1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bị phản ứng vì chấn chỉnh quảng cáo Coca-Cola, Cục Văn hóa cơ sở nói gì?

(Dân trí) - Việc Coca - Cola bị Bộ VH - TT&DL “tuýt còi” vì quảng cáo thiếu thẩm mỹ khiến dư luận đặt câu hỏi: “Mở lon Việt Nam” thì vi phạm thuần phong mỹ tục thế nào? Trước ý kiến trái chiều, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã chính thức lên tiếng...

Chia sẻ với báo chí vào sáng 29/6, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), cho rằng việc ra văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục.

Bà Ninh Thị Thu Hương khẳng định: “Trước khi ký 03 văn bản chấn chỉnh nội dung này, Cục Văn hóa cơ sở đã nghiên cứu kỹ nội dung cụm từ “Mở lon Việt Nam” trong sản phẩm quảng cáo của Coca- Cola. Trước hết phải khẳng định, cụm từ này không có thông tin rõ ràng, nếu đã nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, lon Coca- Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... nào khác. Việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hóa sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm”.

Bị phản ứng vì chấn chỉnh quảng cáo Coca-Cola, Cục Văn hóa cơ sở nói gì? - 1

(Ảnh minh họa)

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói rõ, việc gắn chữ “lon” như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng.

Theo bà Hương, là cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở không cấm quảng cáo của Coca- Cola. Cục cũng chia sẻ với doanh nghiệp nước ngoài khi họ đã vô ý xây dựng một slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng trong sử dụng tiếng Việt, chưa tìm hiểu cũng như được tư vấn kỹ càng, phù hợp về từ ngữ, văn phong trong văn hóa Việt...

Tuy nhiên,  để đảm bảo thông tin quảng cáo rõ ràng, đầy đủ, doanh nghiệp này cần phải sửa, thêm chữ cho rõ ràng thông điệp, nội dung muốn quảng cáo...

Cũng theo bà Hương, văn bản của Cục nhận được phản hồi tích cực từ địa phương. Cụ thể, sau khi nhận được văn bản của Cục, Sở VH-TT Hà Nội đã yêu cầu tháo dỡ bảng quảng cáo sản phẩm của Coca- Cola tại Ô Chợ Dừa. Thanh tra Sở cũng xử phạt hành chính Coca-Cola với lỗi làm mất mỹ quan thành phố và quảng cáo không xin phép với mức phạt cao nhất cho hành vi này là khoảng 25 triệu đồng.

Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở đã có công văn gửi các sở VH-TT&DL và sở VH-TT các tỉnh, thành yêu cầu việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.

Theo Bộ VH-TT&DL, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị sở VH-TT&DL, sở VH-TT các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Đồng thời, yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.

Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác trên địa bàn, Bộ VH-TT&DL đề nghị kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Ngay sau khi văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca-Cola do Cục Văn hóa cơ sở ban hành, một số ý kiến phản ứng cho rằng Bộ VH-TT&DL “đang làm to chuyện”?

Nguyễn Hằng