Bí mật giúp danh họa Leonardo da Vinci tạo nên siêu phẩm “Mona Lisa”
(Dân trí) - Sự “nhanh mắt” ở cấp độ phi thường có thể là yếu tố chủ chốt giúp danh họa Leonardo da Vinci khắc họa được dung nhan bí ẩn của nàng Mona Lisa.
Các nhà khoa học tin rằng đôi mắt tinh nhanh khác thường của danh họa Leonardo da Vinci đã giúp ông khắc họa được vẻ đẹp và nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa.
Đôi mắt tinh nhanh với khả năng quan sát từng chi tiết rất nhỏ, mà thông thường nhiều người sẽ bỏ qua, là một nét đặc biệt mà những vận động viên thể thao đẳng cấp trong các bộ môn như quần vợt hay bóng chày sở hữu.
Có thể danh họa Leonardo da Vinci cũng sở hữu đôi mắt với khả năng quan sát nhanh, phân tích chính xác tới từng chi tiết nhỏ, điều này giúp bậc thầy hội họa thời kỳ Phục hưng có thể ghi lại chính xác một thoáng biểu cảm mong manh, mà chỉ trong tích tắc có thể đã không còn bắt gặp trên gương mặt nàng Mona Lisa nữa.
Bình thường, chúng ta chỉ thấy những con chim, con chuồn chuồn bay nhanh, ta nghĩ hai bên cánh của chúng rất đối xứng nhau, nhưng những người có năng lực quan sát đặc biệt sẽ nhìn thấy cả khoảnh khắc khi các bên cánh không thực sự đối xứng với nhau.
Các nhà nghiên cứu hội họa từ lâu đã có những suy luận về đôi mắt tinh nhanh của danh họa Leonardo da Vinci. Giáo sư David S. Thaler của trường Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã nghiên cứu chuyên sâu về điều này và vừa công bố những kết quả mà ông thu thập được sau quá trình tìm hiểu.
Bên cạnh đó, giáo sư Thaler cũng phân tích lý do tại sao Leonardo da Vinci có thể đưa lại cho những bức vẽ của mình chiều sâu cảm xúc rất đặc biệt.
Trước hết, giáo sư Thaler chứng minh mức độ tinh nhanh siêu phàm của đôi mắt danh họa Leonardo thông qua bản vẽ mà vị danh họa này đặc tả những đôi cánh của một con chuồn chuồn, theo đó, cánh trước và cánh sau của chuồn chuồn sẽ đập lệch nhịp với nhau. Điều này lúc đương thời chưa được nhiều người biết tới
Động tác đập cánh của con chuồn chuồn diễn ra quá nhanh và đa số chúng ta sẽ không thể nhìn ra được sự khác biệt của cánh trước, cánh sau. Về sau, việc ghi hình “slow-motion” (quay chậm) ra đời giúp chứng minh rõ ràng cho thực tế này, nhưng Leonardo đã biết được điều ấy từ 4 thế kỷ trước.
Leonardo da Vinci (1452-1519) đã biết được rằng khi đôi cánh trước của chuồn chuồn nâng lên thì cặp cánh sau sẽ hạ xuống, nhưng đối với đa phần chúng ta, năng lực thị giác không cho phép quan sát ra điều ấy.
Theo giáo sư Thaler, năng lực thiên phú này có thể là một bí mật giúp Leonardo thực hiện được những bức tranh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp hội họa của mình: “Nụ cười của nàng Mona Lisa quá bí ẩn và hấp dẫn, bởi nó đặc tả một khoảnh khắc ngay trước khi nàng nở ra một nụ cười.
“Leonardo với khả năng thị giác nhạy bén của mình đã nắm bắt lại khoảnh khắc ngay trước khi nụ cười nở ra và giữ lại khoảnh khắc ấy để đặc tả trong tranh. Thường ký ức của chúng ta đọng lại ở một hình ảnh cố định, không phải một chuỗi chuyển động liên tiếp.
“Nhưng Leonardo và một số danh họa khác có khả năng phân tách một chuỗi chuyển động ra thành từng khoảnh khắc và thâu tóm lại một khoảnh khắc mà họ ưng ý nhất, chẳng hạn như Leonardo thâu tóm lại khoảnh khắc trước khi nàng Mona Lisa nở nụ cười”.
