Danziger đi đến nhiều đất nước xa xôi như Afghanistan, Sierra Leone, Colombia, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Israel, Palestine… Ống kính của ông đã ghi lại những thách thức mà phụ nữ gặp phải khi sự yên bình bị phá vỡ.
Hơn một thập kỷ sau, Danziger quyết định sẽ đi tìm lại những người phụ nữ từng xuất hiện trong các bức ảnh của ông cách đây hơn một thập kỷ để xem cuộc sống của họ giờ đã thay đổi tới mức nào.
Những bức ảnh “xưa và nay” này đã được Danziger đem triển lãm với tiêu đề “11 người phụ nữ đối diện chiến tranh”, hiện triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc (IWM) ở London, Anh.
Những bức ảnh và đoạn phim ngắn do Nick Danziger thực hiện khai thác những cuộc đời riêng của 11 người phụ nữ. Họ đã phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh lên đời sống cá nhân cũng như gia đình.
Chị Sarah, ở Sierra Leone, năm 2001: “Tôi sống trong một trung tâm hoạt động bởi một tổ chức nhân đạo chuyên giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân bị cưỡng hiếp và các con của họ. Khi tôi 15 tuổi, một người đàn ông trong làng đã cầu hôn tôi. Tôi cũng yêu anh ấy. Anh ấy làm nghề đào kim cương và rất quý mến gia đình tôi.
Khi chúng tôi chuẩn bị cho hôn lễ thì xảy ra chiến tranh. Người đàn ông ấy bị bắt rồi bị giết. Trong một lần tôi ra ngoài một mình, bỗng có người thét lên - “Dừng lại!”. Người đàn ông này có súng, lúc đó, tôi chỉ muốn sống, nên phải làm theo những gì ông ta yêu cầu. Ông ta đã cưỡng bức tôi.
Khi tôi có thai, tôi đã quay trở lại tìm người đàn ông này nhưng ông ta bảo rằng mình không phải là cha đứa trẻ, ông ta không cần nó, rằng làm sao ông ta lại có thể có con với tôi được”.
Hơn 10 năm sau gặp lại, chị Sarah giờ đây đã trở thành một phụ nữ hạnh phúc. Xuất hiện trong ảnh cùng với Sarah là gia đình và hàng xóm. Sarah báo tin mừng cho Nick biết rằng giờ đây chị đã có được một người chồng tốt và đã có thêm một cô con gái.
Chị Zakiya, ở Dải Gaza, năm 2001: “Các con gái của tôi lớn lên mà không có cha, nhưng các cháu vẫn học hành rất giỏi giang. Tôi là người kiểm tra việc học của các cháu, cũng là người quán xuyến mọi việc trong nhà. Tôi chăm lo cho bọn trẻ, đảm bảo rằng chúng được tới trường.
Tôi cũng là người giám sát bọn trẻ khi chúng ngồi học ở nhà. Tôi tin rằng mình đã làm tốt nhiệm vụ của cả người cha và người mẹ. Chỉ có điều khi các con hỏi xin tôi mua một vài thứ chúng thích, tôi đã phải bảo các con rằng mẹ không có tiền cho những thứ đó”.
Chị Zakiya của hiện tại (ngoài cùng bên trái): “Chồng tôi vẫn đang ở trong tù, và các con gái của tôi đã học đại học. Tôi đã là trụ cột gia đình trong 18 năm rồi đấy”.
Bé Mah Bibi, ở Afghanistan, năm 2001: “Tên của cháu là Mah Bibi. Mọi người bảo rằng cháu 10 tuổi. Một người em trai của cháu 5 tuổi, em nữa 7 tuổi. Cháu là chị cả trong nhà. Cha mẹ cháu đã chết rồi. Mọi người hay nói về chiến tranh nhưng cháu chỉ nghĩ về cái đói.
Cháu không nhớ mẹ cháu chết khi nào, cháu cũng chỉ được nghe kể lại rằng mẹ cháu đã chết trong khi sinh. Đã 4 năm trôi qua kể từ khi cha cháu mất. Cha nói đi mua thức ăn về cho chúng cháu, đó là lần cuối cùng cháu nhìn thấy cha. Nhà cháu có 2 con bò, 10 con cừu và một ít đất nhưng kể từ khi cha cháu mất tích, chúng cháu bị đói nên đã phải bán tất cả đi rồi”.
Về sau, nhiếp ảnh gia Nick Danziger đã không thể tìm lại Mah Bibi và hai em trai của cô bé, tương lai cũng không mấy sáng sủa đối với ba chị em.
