Bí mật nghĩa địa cổ người Tàu trong lòng Hà Nội

Đến ngõ 420 ở phố Hoàng Hoa Thám rồi đi sâu tuốt vào trong, chúng ta sẽ thấy dấu tích của những ngôi mộ cổ kỳ lạ nằm lộn xộn không hàng lối trong vườn tược và kể cả trước cửa nhà dân.

Đó là nghĩa địa của người Tàu và không biết đã tồn tại ở đây từ bao giờ. Những đồn đại rùng rợn về nghĩa địa cổ này ghim chặt trong đầu người dân quanh vùng bao nhiêu năm liệu có phải sự thật?

Chuyện bảy phần hư, ba phần thực

Trên bia mộ rặt những chữ Trung Quốc, nhiều ngôi mộ được tô chữ đỏ và những bát hương lạnh lẽo. Có những mộ do người dân xây nhà đã đè lên, bia mộ nay chỉ còn chồi lên một nửa. Đặc biệt, nằm giữa ngõ ra vào là tấm bia mộ nằm án ngữ. Những người lạ đi vào ngõ bất thần trông thấy tấm bia mộ đều thấy ớn lạnh xương sống.

Trong lòng Hà Nội cổ kính với lịch sử ngàn năm, con dân đời đời, kiếp kiếp sinh ra lớn lên và mất đi cũng trên mảnh đất này. Đương nhiên, nghĩa địa cổ có rất nhiều, ở khắp mọi nơi, có khi đã bị phủ lấp bởi nhà cửa, đường xá. Tuy nhiên, khu nghĩa địa cổ của người Trung Quốc này lại mang trong mình những đặc điểm dị thường và ẩn chứa sau nó là những lời đồn đại mà mới chỉ nghe qua đã dựng tóc gáy.

Ngôi mộ cổ giờ chỉ còn nửa bia trồi lên mặt đất

Ngôi mộ cổ giờ chỉ còn nửa bia trồi lên mặt đất

Bà Đặng Thị Liên bán nước chè ở cổng Bệnh viện Lao phổi, đối diện ngay với Ngõ 420 phố Hoàng Hoa Thám đã hơn chục năm nay. Nhà bà Liên ở ngay bên kia đường và gia đình bà đã sinh sống ở đây từ năm 1945, tức là đã qua 5 thế hệ. Khung cảnh tại khu vực đầu đường Hoàng Hoa Thám, trong khuôn viên nghĩa địa người Hoa cổ in đậm trong ký ức thưở ấu thơ của bà.

Bà Liên kể rằng: “Khi tôi chừng 5 tuổi, tôi nhớ rất rõ khu vực này chỉ là bãi hoang, lau sậy cây cối rậm rạp như rừng, rắn rết nhiều lắm. Cả một bãi rộng nhưng chỉ lèo tèo vài nóc nhà của dân ngụ cư từ các nơi đến sống tạm. Nghĩa địa cổ của người Hoa không biết có từ bao giờ nhưng khi tôi sinh ra đã có rồi. Hồi ấy, hàng lối những ngôi mộ trong nghĩa địa người Hoa rất ngăn nắp chứ không lộn xộn như bây giờ. Chẳng hiểu lời đồn đại khủng khiếp như thế nào mà những người dân quanh vùng không ai dám bén mảng vào khu này”.

Bao bọc quanh khu nghĩa địa rặt là cây râm bụt rậm rịt lạnh lẽo, từ mùa này sang mùa khác, lá cây rụng chất chồng phủ lên từng ngôi mộ. Đến vài chục năm trở lại đây, dân số Hà Nội tăng nhanh, người dân cũng bớt đi nỗi sợ hãi họ xây nhà lấn cả vào khu nghĩa địa cổ này và họ nhấn chìm xuống lòng đất cả khu nghĩa địa cổ khổng lồ. Dấu tích còn lại chỉ là vài chục tấm bia đá kiên cố nằm rải rác.

Chẳng biết có phải do tác động của mồ mả hay không mà có rất nhiều câu chuyện kỳ bí từ cuộc sống của những người dân quanh khu vực này. Chính bà Liên kể cho tôi nghe câu chuyện về một cô gái tên là Hà, năm nay chừng 35 tuổi, sống ngay trong ngõ 420. Chị Hà học giỏi, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, ra trường đi làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài và kiếm được rất nhiều tiền. Đến lúc chuẩn bị lấy chồng là một anh chàng người Úc thì chị bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Ban đầu nhiều người trông thấy chị thỉnh thoảng lại mặc một bộ quần áo kiểu Tàu đi ra đường, nói luyên thuyên thứ ngôn ngữ không ai hiểu. Về sau, biểu hiện ấy ngày càng nhiều, chị không còn tỉnh táo nữa, gia đình buộc phải đưa chị vào bệnh viện tâm thần để chữa trị. Về sau, gia đình chị phải bán nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống và cũng không ai biết giờ gia đình chị đang sống ở đâu. Chỉ biết rằng, người ta bảo chị bị ma ám.

