Bi hài cách những tác phẩm "triệu đô" bị... hủy hoại

Bích Ngọc

(Dân trí) - Tranh quý giá trăm triệu USD bị rách vì một cú huých khủyu tay. Tranh graffiti đắt giá bị nhóm thợ xây vô tình đập vỡ... Đó là vài câu chuyện bi hài về cách những tác phẩm "triệu đô" bị... hủy hoại.

Bức "Le Rêve" (Giấc mơ) bị rách vì một cú huých khủyu tay

Bi hài cách những tác phẩm triệu đô bị... hủy hoại - 1

Bức "Le Rêve" (Giấc mơ) bị rách vì một cú huých khủyu tay (Ảnh: Listverse).

Năm 2006, doanh nhân người Mỹ Steve Wynn đã gây nên một trong những sai lầm đắt giá nhất trong lịch sử mỹ thuật. Ông Wynn khi ấy đang định bán một số bức tranh mà mình sở hữu, trong đó có bức "Le Rêve" được Picasso thực hiện hồi năm 1932. Rất nhanh chóng, ông Wynn đã tìm được người mua. Đó là nhà sưu tập Steven Cohen.

Ông Cohen đồng ý chi trả 139 triệu USD cho bức "Le Rêve". Trước khi bán tranh cho Cohen, ông Wynn quyết định sẽ để các bạn bè của mình được chiêm ngưỡng tác phẩm một lần cuối, trước khi bức tranh được trao cho chủ nhân mới.

Trong lúc giới thiệu tác phẩm, ông Wynn đã vô tình huých khủyu tay vào bức "Le Rêve" khiến tranh bị rách. Kế hoạch mua tranh liền bị phía ông Cohen gác lại. Ông Wynn phải nhanh chóng gửi tranh tới cho chuyên gia phục chế. Đến năm 2013, tác phẩm lúc này đã được phục chế xong xuôi và ông Cohen quyết định vẫn sẽ mua bức "Le Rêve" nhưng lúc này, giá tranh đã lên tới 155 triệu USD.

Ông Cohen buộc phải chấp nhận sự tăng giá này, nguyên nhân là bởi giá trị của một tác phẩm nghệ thuật còn nằm ở chính câu chuyện đi kèm với tác phẩm ấy.

Việc ông Wynn làm tranh bị rách và khiến thương vụ mua bán tranh bị gác lại từng thu hút sự quan tâm chú ý lớn của truyền thông quốc tế, điều này khiến bức tranh trở nên nổi tiếng hơn và vết rách đã được phục chế lại gắn liền với một câu chuyện hài hước thú vị, tạo thêm một giá trị mới đi cùng tác phẩm.

Cây đàn guitar 145 năm tuổi bị đập vỡ trong một cảnh phim

Cây đàn guitar 145 năm tuổi bị đập vỡ trong một cảnh phim (Video: Listverse).

Trong một cảnh phim của bộ phim điện ảnh "The Hateful Eight", nam diễn viên Kurt Russell được yêu cầu phải đập vỡ một cây đàn guitar. Bộ phim lấy bối cảnh thập niên 1870, một cây đàn guitar cổ đã được hãng sản xuất nhạc cụ lâu đời - Martin Guitar gửi tới cho đoàn phim, để dùng làm đạo cụ ghi hình chân thực.

Điều không may là sự nhầm lẫn đã xảy ra, nam diễn viên Kurt Russell không biết rằng mình sẽ đập vỡ một cây đàn giả, ông liền ra tay đập vỡ cây đàn cổ mà hãng sản xuất nhạc cụ đã gửi tới cho đoàn phim mượn.

Cây đàn cổ 145 năm tuổi bị đập vỡ tan tành, trong khi đây là một cây đàn rất hiếm có, gần như độc nhất còn tồn tại cho tới hôm nay.

Sau sự cố "kinh hoàng" này, hãng sản xuất nhạc cụ Martin Guitar tuyên bố họ sẽ không bao giờ cho mượn những cây đàn quý mà hãng đang lưu giữ nữa, khi được hỏi về giá trị ước tính của cây đàn cổ bị đập vỡ trên phim trường, hãng Martin Guitar cho biết rằng tổn thất này rất khó đong đếm, bởi cây đàn không thể nào thay thế được.

Nghệ sĩ guitar Keith Richards vô tình làm chết cây quý

Bi hài cách những tác phẩm triệu đô bị... hủy hoại - 2

Nghệ sĩ guitar Keith Richards vô tình làm chết cây quý (Ảnh: Listverse).

Năm 2010, thành viên của nhóm nhạc Rolling Stones - nghệ sĩ guitar người Anh Keith Richards tham dự một sự kiện để quảng bá cho cuốn tự truyện vừa ra mắt. Địa điểm tổ chức sự kiện khi ấy là Thư viện Công cộng New York (Mỹ). Tại đây ông được mời ngồi trong một căn phòng của thư viện trước khi tham gia sự kiện giới thiệu sách.

Trong lúc ngồi chờ sự kiện bắt đầu, Keith Richards đã sử dụng một chậu cây nhỏ làm... gạt tàn. Keith Richards không biết rằng chậu cây đó trồng một loại Nguyệt Lan rất quý.

Chậu cây vốn được chăm sóc rất cẩn thận, nhưng sau khi bị Keith Richards sử dụng làm... gạt tàn, cây lan đã bị chết chỉ sau 4 ngày. Sau sự việc này, đại diện thư viện cho biết rằng Keith Richards đã để lại chữ ký trên chậu cây với hy vọng nó có thể trở thành một món đồ "có câu chuyện đi kèm", và một lúc nào đó, thư viện có thể mang chậu cây ra đấu giá.