Ngoài ra, giáo sư Thaler cũng nghiên cứu về cách danh họa Leonardo sử dụng những hiểu biết của ông về cách vẽ 3D để biểu đạt vẻ đẹp và xúc cảm trong những tác phẩm hội họa. Leonardo vốn là bậc thầy trong kỹ thuật vẽ mờ nhoà.
Theo đó, vị danh họa sẽ để viền màu của các hình ảnh mờ nhòa vào nhau và tạo nên một hiệu ứng giống như tranh 3D, khiến sự vật trở nên chân thực, sống động và đưa lại một góc nhìn gần gũi, giàu xúc cảm cho người xem khi đứng trước những bức tranh của ông, đặc biệt là những bức tranh đặc tả chân dung.
Hơn thế nữa, Leonardo thường chủ ý sắp xếp để thực hiện những bức tranh chân dung khi trời đã tối hoặc ít nhất không gian đã không còn sáng bừng ánh nắng mặt trời, khi ấy, ông có được sự tập trung cần có để đặc tả vẻ đẹp chân dung nhân vật, bởi lúc này hoạt động của đôi mắt đã đổi khác, con ngươi mở rộng để thu nhận nhiều ánh sáng hơn và có sự quan sát sắc sảo hơn.
Con người của nhân vật ngồi làm mẫu cũng mở to hơn, đó được xem là dấu hiệu của sự hấp dẫn và những tình cảm trìu mến, là một biểu tượng đẹp trong các bức tranh chân dung thời Phục hưng.
Bản thân Leonardo cũng từng viết trong một cuốn sổ tay của mình rằng: “Vào buổi tối, và vào những ngày thời tiết u ám, vẻ mềm mại và tinh tế mà ta có thể nắm bắt được trên khuôn của mặt của các nhân vật trở nên ấn tượng hơn hẳn...”.
Càng tìm hiểu về vị danh họa Leonardo da Vinci, người ta càng sửng sốt bởi những siêu năng lực, những hiểu biết vượt tầm thời đại mà ông sở hữu. Bởi thế, Leonardo không chỉ là một danh họa mà còn được xem là một thiên tài với những hiểu biết, kiến thức đáng nể mà cho tới hôm nay, những tri thức ấy vẫn không ngừng gây sửng sốt cho hậu thế.
Leonardo da Vinci là một thiên tài thời Phục hưng
Danh họa Leonardo di ser Piero da Vinci, hay còn được biết tới nhiều hơn với tên Leonardo da Vinci hoặc Leonardo, là một trong những nhân vật xuất sắc nhất trong vòng 10 thế kỷ trở lại đây.
Ông được xem là một học giả uyên bác, là người đem lại động lực cho sự phát triển của nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. Ngoài hội họa, ông còn thực hiện các tác phẩm điêu khắc, thiết kế kiến trúc, phát minh khoa học, sáng tác âm nhạc, nghiên cứu toán học, thiết kế máy móc, nghiên cứu văn chương, giải phẫu, địa chất, thiên văn, thực vật, viết lách, tìm hiểu lịch sử và thuật vẽ bản đồ.
Ông đã có những phát kiến trong việc thiết kế dù lượn, trực thăng và xe tăng. Ông sinh năm 1452 ở nơi ngày nay là nước Ý và qua đời ở tuổi 67 tại nước Pháp. Ông là kết quả của một cuộc tình ngoài hôn thú giữa một công chứng viên và một người nữ nông dân.
Về sau, ông được cho theo học tại xưởng vẽ của họa sĩ nổi tiếng người Ý thời bấy giờ - ông Andrea del Verrocchio. Trong cuộc đời mình, Leonardo đã từng làm việc ở nhiều nơi, như Milan, Rome, Bologna, Venice... Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có bức “Mona Lisa”, “Bữa tối cuối cùng”, “Người Vitruvian”.
Một tác phẩm khác được tin là do Leonardo thực hiện - bức “Salvator Mundi” đã được bán ra với mức giá kỷ lục trong lịch sử hội họa - 450,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá tổ chức ở New York (Mỹ) hồi năm 2017.
Bích Ngọc
Theo France24/Daily Mail