Câu chuyện mang màu sắc tâm linh kỳ bí này đương nhiên có đến bảy phần hư, ba phần thực và rất khó tin nhưng người dân sống quanh khu này đều biết chuyện ấy.

Nghĩa địa của người Tàu có ở đây từ bao giờ và nguồn gốc của nó như thế nào thì chúng ta tạm thời chưa vội xét đến. Có nghĩa địa người Tàu thì đương nhiên họ đã từng sống rất lâu năm ở khu vực này trong một khoảng thời gian nào đó. Nếu suy luận đơn giản như thế thì chẳng có gì phải nói.

Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, nghĩa địa này chính là nơi các pháp sư Trung Hoa cổ yểm bùa.

Rùng rợn chuyện yểm bùa

Câu chuyện kể lại rằng, người Tàu xưa luôn mang dã tâm xâm chiếm nước Việt, tuy nhiên, những cuộc tấn công quân sự rất tốn người, tốn của mà không khuất phục được đất nước phía nam nhỏ bé. Để tìm cách thôn tính nước Nam, các triều đại Trung Quốc đã thực hiện “cuộc chiến tâm linh”. Họ cử nhiều pháp sư tài năng sang Việt Nam, đóng vai các lái buôn, ăn mày để đi tìm những địa điểm có nhiều linh khí để yểm bùa, làm suy yếu linh khí nước Việt.

Pháp sư nổi tiếng nhất là Cao Biền. Ông ta cùng đội ngũ pháp sư đã trấn yểm hàng ngàn điểm ở khắp nước Việt, đặc biệt quanh thành Thăng Long. Thời vua Quang Trung, nước Việt quá hùng mạnh về quân sự, Càn Long không làm gì được nên đã sử dụng phương pháp yểm bùa như các triều đại trước đã thực hiện.

Nhiều ngôi mộ nằm ngay trước cửa nhà dân

Nhiều ngôi mộ nằm ngay trước cửa nhà dân

Họ đã chọn được một địa điểm được coi là nơi phát ra linh khí khiến nước Việt hưng thịnh. Khu vực đó nằm ở phía tây của thành Thăng Long, phía cuối của con sông Tô Lịch. Các pháp sư triều đình nhà Thanh đã bí mật lập một khu nghĩa địa ở địa điểm đó. Tại nghĩa địa đó, họ chôn người chết như bình thường để làm bình phong. Tuy nhiên, bên dưới nghĩa địa, họ đào một đường hầm rất sâu, với những gian phòng lớn, để thực hiện việc yểm bùa.

Theo truyền thuyết mà những cụ già thời xưa truyền lại, thì tại căn phòng bí mật phía tây Hà Nội, hằng năm người Tàu đã sử dụng những trinh nữ để yểm. Họ bắt một cô gái xinh đẹp người Trung Quốc, tuổi 15-16 và là trinh nữ. Trinh nữ này bị trói chặt và nhốt trong hầm miệng được ngậm một lát sâm và phải uống một thứ nước bùa nên không nói được, không cử động được. Nhốt trong hầm khoảng 100 ngày thì trinh nữ sẽ chết trong tư thế ngồi. Trinh nữ chết một cách đau đớn, oan khuất, sẽ biến thành hồn ma vất vưởng, chứa chất oán thù, linh hồn không bao giờ siêu thoát được. Trinh nữ ấy sẽ quấy phá vùng đất, phá tan linh địa.

Lại có lời đồn cho rằng, người Tàu xưa lập ra nghĩa địa này, chôn cất người chết, tạo ra khung cảnh âm u, không ai dám đến. Tại đây, họ xây dựng những đường hầm và cất giấu của cải. Để giữ được kho báu, họ đã trấn yểm một trinh nữ.

Chuyện kể lại là thế, nhưng thực tế thì chẳng có ai có thể kiểm chứng được độ chân thực của thông tin.

