Biểu đạt cảm xúc từ... "Tay"
(Dân trí) - Loạt tranh Tay của nghệ sĩ thị giác Phạm Huy Thông sẽ được triển lãm từ ngày 20/10 đến 13/11 tại Craig Thomas Gallery, TP HCM
Nghệ sĩ thị giác Phạm Huy Thông, sinh năm 1981 tại Hà Nội trong một gia đình có bố mẹ đều là nhà báo. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã được tham gia vào những buổi bàn luận mở về các vấn đề xã hội của bố mẹ tổ chức cùng bạn bè của ông bà. Chính sự tiếp xúc từ rất sớm với những phong cách lập luận mở như vậy đã trở thành những nhân tố quan trọng trong việc giúp anh quyết định đưa các vấn đề chính trị xã hội vào trong nghệ thuật hội họa của mình.
Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Phạm Huy Thông được biết đến với những tác phẩm chuyên phê bình chính trị xã hội. Nhìn tranh của anh, người ta khó hình dung ra được đó là những bức tranh của một người nghệ sĩ đời đầu thế hệ 8X. Có nhận định cho rằng, “loạt tranh Tay rõ ràng là sản phẩm của một họa sỹ đã chín, sáng tác với sự tập trung cao độ về mục đích, kỹ năng và hoài bão”.
Anh đã thay thế gương mặt của các chủ thể trong loạt tranh Tay mới nhất của mình bằng những bàn tay, một phần vì mong muốn biến chúng thành những con người có tính phổ quát, tương đồng. Từ đó, anh có thể xóa bỏ tính nhân diện của cá nhân, hay quốc tịch, loại trừ tiềm năng gây nhiễu của các nhân vật trong các tranh, không có cá nhân nào cụ thể nào ở đây, tất cả đều có tính cách chung của con người. Chẳng có gì để căn cứ về hình dáng, nét xếch, hay đôi mắt để áp đặt cho những người không có gương mặt này một quốc tịch cụ thể - Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản hay Philippines.
Bằng cách “làm biến mất gương mặt” các nhân vật trong tranh mình, anh tìm kiếm nuôi dưỡng những điều kiện cho một cuộc đối thoại mở giữa người xem và tranh anh. Một trong những lý do anh chọn tay, theo quan niệm của anh tay có khả năng biểu cảm độc đáo. Anh thấy hình dáng đôi tay con người có rất ít sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng lại có khả năng to lớn biểu hiện cung bậc cảm xúc – giận dữ, uy quyền, sợ hãi, hạnh phúc -- và nhiều ý nghĩa khác bằng cách sử dụng các biểu tượng và điệu bộ.
Tay là triển lãm tiếp theo sau triển lãm thành công loạt tranh Đồng Bào của Thông (2009-2010), được xây dựng xoay quanh ý tưởng người Việt Nam tất cả đều sinh ra từ cùng một bọc trứng được kể trong truyền thuyết sáng tạo Nữ Thần Âu Cơ. Với cốt lõi xây dựng như thế, các tranh Đồng Bào tập trung vào những vấn đề của người Việt Nam. Với loạt tranh Tay, những nhận định của anh đi từ cấp độ quốc gia đến khu vực, và trong nhiều trường hợp là phạm vi toàn cầu.
Bình Yên