Bức tranh graffiti đắt giá bị đập nát

Bi hài cách những tác phẩm triệu đô bị... hủy hoại - 3

Bức tranh graffiti đắt giá bị đập nát (Ảnh: Listverse).

Những bức graffiti của nghệ sĩ đường phố người Anh - Banksy vốn rất nổi tiếng và được săn lùng trong giới nghệ thuật quốc tế. Đa số các tác phẩm của Banksy đều được thực hiện bên ngoài các tòa nhà, vì vậy, đã có những khi tác phẩm bị phá hủy một cách vô ý.

Chẳng hạn như câu chuyện quanh bức graffiti "Spy Booth" (Nghe lén ở bốt điện thoại) vốn được vẽ trên một mảng tường nằm bên ngoài một ngôi nhà ở Cheltenham, Anh, hồi năm 2014.

Nhà chức trách địa phương vốn đã đưa ra yêu cầu đối với chủ nhà, rằng mọi sự sửa chữa đối với công trình này đều không được phép tác động tới bức graffiti mà không có sự thông qua của nhà chức trách. Đến tháng 4/2016, khi ngôi nhà được người chủ tiến hành sửa chữa, nhóm công nhân xây dựng đã vô tình phá vỡ mảng tường có bức graffiti.

Trước đó, đã có những bên hỏi mua bức graffiti với giá lên tới một triệu bảng Anh, nhưng bị chủ nhà từ chối, vì họ đã cam kết với nhà chức trách sẽ giữ gìn bức graffiti. Sau cùng, tất cả những gì chủ nhà có thể làm được là thu nhặt lại những mảng tường có bức graffiti rồi... gửi lại cho nhà chức trách địa phương.

Râu trên chiếc mặt nạ của Pha-ra-ông Tutankhamun bị làm gãy

Bi hài cách những tác phẩm triệu đô bị... hủy hoại - 4

Râu trên chiếc mặt nạ của Pha-ra-ông Tutankhamun bị làm gãy (Ảnh: Listverse).

Chiếc mặt nạ được sử dụng trong quá trình an táng Pha-ra-ông Tutankhamun chính là một trong những hiện vật quý giá và nổi tiếng nhất trong các cổ vật tại Ai Cập. Chiếc mặt nạ này đã gặp phải tổn hại lớn, khi một người nhân viên làm việc trong Bảo tàng Ai Cập làm gãy mất phần râu của mặt nạ hồi năm 2014.

Tình hình trở nên tệ hơn khi người ta dán lại phần râu vào chiếc mặt nạ bằng... keo dán thông thường, khiến tổn hại xảy ra với chiếc mặt nạ càng trở nên nghiêm trọng. Sau khi sự việc bị phát hiện và trở thành đề tài thu hút sự quan tâm trên các tờ tin tức quốc tế, công cuộc phục chế đã được giao cho một nhóm chuyên gia thực hiện hồi năm 2015.

Cậu thiếu niên vụng về làm rách tranh quý

Cậu thiếu niên vụng về làm rách tranh quý (Video: Listverse).

Năm 2015, công viên nghệ thuật Huashan 1914 ở Đài Bắc, Đài Loan, giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật được thực hiện bởi một số danh họa phương Tây thời Phục hưng, trong đó có một bức tĩnh vật được thực hiện hồi thế kỷ 17 bởi họa sĩ người Ý Paolo Porpora. Bức tranh được ước tính có giá trị vào khoảng 1,5 triệu USD.

Một cậu bé 12 tuổi khi di chuyển bên trong không gian trưng bày đã vô tình bị vấp, loạng choạng, rồi tì tay vào tranh và khiến tranh bị rách. Ban tổ chức sự kiện đã nhìn nhận đây là một vụ tai nạn không mong muốn, họ không yêu cầu phía gia đình cậu bé phải bồi thường hay chịu trách nhiệm nào sau sự cố.

Ba chiếc bình cổ quý giá bị vỡ tan tành vì một chiếc dây giày

Bi hài cách những tác phẩm triệu đô bị... hủy hoại - 5

Ba chiếc bình cổ quý giá bị vỡ tan tành vì một chiếc dây giày (Ảnh: Listverse).

Trong suốt vài thập kỷ, ba chiếc bình cổ được thực hiện từ khoảng thế kỷ 17 - 18 tại Trung Quốc đã được trưng bày tại Bảo tàng Fitzwilliam nằm ở Cambridge, Anh. Năm 2006, một du khách 42 tuổi - anh Nick Flynn tới tham quan bảo tàng đã bị trượt ngã khỏi một chiếc cầu thang, cú ngã của anh Flynn đã khiến cả 3 chiếc bình cổ bị xô đổ và vỡ vụn.

Về sau, anh Nick Flynn cho biết khi nhận ra mình đi nhầm cầu thang, anh liền xoay người để bước xuống, nhưng liền giẫm phải dây giày của chính mình, anh bị mất thăng bằng, cầu thang lại xây theo kiểu không có tay vịn, nên anh bị ngã.

Loạt bình cổ bị anh Flynn làm vỡ ước tính có giá trị vào khoảng 100.000 bảng. Anh Flynn đã bày tỏ sự xin lỗi chân thành với ban quản lý bảo tàng, anh không phải chịu trách nhiệm lớn nào sau đó, nhưng cả cuộc đời mình, anh sẽ không bao giờ được quay lại đây nữa, bởi bảo tàng đã đưa ra lệnh cấm và coi đó như hình phạt đối với anh.

Theo Listverse