Bí ẩn về cuốn tiểu thuyết gắn liền với những vụ ám sát nổi tiếng
(Dân trí) - “Bắt trẻ đồng xanh” không chỉ là một tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới, đây còn là một cuốn sách gắn liền với những vụ ám sát nổi tiếng trong lịch sử như vụ ám sát John Lennon, vụ ám sát hụt tổng thống Mỹ Ronald Reagan... Vì sao?
Vụ việc được nhiều người biết tới nhất là khi Mark David Chapman ám sát nam ca sĩ lừng danh của nhóm The Beatles - John Lennon vào ngày 8/12/1980.
Kẻ sát nhân đã đứng bên thi thể của John Lennon sau khi bắn phát súng chí mạng vào nam ca sĩ. Sau đó, Chapman vứt khẩu súng xuống và rất thản nhiên ngồi đọc cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” - tác phẩm nổi tiếng được xếp vào hàng kinh điển của nhà văn Mỹ J.D. Salinger. Trong lúc ngồi đọc sách như vậy, Chapman bình tĩnh chờ đợi cảnh sát tới bắt mình.
Không lâu trước khi gây ra vụ ám sát này, Chapman đã muốn đổi tên thành Holden Caulfield - tên của nhân vật nam chính trong cuốn tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh”. Chapman đã quá yêu thích đến mức bị ám ảnh bởi nhân vật cậu thiếu niên mới lớn Holden Caulfield.
Trong cuốn tiểu thuyết mà Chapman đã mua vào ngày gây án, cảnh sát phát hiện hắn đã viết vào cuốn sách rằng: “Gửi tới Holden Caulfield, từ Holden Caulfield, đây là lời tuyên bố của tôi”. Trong phiên tòa xét xử diễn ra sau đó, Chapman đã đọc lên một đoạn văn trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết khi trả lời trước tòa.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị ám sát hụt ngày 30/3/1981
Trong vụ ám sát hụt cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào ngày 30/3/1981, người ta đã tiến hành điều tra đối với kẻ chủ mưu - John Warnock Hinckley - người đã bắn súng vào Tổng thống Reagan và những người đứng cạnh ông lúc đó khiến Tổng thống và nhiều cộng sự quan trọng bị thương nặng nhưng may mắn đều sống sót qua khỏi.
Giống như Chapman - kẻ ám sát John Lennon, Hinckley cũng không hề có ý định chạy trốn khỏi hiện trường gây án, thậm chí, hắn dường như cảm thấy thỏa mãn khi bị cảnh sát bắt. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy một cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” trên bàn uống nước ở căn phòng khách sạn mà Hinckley đã thuê ngay trước khi gây án.
Trước khi thực hiện vụ ám sát, Hinckley cũng đã liên tục đeo bám nữ diễn viên Jodie Foster suốt nhiều năm. Hinckley đã hâm mộ tới mức “phát cuồng” nữ diễn viên Hollywood sau khi xem diễn xuất ấn tượng của Foster trong phim “Taxi Driver” (1976).
Cho tới tận hôm nay, dù đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, Jodie Foster vẫn luôn tránh nói về vụ việc này và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên có liên quan tới John Warnock Hinckley.
Hinckley về sau cho biết hắn nảy sinh ý định ám sát Tổng thống bởi nghĩ rằng việc này sẽ có thể gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Jodie Foster. Điều này đã được hé lộ trong thời gian Hinckley điều trị trong bệnh viện tâm thần St. Elizabeths.
Nữ diễn viên kiêm người mẫu Rebecca Schaeffer bị giết hại vào ngày 18/7/1989
Một độc giả sát nhân thứ 3 của cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” là Robert John Bardo - người đã giết hại nữ diễn viên kiêm người mẫu Mỹ - Rebecca Schaeffer vào ngày 18/7/1989. Lại giống như Chapman - kẻ đã ám sát John Lennon, Bardo cũng mang theo cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” trong người khi xuất hiện tại hiện trường gây án.
Trước đó, Bardo đã có “tiền sử” theo dõi nữ danh ca Madonna và nữ diễn viên nhí Samantha Smith. Bardo cũng theo dõi cả nữ diễn viên bị hại Schaeffer từ lâu. Trong một lần phát hiện thấy cô đang ở một mình tại nhà riêng ở thành phố Los Angeles, Bardo đã bắn chết nữ diễn viên và sau đó ném cuốn sách “Bắt trẻ đồng xanh” lên mái của một căn nhà gần đó rồi chạy trốn.