Bà Qualam, ở Afghanistan, năm 2001: “Có xung đột xảy ra ở làng của chúng tôi. Chúng tôi liền phải rời đi nhanh chóng, bỏ lại tất cả mọi thứ. Tôi đã lên chức bà rồi và cũng đã ở góa từ lâu. Tôi sống với một người con gái và hai người con trai trong một túp lều. Một người con gái nữa của tôi khi đó đang mang thai và không đủ sức rời khỏi ngôi làng.
Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với hai mẹ con nó. Chúng tôi phải đi bộ ròng rã hai ngày ba đêm để tới được trại tị nạn này. Gần như cả làng tôi đã phải rời đến đây”. Khi nhiếp ảnh gia Nick Danziger gặp lại bà Qualam, cuộc sống của gia đình bà đã khá hơn, họ đã đựng được một ngôi nhà sau khi con trai bà tìm được công việc và trở thành trụ cột gia đình.
Cô bé Mariatu, ở Sierra Leone, năm 2001: “Đôi khi cháu không thể ngủ được trong vài ngày. Cháu nghĩ về những chuyện đã xảy ra với mình và cháu khóc. Khi đó cháu 13 tuổi và không biết gì về chiến tranh cho tới một lần cháu bị tấn công.
Cháu đã cầu xin bọn họ đừng biến cháu thành người tàn tật, cháu bảo họ cứ giết cháu đi còn hơn là biến cháu thành tàn phế. Thế rồi cháu đến sống trong một khu điều dưỡng dành cho những người tàn tật, có 260 người ở đây, có cả những đứa trẻ mới chỉ 2-3 hay 5-6 tuổi. Có cả người trẻ và người già”.
Cuộc sống của Mariatu đã thay đổi rất nhiều sau 10 năm gặp lại nhiếp ảnh gia Nick Danziger. Sau khi tập làm quen với cuộc sống của một người tàn tật, giờ đây, Mariatu đã di cư tới Toronto, Canada.
Khi gặp lại Nick, Mariatu giờ đã là một cô gái tự chủ trong cuộc sống của mình, cô thậm chí có thể tự nấu một bữa ăn để thết đãi Nick. Mariatu đã ra một cuốn tự truyện kể về cuộc đời mình. Hiện giờ, cô đang học tập để trở thành một nhân viên xã hội giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Chị Efrat, ở Israel, năm 2001: “Em trai của tôi là một người lính trẻ làm nhiệm vụ đi tuần tra ở biên giới. Em tôi cùng với hai đồng đội khác đã bị bắt cóc làm con tin trong 7 tháng rưỡi nay và chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với cậu ấy”.
Sau 10 năm gặp lại, Efrat chia sẻ với nhiếp ảnh gia Danziger rằng sau này, người ta đã báo cho gia đình cô biết rằng em trai cô đã chết, thi thể của cậu được đưa về an táng, cha của Efrat đã giữ nguyên căn phòng của em trai cô từ bấy đến nay để làm phòng tưởng niệm.
Cho tới tận hôm nay, cha cô vẫn còn rất đau buồn. Về phần cô, đã trở thành một bà mẹ, cô mong muốn các con mình sẽ được lớn lên trong hòa bình.
Chị Dzidza, ở Bosnia, năm 2001: “Sáu năm đã trôi qua kể từ ngày hai con trai tôi và chồng tôi mất tích. Tôi luôn cầu nguyện để Thượng đế hãy sớm kết thúc sự chờ đợi mòn mỏi này. Tôi từng có hai con trai. Đứa lớn học trung học, đứa nhỏ vừa học xong tiểu học. Rồi chiến tranh nổ ra, bọn trẻ phải nghỉ học.
Có rất nhiều người bị mất tích như thế này, kết cục số phận của họ không được xác định rõ ràng. Nhiều khi người nhà chỉ hy vọng tìm được thi thể của người mất tích để đưa về chôn cất tử tế thôi. Kể từ ngày chồng con tôi mất tích, tôi không bao giờ còn có cảm giác đói bởi tôi không còn thiết tha gì ăn uống nữa.
Điều quan trọng đối với tôi cũng như những bà mẹ khác rơi vào hoàn cảnh này, đó là được chôn cất và chăm sóc cho phần mộ của chồng con mình. Chúng tôi cùng cầu nguyện cho sự bình an, thanh thản trong tâm hồn và thể xác của người quá cố”.