Chuyện yểm bùa không có cơ sở

Để tìm hiểu và xác minh những lời đồn đại này, chúng tôi đã lân la hỏi chuyện rất nhiều người dân sống quanh khu nghĩa địa. Ông Phan Văn Huy, 66 tuổi, một người dân sống trên đường Hoàng Hoa Thám kể lại rằng, cách đây 30 năm, Nhà nước mới phân khu đất cạnh nghĩa địa cho các cán bộ của xưởng phim truyện Việt Nam. Hồi ấy, theo chế độ, mỗi gia đình được chia khoảng 20m2đất và được Nhà nước làm cho một ngôi nhà bằng cót, theo công nghệ của Liên Xô. Đến giờ vẫn còn nhiều người từng là cán bộ xưởng phim sinh sống trên mảnh đất cạnh nghĩa địa này. Nhiều gia đình có điều kiện, sợ đất dữ đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Chúng tôi nhắc về chuyện yểm bùa, ông Huy cứ lắc đầu nguầy nguậy. Ông Huy khẳng định: “Tôi cũng có nghe một số người kể về chuyện người Tàu yểm bùa này khác, nhưng tôi không tin và cũng không thấy có cơ sở nào, vì gia đình tôi sống ở đây mấy chục năm mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Kể cả những hộ gia đình sống ngay cạnh ngôi mộ Tàu nằm giữa ngõ cũng chưa hề gặp phải chuyện gì bất thường”.

Ông Nguyễn Văn Chiêu, 60 tuổi nhà ở ngay cạnh ngôi mộ bảo rằng, xưa kia, ngôi mộ này nằm trên mặt đất, có cả khuôn, hình hẳn hoi, với bia đá khá lớn. Tuy nhiên, nhà cửa xây lên san sát, nhà nào cũng tôn nền lên cao, rồi quá trình làm ngõ, đã lấp hoàn toàn ngôi mộ. Hiện chỉ còn nhận ra ngôi mộ qua nửa tấm bia đá trồi lên mặt ngõ.

Có ngôi mộ nằm ngay giữa ngõ

Có ngôi mộ nằm ngay giữa ngõ

Điều đặc biệt là, cư dân trong khu vực này cũng không biết rõ đó là mộ của ai, chỉ biết rằng đó là một ngôi mộ cổ của người Tàu, thuộc dòng họ Yên Ninh, có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc).

Dòng họ này là người Hoa, sinh sống ở Hà Nội. Họ làm nghề buôn bán ở khu vực sân Quần Ngựa (phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội bây giờ). Ngôi mộ này chôn cả 2 vợ chồng và hiện vẫn chưa sang cát. Cách đây mấy năm, có một người từ Mỹ về thắp hương. Thấy có người đến thắp hương, cư dân trong ngõ xúm lại hỏi han về lai lịch ngôi mộ. Người này bảo rằng, anh ta là bạn thân của cháu nội thống đốc một bang ở bên Mỹ. Ngôi mộ này chôn hai người Hoa, là bố mẹ của ông thống đốc đó.

Con cháu của ông thống đốc này hiện cũng đã già lắm rồi, không đi lại được nữa, nên dù rất muốn cải táng, di chuyển mộ tổ đi, nhưng hiện chưa làm được. Từ đó đến nay, chẳng có ai hương khói cho ngôi mộ nữa. Vào ngày rằm, ngày lễ, mấy hộ dân xung quanh vẫn hương khói chu đáo cho người nằm dưới mộ. Theo một số người dân ở khu vực này thì mấy ngôi nhà cạnh ngõ đã làm đè lên một phần của ngôi mộ Tàu này. Hiện ngôi mộ chỉ còn một phần nổi lên, phần còn lại chìm dưới chân móng nhà. Gia chủ của ngôi nhà ngay đầu ngõ cũng thừa nhận vì đất ít quá, nên trước đây ông lấn chiếm, rồi làm nhà đè lên ngôi mộ. Tuy nhiên, ông lo chuyện tâm linh cẩn thận, nên không sợ hãi gì.

Trong những ngày tìm hiểu quanh nghĩa địa này, điều tôi nhận thấy là hầu hết cư dân sống trong nghĩa địa đều lảng tránh khi kể về nghĩa địa Tàu này. Theo lời anh Sơn, ngôi mộ Tàu nằm giữa ngõ rất bất tiện. Hằng ngày, hàng trăm lượt người đi lại, xe máy, xe đạp cưỡi lên đầu hai cụ già nằm dưới mộ; như thế, người chết chẳng vui mà người sống cũng chẳng muốn. Các hộ dân trong ngõ đã họp đi họp lại rất nhiều lần, thậm chí làm cả đơn nộp lên chính quyền đề nghị di dời ngôi mộ ra nghĩa trang. Chính quyền đã thông báo việc di chuyển mộ để người thân đến nhận, song không có phản hồi. Phần việc di chuyển mộ sẽ do người dân trong ngõ cùng với chính quyền đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị động vào mộ, thì mọi người lại thôi, vì chẳng ai dám làm việc ấy.

