Biên đạo Hải Trường đưa văn hóa Việt vào tác phẩm múa

Phương Bảo

(Dân trí) - Dù là người trẻ nhưng biên đạo Nguyễn Hải Trường chọn theo đuổi những đề tài khó. Anh muốn sáng tạo, cống hiến và để lại dấu ấn với các tác phẩm múa chuyên nghiệp.

Tại cuộc thi Tài năng múa Toàn quốc 2023 vừa qua, biên đạo Nguyễn Hải Trường đã giúp các nghệ sĩ múa trẻ có nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó, một số vở anh tham gia dàn dựng được đánh giá cao như Bóng núi, đã giúp thí sinh Hà Nhi giành giải nhì, bảng C của cuộc thi.

Biên đạo Hải Trường đưa văn hóa Việt vào tác phẩm múa - 1
Biên đạo múa Hải Trường còn tham gia giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Biên đạo múa Hải Trường cho biết, anh gắn bó với nghề múa 12 năm, các tác phẩm anh dàn dựng là những vở múa có đề tài về chiến tranh cách mạng, không gian tâm linh, phong tục tập quán, sắc màu văn hóa các vùng miền, dân tộc… Anh mong muốn đưa những nét văn hóa đậm chất dân gian vào tác phẩm múa để khán giả hiểu và yêu phong tục truyền thống của Việt Nam hơn.

Hải Trường cho hay, anh đi khá nhiều nơi, học được nhiều nét văn hóa của vùng miền. Đến đâu, anh cũng rất quan tâm tới đặc trưng, bản sắc, không gian văn hóa, tín ngưỡng, cũng như đời sống con người ở mỗi dân tộc, để tìm những điểm đặc trưng, sáng tạo cho tác phẩm.

Biên đạo Hải Trường đưa văn hóa Việt vào tác phẩm múa - 2
Tác phẩm "Bóng núi" do Nguyễn Hải Trường dàn dựng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đây cũng là cảm hứng giúp anh sáng tạo tác phẩm và đạt nhiều giải cao chuyên ngành như: Giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016 với tác phẩm Lễ bỏ mả; Giải C giải thưởng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2017 với tác phẩm Một ngày trên bản… Anh từng đạt giải nhất với tác phẩm Cuội già ở cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa 2019.

Năm 2020, tác phẩm Côn Đảo ngày trở về do anh dàn dựng giành giải B tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tối ngày 9/9, anh cùng đồng nghiệp nhận giải A tập thể cho tác phẩm múa trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2023 do Ban Tuyên giáo tổ chức.

Biên đạo Hải Trường đưa văn hóa Việt vào tác phẩm múa - 3
Hải Trường thích dàn dựng những tác phẩm mang đậm văn hóa Việt Nam. Trong ảnh là vở "Gánh núi trên lưng" khắc họa cuộc sống của người dân vùng cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Khi dàn dựng các tác phẩm, tôi thường dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, tìm hiểu về bối cảnh của thời kỳ gian khó cũng như sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Mỗi tác phẩm được dựng lên, người biên đạo còn phải công phu chọn diễn viên để phù hợp với nhân vật, bố cục câu chuyện… để khán giả có thể cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa", Hải Trường cho hay.

Nói về những vất vả của nghề múa mang lại, Hải Trường cho biết: "Diễn viên múa học từ nhỏ nên động tác dẻo dai hơn, nhưng học hết cấp 3, tôi mới bắt đầu học múa nên cơ thể tôi rất cứng, việc luyện tập gặp nhiều khó khăn như bị chấn thương, bị ngã cũng có.

Hơn nữa, mùa đông phải dậy sớm tập luyện, phải mặc trang phục mỏng để hoạt động, đi lại dễ dàng hơn. Nghệ sĩ múa thường xuyên phải ép cân, mùa hè không được dùng quạt, điều hòa cũng là những khó khăn mà tôi phải trải qua".

Biên đạo Hải Trường đưa văn hóa Việt vào tác phẩm múa - 4
Tác phẩm "Sông đợi" do biên đạo múa Hải Trường sáng tạo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh chia sẻ, xã hội bây giờ đã phát triển, không ai bàn tán việc "vì sao nam giới lại làm nghề múa?". Khi nhu cầu của khán giả nâng cao, biên đạo múa nữ và nam có tài năng thì sẽ có cơ hội làm nghề và được ghi nhận.

"Nếu kiên trì và có khả năng, bạn sẽ sống được với nghề mà không sợ định kiến nào cả", Hải Trường bộc bạch.