10 năm sau gặp lại, nhiếp ảnh gia Danziger được biết hồi tháng 7/2010, chị Dzidza đã được “đoàn tụ” với chồng con mình, đó là khi hài cốt của ba bố con được trả về cho chị.
Chị Olja, ở Serbia, năm 2001: “Chồng tôi đã mất tích trong hai năm nay. Khi anh ấy mất tích, tôi đã suy sụp, chúng tôi đã có rất nhiều kế hoạch, nhưng ngay lập tức, mọi thứ đều sụp đổ, tôi mất đi tất cả chỉ trong khoảnh khắc và không biết mình còn có thể duy trì cuộc sống được bao lâu nữa. Nhà đã mất, giờ tôi sống trong khách sạn, tôi sợ phải nghĩ về tương lai của mình.
Khi có những thông tin về các thi thể được tìm thấy, tôi cũng như nhiều người khác không muốn đến xem bởi chúng ta đều khó chấp nhận rằng người thân của mình có thể là một trong những thi thể đó. Đối với tôi, thà cứ tin chồng mình còn đang sống vẫn hơn, nhưng tôi cũng muốn được biết sự thật”.
10 năm sau, khi gặp lại, nhiếp ảnh gia Danziger được chị Olja cho biết rằng thi thể của chồng chị đã được tìm thấy hồi năm 2002, 4 năm sau khi anh mất tích. Giờ đây, bên cạnh nấm mộ của chồng, chị Olja có thể than khóc và kể lể. Cuộc sống của chị không thay đổi nhiều. Chị đã dần quen với sự cô đơn, giờ đây, đọc sách và đi bộ là hai thú vui lớn của chị.
Bà Nasrin, ở Afghanistan, năm 2001: “Bất ổn, xung đột diễn ra liên miên. Nhiều người đã chết vì tên lửa, nhiều người chết vì mìn, và nhiều người khác, như tôi, đã bị tàn tật. Hôm đó tôi đi kiếm củi và vô tình giẫm vào mìn. Tôi bất tỉnh trong ba ngày. Khi tỉnh dậy, tôi phát hiện ra rằng mình đã bị mất một chân.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy nó là một thất bại. Khi chồng tôi qua đời, tôi đã phải bán đất để có tiền chi trả cho đám tang. Chúng tôi không còn có được một cuộc sống tươm tất nữa. Chúng tôi ăn đói, mặc rét. Thượng đế đã cho tôi con cái nhưng lại bắt chúng lớn lên trong đói nghèo. Tôi làm tất cả những gì có thể để nuôi con.
Người ta đưa cho tôi chăn rách để vá, nhờ đó, tôi có chút tiền mua đồ ăn cho con. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi phải đi hỏi xin sự giúp đỡ, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi cũng cần bột mì, than sưởi, quần áo cho các con của tôi. Khi tổ chức nhân đạo lắp chân giả cho tôi, tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong lao động, tuy vậy, tôi cũng đã có thể đi bộ dễ dàng hơn”.
Sau 12 năm gặp lại, các con của bà Nasrin đã trưởng thành và có thể hỗ trợ kinh tế cho mẹ phần nào. Bà vẫn thường xuyên đến trung tâm từ thiện để được chỉnh sửa chân giả sao cho phù hợp.
Chị Shinaz, ở khu Bờ Tây, năm 2001: “Tôi là y tá trưởng ở một bệnh viện. Để tới được nơi làm việc, mỗi ngày, tôi phải đi bộ 20 phút. Binh lính xuất hiện ở khắp nơi nhưng tôi phải làm nhiệm vụ của mình, bất kể những nguy hiểm có thể xảy ra trên đường đi làm. Đôi khi tôi nghe thấy tiếng súng nổ đằng xa, nhưng khi tiếng súng ở gần, tôi phải nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.
Thực sự chẳng có nơi nào là an toàn tuyệt đối cả, nhưng tôi cũng không thể ngồi nhà. Đôi khi tôi nhìn lên bầu trời và cảm thấy như mình đang ở trong một nhà tù khổng lồ”.
Khi gặp lại nhiếp ảnh gia Nick Danziger, chị Shinaz cho biết một ngày nọ, khi xảy ra pháo kích, cả nhà chị đã phải bỏ chạy, giờ đây ngôi nhà của chị đã tan hoang, nhưng Shinaz vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó, chị sẽ có thể trở về sống trong ngôi nhà do cha mẹ để lại.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail