Biên kịch Hồng Ngát từng dự đám cưới của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
(Dân trí) - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa qua đời khiến nhiều người tiếc thương. Một số bạn bè, đồng nghiệp với ông kể những kỷ niệm đáng nhớ về nhà văn quê gốc Quảng Trị.
Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời lúc 2h30 chiều 25/7. Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ ông vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).
Chị Hoàng Dạ Thư - con gái của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - cho biết, trước khi mất, cha chị bị liệt nửa người, mọi hoạt động đều cần người hỗ trợ. Hôm 6/7, khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - vợ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - qua đời, ông cũng không ý thức được.
Trước sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội nhà văn Việt Nam phải đau buồn đưa tiễn những hội viên ưu tú của mình cho dù tuổi tác họ đã cao như: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (75 tuổi), nhà văn Bút Ngữ (93 tuổi), nhà viết kịch và nghiên cứu Chèo Trần Bảng (97 tuổi), nhà văn Nguyễn Trần Thiết (95 tuổi), nhà thơ Bế Thành Long (87 tuổi), nhà văn Trần Hữu Tòng (85 tuổi), nhà thơ Lò Cao Nhum ( 70 tuổi)... Và ngày 25/7/2023, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từ giã cuộc đời.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng như các nhà văn lão thành đã mất, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và quá nhiều đau thương. Họ đã sống một cuộc sống với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và nhiều thách thức, nhưng họ đã viết như "không thể sống mà không viết".
"Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bệnh đã 25 năm. 25 năm qua, ông chỉ ngồi trên xe lăn. Và năm nay ông đã 87 tuổi. Sự ra đi của ông là nỗi đau buồn của Hội nhà văn Việt Nam nhưng ông đã được giải thoát khỏi bệnh tật và được bay về cõi vĩnh hằng với người vợ của mình: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tôi được biết, tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay, khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn sống, bà hay vào Huế và sau này là TPHCM chơi với vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Mỹ Dạ.
"Vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có hai người con gái, con gái út thì học bên Mỹ và định cư bên đó. Trước kia, vợ chồng Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế, những năm cuối đời, hai vợ chồng vào Nam ở với người con cả.
Con gái mua cho vợ chồng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường một căn hộ bên cạnh nhà con, có hai người giúp việc hỗ trợ việc nhà. Ông Tường đã nằm một chỗ nhiều năm nay nhưng minh mẫn và vẫn nhận ra mọi người. Tôi đến nhà, ông Tường lúc đó có nói chuyện nhưng ông yếu rồi nên không giao tiếp được nhiều", biên kịch Hồng Ngát chia sẻ.
Bà Ngát cho biết thêm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người giỏi giang, khi còn trẻ, ông hay ra Hà Nội để sinh hoạt văn chương cùng đồng nghiệp và được mọi người rất yêu quý, trọng vọng.
"Năm 1974, Lâm Thị Mỹ Dạ nhận giải nhất về thơ thì hôm sau làm đám cưới với ông Tường ở Hà Nội. Khi hai người cưới nhau, tôi cũng có mặt. Khi đó tôi mới quen Mỹ Dạ nhưng cũng thấy hợp và thân nên cũng đi dự, sau này thi thoảng tôi có gặp hai vợ chồng, chúng tôi vẫn giữ được một tình bạn, tình đồng nghiệp rất đẹp", biên kịch Hồng Ngát tâm sự.
Sinh thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nhóm bạn chơi thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé, là cuốn sách nổi tiếng ông viết về con người, phong cách âm nhạc, tác phẩm của nhạc sĩ.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông từng dạy ở trường chuyên Quốc học Huế vào năm 1960-1966.
Hoàng Phủ Ngọc Tường từng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông cũng từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả thành công với thể loại bút ký. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông (viết năm 1981), được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.