Bí ẩn đôi rồng đá mất đầu ở Thành Nhà Hồ
(Dân trí) - Trải qua bao nhiêu thời gian, chuyện về đôi rồng đá mất đầu ở Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) - Di sản văn hóa thế giới cho đến nay vẫn luôn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Thành Nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và trên thế giới. Đây là công trình được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, nó từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách vẫn gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO (Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp hiệp quốc) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Quanh chuyện xây dựng Thành Nhà Hồ đã có quá nhiều bí ẩn như làm cách nào mà người xưa có thể xây thành nhanh đến thế, chỉ trong vòng 3 tháng với những tảng đá lớn hàng chục tấn, chất liệu kết dính các khối đá, việc vận chuyển… Đặc biệt, chuyện về đôi rồng đá cụt đầu mà cho đến nay cũng không ai lý giải được vì sao đôi tượng rồng lại mất đầu và đầu rồng giờ đang ở đâu? Chỉ biết, hiện giờ đôi rồng đá mất đầu vẫn đang được nằm song song bên đường đi trong nội thành từ cổng Nam sang cổng Bắc.
Theo sử sách ghi lại thì đôi rồng đá trên đã được người Pháp phát hiện vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành. Đôi rồng này có chiều dài 3,8 m, là đôi tượng rồng lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.
Đôi rồng được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối, thân thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, có vảy phủ kín thân. Rồng có bốn chi, mỗi chi có ba móng. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm, tỉ mỉ.
Về việc vì sao đôi rồng mất đầu, ai đã chặt đầu rồng? Đến nay vẫn chưa có một lý giải nào có cơ sở. Một số cao niên trong làng Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến) kể lại rằng xưa có một câu chuyện được truyền miệng là do đầu rồng quay vào làng nên trong làng thường xuyên xảy ra cháy nhà. Cho rằng rồng phun lửa gây họa nên người dân trong vùng đã chặt đầu rồng đi. Ngoài ra còn có một câu chuyện được thêu dệt rất huyền bí rằng trong đầu rồng có ngọc ngà châu báu nên lợi dụng một đêm mưa gió một nhóm người đã chặt đầu rồng mang đi nơi khác để lấy châu báu.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Đấu, Hội sử học Thanh Hóa thì có rất nhiều lời đồn thổi, lý giải về đôi rồng ở Thành Nhà Hồ bị chặt đầu. “Nhưng theo những gì mà tôi đã được biết và một số phân tích nhận định của một số nhà sử học có tiếng thì có thể đầu rồng đã bị quân Minh trong lúc bị nghĩa quân Lam Sơn vây hãm trong thành nhiều ngày, do thiếu lương thực, nước uống… trong lúc tức giận đã cho đập phá hết mọi thứ trong thành trong đó có đôi đầu rồng đá” - tiến sĩ Đấu cho biết.
Ngoài đôi rồng đá bị mất đầu, trong quá trình khai quật cũng như sưu tầm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng đã phát hiện một số con vật khác bị mất đầu như con nghê đá và việc những con vật này mất đầu cũng chưa có bất cứ sử sách nào lý giải.
Bình Minh