Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng

Hà Hiền

(Dân trí) - Vườn nông sản trên sân thượng của chị Hòa luôn sai trĩu quả, xanh mướt nhờ biện pháp tận dụng rác thải làm phân bón cho cây và trồng đúng mùa vụ.

Chị Trần Thị Hòa là chủ salon tóc ở Đà Nẵng. Gần 2 năm nay, dù bận rộn với công việc nhưng chị vẫn dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, học hỏi các cách thức để có thể tận dụng tối đa nguồn rác thải hữu cơ sinh hoạt hằng ngày để tái chế thành phân bón cho cây trồng. Cũng nhờ thế mà vườn nông sản sân thượng của nhà chị lúc nào cũng xanh mướt, trĩu quả khiến nhiều người thích mê.

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 1
Dàn dưa lưới trên sân thượng trĩu quả của gia đình chị Hòa.

Quê mẹ chị Hòa ở miền Bắc, nên từ nhỏ mỗi lần về quê ngoại thấy mọi người có cuộc sống rất đơn giản, gần như tự cung tự cấp và chị rất thích điều đó, đặc biệt là mô hình VAC (vườn ao chuồng).

Lập nghiệp ngay trung tâm 1 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được 25 năm. Sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực, 2 vợ chồng chị quyết định chuyển cả gia đình ra Đà Nẵng sinh sống khi con gái lớn vào đại học.

Chị Hòa làm nhà mới tại Đà Nẵng để mở salon tóc và thực hiện ước mơ làm vườn của mình. Sân thượng nhà chị rộng khoảng 100 m2 và được chia làm 2 phần sân trước và sân sau.

"Khi thi công cần chú trọng ống thoát nước loại lớn, chống thấm kỹ trước khi lát gạch và chọn loại gạch sân vườn chống trượt nhưng vẫn có lớp men dễ chà rửa. Các loại chậu trồng thì đủ kích cỡ để phù hợp cho từng loại và có đế giúp cho vườn luôn khô và sạch", mẹ đảm chia sẻ.

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 2
Cà chua bạch tuộc sai trĩu trịt, thu hoạch mỏi tay.
Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 3
Bội thu nông sản sạch.

Vườn của chị Hòa có mái che bằng nhựa mica để che mưa, làm giàn cho cây dây leo và lấy được ánh nắng. Chị Hòa bắt đầu học hỏi kiến thức làm vườn trong các hội nhóm, tra Google học cách làm phân bón từ nguồn rác thải sinh hoạt hàng ngày.

Để trồng cây dây leo cho quả sai, ít sâu bệnh, mẹ đảm lấy đất trồng rau lá để trồng cây dây leo rồi tạo một nguồn dinh dưỡng dự trữ cho cây: Dưới đáy chậu lót 1 lớp phân ủ khô, 1-2 kg chuối chín mục, đầu cá và ruột cá nước ngọt rồi rắc ít TRICHO (chế phẩm sinh học) và lấp đất lên.

Phân hữu cơ là loại phân khó hấp thụ nên tuần nào chị Hòa cũng tưới chế phẩm IMO và TRICHO phòng cho bộ rễ và tăng cường hệ vi sinh nhằm chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu cho cây.

Trộn đất đủ dinh dưỡng nên từ lúc cây con đến gần trưởng thành không bón phân mà chỉ phun phòng. Khi hoa nở chị sẽ tưới phân như bánh dầu, đạm cá, phân gà, dơi 2 lần ngày/lần đến khi thấy số lượng trái và trọng lượng như ý mới giảm.

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 4
Đất được trộn để chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 5
Vườn cây trái xanh mướt khiến nhiều người mê mẩn.
Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 6
Đa dạng các loại nông sản.

Kể từ khi làm vườn, chị Hòa tự nhận mình là công nhân môi trường chính hiệu: "Mình thân với bà đại lý sữa, bà bán chuối, cô bán cá, chị bán trứng để xin sữa hết hạn, chuối hỏng, đầu cá, ruột cá và trứng hỏng để làm phân bón cho cây, thân cả với anh bán nước để xin cốc nhựa về ươm hạt giống", chị Hòa hài hước nói.

Cứ chiều tối, chị lại đến các quán để gom tất cả rác thải hữu cơ. Ngoài phân bón tự làm, chị cũng mua thêm phân trùn quế, bò, gà, dơi, bánh dầu, cám gạo, đậu tương… để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Về phòng bệnh, chị Hòa trồng đúng thời vụ và sử dụng thảo dược để phun phòng: "Để cây cho năng suất cao, mình luôn trồng đúng mùa vụ. Đối với vụ đông xuân thì mình thường trồng cà chua, bầu bí, khổ qua, bắp cải, su hào, súp lơ, dâu tây và các loại rau ưa mát. Vụ xuân hè và hè thu thì mình ưu tiên giống chịu nhiệt như dưa lưới, dưa lê, dưa leo, khổ qua, mướp và các loại rau chịu nhiệt".

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 7

Mẹ đảm "mát tay" trồng cây nào cũng sai quả.

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 8
Nông sản mùa hè ăn không xuể.

Chị Hòa cũng cho biết một số bệnh mà cà chua và cây dây leo thường gặp là tuyến trùng rễ, bọ phấn chích, xoăn ngọn, nấm, thối thân, sương mai do thời tiết, héo xanh…

Đối với bệnh tuyến trùng, chị Hòa chia sẻ cặn kẽ, nên phơi nắng 2 ngày xong mới trộn đất và khi trồng có thể trồng xen cây hoa vạn thọ ngay gốc cà chua, rễ vạn thọ có rất nhiều kháng sinh có thể bảo vệ bộ rễ cà chua.

Với bệnh bọ phấn, chị Hòa khuyên nên trồng xen cây sen cạn quanh chậu vì đây là hắc tinh của bọ phấn, cây này sẽ đuổi bọ phấn rất tốt. Xoăn ngọn thì có nhiều nguyên nhân thường do đất thừa phân, tưới phân quá nhiều, dư lượng đạm.

Phòng nấm thì mọi người có thể ngâm nước vôi trong pha loãng rồi phun lên 2 mặt lá và cây vào buổi sáng sớm và chiều tối (tuần 1 lần), hoặc pha loãng thuốc lào ngâm rượu phun 1 tuần/lần.

Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 9
Bên cạnh đó, chị cũng trồng những loại cây đuổi côn trùng có hại, thu hút côn trùng và vi sinh vật có lợi.
Bí kíp trồng cây dây leo cho quả sai trĩu, ít sâu bệnh của mẹ đảm Đà Nẵng - 10
Mảnh vườn luôn được phủ xanh, gia đình luôn có rau củ quả sạch ăn quanh năm và còn cho, tặng bạn bè người thân.

Việc trồng nông sản trên sân thượng nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình, một phần để lan tỏa lối sống xanh sạch: "Không những vậy, khi trồng cây, những người yêu cây, yêu thiên nhiên đều có cái nhìn tích cực và luôn tạo năng lượng tích cực để chất lượng cuộc sống ngày 1 tốt đẹp hơn", người phụ nữ Đà Nẵng nhắn nhủ.