Sự ám ảnh của ba kẻ sát nhân nổi tiếng lịch sử này đối với tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh” là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học Mỹ
“Bắt trẻ đồng xanh” (1951) của J.D. Salinger là một tác phẩm từng gây tranh cãi nhưng ngay khi ra mắt đã trở thành sách gối đầu giường của thanh thiếu niên Mỹ bởi nó đề cập tới những khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên theo một cách sâu sắc và tinh tế nhất.
Tiểu thuyết đã được dịch sang hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, cho tới giờ, đây vẫn là một cuốn sách bán chạy trên thị trường, đã có khoảng 65 triệu bản sách bán ra. Nhân vật chính của tiểu thuyết - cậu thiếu niên Holden Caulfield đã trở thành một biểu tượng cho sự nổi loạn tuổi vị thành niên.
Tiểu thuyết đã không đơn giản hóa tâm lý lứa tuổi đặc biệt này mà thậm chí nó còn phức tạp hóa theo một cách tinh tế nhất những vấn đề muôn thuở của thiếu niên, như cái Tôi bản ngã, những mối liên hệ gắn bó, cảm giác mất mát trong lứa tuổi chuyển giao, sự cô đơn đặc trưng khi luôn cảm giác như không ai có thể hiểu mình…
“Bắt trẻ đồng xanh” luôn nằm trong danh sách những tiểu thuyết xuất sắc nhất của thế kỷ 20 và là một trong những đầu sách phải đọc của thiếu niên Anh - Mỹ cũng như tại nhiều quốc gia khác.
Phải hiểu rằng “Bắt trẻ đồng xanh” không hề “bình thường hóa” những trăn trở của vị thành niên, thay vào đó, tác phẩm đã nâng tầm tâm lý của độ tuổi này với nhiều ẩn ức, biểu tượng. Chính vì giàu tính biểu tượng và chiều sâu nội dung mà “Bắt trẻ đồng xanh” đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa đại chúng Mỹ.
Gấp lại trang sách cuối cùng của “Bắt trẻ đồng xanh”, người đọc sẽ cảm thấy một sự bí ẩn, khó hiểu, mông lung, vô định, chính điều đó đã làm nên sức ảnh hưởng của tác phẩm. Kể từ sau “Bắt trẻ đồng xanh”, hầu hết các tiểu thuyết khác khai thác lứa tuổi vị thành niên trong văn học Mỹ đều bị ảnh hưởng. Ở đó, độc giả sẽ bắt gặp những thiếu niên đang “vật vã” đi tìm chính mình và vị trí của mình trong cuộc đời.
Tác giả Salinger sinh thời đã từ chối việc bán bản quyền chuyển thể bộ phim lên màn ảnh. Bù lại, tên cuốn tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” được nhắc tới trong khá nhiều bộ phim. Tình tiết này thường gắn liền với những nhân vật mang tính cách khó hiểu, lập dị, có phần giống cậu thiếu niên Holden Caulfield.
“Bắt trẻ đồng xanh” còn truyền cảm hứng cho nhiều nhạc phẩm như “The Catcher in the Rye” của nhóm Guns N’ Roses, “Who Wrote Holden Caulfield?” của nhóm Green Day, “If You Really Want to Hear About It” của nhóm The Ataris…
Một nét đặc biệt cuối cùng về “Bắt trẻ đồng xanh”, chính là “cha đẻ” của tác phẩm - tác giả Jerome David Salinger (1919 - 2010) - một nhà văn bí ẩn, lập dị, ưa cách sống ẩn dật. Cả cuộc đời mình ông luôn tránh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lánh xa mọi sự tung hô, hâm mộ, thậm chí hạn chế công bố những tác phẩm mới.
Nhà văn J.D. Salinger
Cho tới giờ, Salinger vẫn còn nhiều tác phẩm chưa từng ra mắt độc giả. Theo di chúc của Salinger, những tác phẩm này chỉ được công bố rộng rãi sau khi ông đã qua đời được… 50 năm, nghĩa là vào năm 2060.
Bích Ngọc
Tổng hợp