Bìa sách thiếu nhi bị chỉ trích vì thiết kế phản cảm

(Dân trí) - Nhà xuất bản đã đăng tải mẫu bìa lên mạng và mời độc giả đoán xem đó là mẫu bìa mới của cuốn sách nào. Rất nhiều dự đoán đã được đưa ra. Thậm chí, có người đoán đó là mẫu bìa cho cuốn… “Lolita”.

Cuốn sách văn học dành cho thiếu nhi “Charlie and the Chocolate Factory” (Charlie và nhà máy sôcôla) của nhà văn Anh Roald Dahl mới đây vừa được một nhà xuất bản nổi tiếng ở Anh là Penguin Books tái bản với một mẫu bìa mới gây tranh cãi.

Nhà xuất bản đã đăng tải mẫu bìa này lên mạng và mời độc giả đoán xem đó là mẫu bìa mới của cuốn sách nào. Rất nhiều dự đoán đã được đưa ra. Thậm chí, có người đoán đó là mẫu bìa cho cuốn “Lolita” của nhà văn Vladimir Nobokov. Tuy vậy, không nhiều người đoán ra rằng đó là bìa của cuốn “Charlie và nhà máy sôcôla”.

Bìa sách thiếu nhi bị chỉ trích vì thiết kế phản cảm


Khi được biết đây chính là mẫu bìa mới cho cuốn sách nói trên, rất nhiều người đã tỏ ra phản đối và cho rằng thiết kế này là không phù hợp, làm hỏng hình ảnh của cuốn sách…

Cô bé xuất hiện trên bìa sách được cho là Veruca Salt hoặc Violet Beauregarde - hai nhân vật nữ nhỏ tuổi xuất hiện trong truyện. Hai nhân vật nữ này chỉ là nhân vật phụ và đều không phải những cô bé ngoan.

Theo lý giải của nhà xuất bản, hình ảnh mới này giúp “nhấn mạnh cách mà nhà văn Roald Dahl phản ánh cuộc sống trong tác phẩm của mình, ông đưa vào cả mặt sáng và mặt tối”.

Trước phản ứng không mấy tích cực của độc giả đối với mẫu bìa mới của cuốn sách, nhà xuất bản Penguin Books vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình khi sử dụng hình ảnh một cô bé được hóa trang giống như búp bê.

Hình bìa gây tranh cãi

Hình bìa gây tranh cãi

Bìa của cuốn sách bị cho là dễ gây hiểu lầm, không phù hợp với nội dung cuốn truyện kể về cậu bé nghèo Charlie đã vượt qua các thử thách để có thể trở thành chủ nhân của một nhà máy sản xuất sôcôla, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Một nhà văn Anh có tên Giles Paley-Phillips thậm chí còn cho rằng bìa sách này thích hợp với cuốn “Lolita” hơn (một cuốn sách khá gây tranh cãi xoay quanh một cô bé có sự phát triển sớm về giới tính).

“Charlie và nhà máy sôcôla” là một trong số những đầu sách thiếu nhi nổi tiếng nhất đối với trẻ em phương Tây và đã được dịch sang tiếng Việt. Ấn bản mới này sẽ được xuất bản tại Anh trong tháng 9 tới đây để kỷ niệm 50 năm ngày cuốn sách được xuất bản.

Hình bìa gây tranh cãi


Lý giải về ý tưởng thiết kế lần này, người phát ngôn của Penguin Books cho biết ấn bản mới hướng tới đối tượng độc giả là người lớn và hình ảnh cô bé xuất hiện ngoài bìa không hẳn là minh họa cho bất cứ một nhân vật nữ nào trong truyện:

“Chúng tôi muốn làm nổi bật những ý nghĩa khác trong cuốn sách này. Đây là một câu chuyện dành cho thiếu nhi nhưng nó cũng có thể bước ra ngoài thế giới của thiếu nhi để phản ánh cuộc sống của người lớn. Độc giả cho tới nay chưa quen nhìn nhận tác phẩm của Roald Dahl theo cách này”.

Tuy vậy, lý giải này cũng không thể thuyết phục được dư luận. Một nhà văn có tên Joanne Harris chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao người lớn lại cần một mẫu bìa thiết kế khác đi. Có phải cứ người lớn là phải có chút gợi tình?”.

Hình bìa gây tranh cãi


Hơn nữa, “Charlie và nhà máy sôcôla” thực tế không phải một tác phẩm đa nghĩa, vì vậy, lời “biện bạch” của nhà xuất bản cũng có phần gượng ép.

Hình ảnh ngoài bìa được mua lại từ một tạp chí của Pháp. Hình ảnh từng được sử dụng trong một bài báo đăng hồi năm 2008 xoay quanh những mẫu thời trang dành cho các cô bé.

Hiện tại, dư luận nói chung không ủng hộ mẫu bìa mới của nhà xuất bản, bởi đây là một cuốn sách văn học đã quá nổi tiếng, vì vậy, độc giả không dễ dàng chấp nhận những thay đổi quá phá cách, táo bạo.

Bích Ngọc
Theo BBC