Người dân ở đây đều sợ hãi những ngôi mộ Tàu, nên không ai dám đứng ra chủ trì việc cải táng, bốc chuyển, bởi nhỡ đâu, tội vạ lại đổ lên đầu mình. Bỏ qua những câu chuyện tâm linh huyền bí, chúng tôi lò dò vào sâu trong nghĩa địa. Nghĩa địa Tàu nằm lọt trong khu dân cư đông đúc, nhưng rộng tới cả ngàn mét vuông, cỏ cây rậm rạp, muỗi bay vo vo. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

Cuối con đường ấy là một ngôi đền thờ, bài trí theo phong cách Trung Quốc. Đó là ngôi đền thờ thổ địa, hai bên có hai phòng, một phòng là chỗ để người thân đến viếng mộ, chuẩn bị đồ hành lễ, một phòng để cụ từ ở. Vào các dịp thanh minh, lễ, tết, người Tàu thường chuẩn bị lễ rất lớn để cúng bái ở mộ.

Trước kia, người Tàu thuê cụ từ ở tại nghĩa địa, trông nom, săn sóc nghĩa địa, trả tiền công hằng tháng, nhưng nhiều năm nay họ ít qua lại nghĩa địa này, nên bỏ quên luôn, chẳng còn ai săn sóc những ngôi mộ nữa, ngoài những hộ dân sống ở đây. Khu mộ gần như bỏ hoang. Ngôi đền thờ cũng đã bị người dân sử dụng làm nhà ở.

Theo ông Nguyễn Văn Chiêu, khu nghĩa địa của người Tàu hình thành từ thế kỷ XIX, còn cụ thể năm nào thì ông và cư dân ở đây cũng không nắm rõ. Chỉ biết rằng, ngày xưa người Hoa sinh sống, buôn bán ở Hà Nội khá đông. Họ mua mảnh đất ở đây để chôn cất người chết. Nghĩa địa mỗi ngày một mở rộng và có tới vài trăm ngôi mộ người Hoa ở nghĩa địa này. Đến năm 1954, chính quyền không cho chôn cất người Hoa ở đây nữa. Mấy chục năm nay nhà cửa mọc lên, phố xá mở rộng, lấn chiếm vào đất nghĩa địa nên nhiều mồ mả chìm sâu dưới lòng đất. Hiện chỉ còn khoảng 100 ngôi mộ có thể nhận dạng được trong nghĩa địa.

Giữa thành phố Hà Nội sầm uất, ở một địa thế rất đẹp của thủ đô mà có một khu nghĩa địa Tàu quả thực là chuyện lạ. Người dân mong rằng, chính quyền sớm di chuyển mồ mả ở đây ra nghĩa trang, để người chết đỡ phiền hà, mà người sống cũng được bình an.

Bà Nguyễn Thu Hương, tổ dân phố 44, phường Thụy Khuê, người sống 60 năm cạnh nghĩa địa Tàu, cho biết: “Phường Thụy Khuê tồn tại một nghĩa địa cổ của người Trung Quốc là chuyện có thật. Khu nghĩa địa này là của những thương nhân người Phúc Kiến sang Việt Nam làm ăn, buôn bán và sinh sống. Trước đây người Hoa thường xuyên đến thắp hương, nhận mộ. Họ không trình diện chính quyền nên cũng không nắm được thông tin gì về họ. Một số gia đình cũng đã chuyển hài cốt người thân về nước, nhưng số mộ còn lại vẫn rất nhiều”.

Chúng tôi đã hỏi chuyện rất nhiều người về lai lịch của khu nghĩa địa cổ người Tàu này và thấy rằng, lời đồn đại về yểm bùa, những hệ lụy khủng khiếp từ việc ma ám là thiếu căn cứ và không có cơ sở. Chuyện duy nhất có lẽ chúng ta có thể làm và cũng là nguyện vọng của rất nhiều người dân ở đây là cất bốc, di dời những ngôi mộ này ra khỏi khu vực sinh sống, đặc biệt là ngôi mộ nằm ngay giữa lối đi.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA: “Việc các pháp sư người Trung Quốc trấn yểm ở Việt Nam được lịch sử ghi chép. Tuy nhiên, chuyện họ lập nghĩa địa chôn người Hoa để yểm bùa thì chưa thấy sách sử hay truyền thuyết nào nói đến cả.

Trước đây, người Hoa buôn bán, định cư ở Việt Nam nhiều, nên họ chết rồi chôn ở Việt Nam cũng không có gì là lạ. Ở khắp Việt Nam chỗ nào có người Hoa sinh sống thì ở đó có mộ của người Hoa. Hà Nội từng là nơi người Hoa làm ăn, buôn bán rất đông.

Theo quan điểm của tôi, đó chỉ là khu mộ bình thường, không có yếu tố yểm bùa ở đó. Chính quyền cũng nên di chuyển khu mộ đó ra khỏi khu dân cư, để đảm bảo môi trường sống vệ sinh và văn minh”.



Theo Vũ Minh Tiến
Petro Times