Thái Bình:
Bí ẩn cung điện thời Trần hơn 700 năm tuổi
(Dân trí) - Từ hai dòng ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư, các nhà khảo cổ đã tìm ra hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), giúp làm sáng tỏ bí ẩn về sự tồn tại của một cung điện ở ngoại vi kinh thành Thăng Long.
Qua 3 đợt khai quật khảo cổ học, hành cung Lỗ Giang - một trong những hành cung lớn được nhà Trần cho xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, nay thuộc xã Đồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã dần được hé lộ.
Đây không chỉ là mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là một tổ hợp ít nhất ba công trình, kết nối với nhau trong một chỉnh thể có quy mô và sự nguy nga, tráng lệ được xây dựng công phu mang tính chất cung điện hoàng gia.
Tuy là hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa Long Hưng (Thái Bình) - Tức Mặc (Nam Định) và Thăng Long (Hà Nội), nhưng trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, vị trí của hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo và quy mô của nó như thế nào, từ lâu vẫn là một bí ẩn.
Năm 2014 sau đợt khai quật khảo cổ học đầu tiên, khu vực đền Trần (Thái Lăng) thuộc xã Hồng Minh (Hưng Hà, Thái Bình) được xác định chính là di tích hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông.
Xung quanh khu vực đền hiện còn lưu truyền nhiều địa danh như bến Phạm Lỗ, cánh đồng Phủ, Càn Thiên Mã, Cầu Rồng,... Trong đó, có những địa danh liên quan đến lăng tẩm của các vua Trần như xóm Lăng, Giếng Lăng, Lăng sa trong, Lăng sa ngoài, Lăng Ngói. Những địa danh này gợi lại những dấu ấn của một hành cung xưa gắn liền với lịch sử của nhà Trần trên mảnh đất Hồng Minh ngày nay.
Ngoại trừ khu vực Lăng sa ngoài có vị trí ở ngoài đê, do nhiều năm phù sa sông Hồng bồi lấp nên bề mặt không tìm thấy di vật, các địa danh còn lại đều tìm thấy rất nhiều vật liệu kiến trúc, đồ sành, đồ gốm sứ của nhà Trần.
Trung tâm Nghiên cứu kinh thành cũng xác định phần mái lợp ngói mũi sen có quy mô lớn, được trang trí công phu, đẹp và tráng lệ, giống như kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long.
Đến năm 2015, để tiếp tục xác định rõ diện mạo của hành cung Lỗ Giang xưa đợt khai quật khảo cổ học lần thứ hai với diện tích 600m2 được tiến hành. Kết quả đã chỉ rõ đây không chỉ là mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là tổ hợp ít nhất gồm ba công trình kết nối với nhau trong một chỉnh thể có mặt bằng chữ Công, có diện tích hơn 554m2.
Kỹ thuật gia cố móng trụ cột kép (kép đôi và kép ba) cùng hệ thống bó nền, sân gạch và các loại vật liệu lợp mái, trang trí mái phản ánh tin cậy rằng, kiến trúc ở đây được xây dựng rất quy chuẩn. Đặc biệt, tính chất vương quyền của công trình không những được nhận biết qua các vật liệu trang trí hình rồng mà ở đây còn tìm thấy viên ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trên trán khắc chữ Vương (Vua). Tư liệu này góp phần khẳng định rõ tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua.
Năm 2016 - 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tiếp tục khai quật mở rộng lần 3 tại khu di tích hành cung Lỗ Giang với diện tích 800m2.
Kết quả khai quật cho thấy, Hành cung Lỗ Giang nằm phân bổ trong phạm vi rộng lớn thuộc các khu vực đất canh tác hoa màu của nhân dân xã Hồng Minh hiện nay như: đền Thái (khu A), lăng Ngói (khu B), lăng Sa ngoài (khu C), lăng Sa trong (khu D), lạch Đường cả (khu E - G). Các khu vực này có diện tích khoảng 93.000m2.
Việc điều tra, khai quật giai đoạn 3 đã tiếp tục làm rõ tổng thể mặt bằng kiến trúc thời Trần ở khu A, phát hiện được quần thể các công trình kiến trúc ở khu D và gò Sỏi độc đáo. Tại khu vực Lăng Sa Ngoài, tìm thấy dấu vết của một đoạn móng tường bao đầm bằng sỏi sét cùng nhiều hiện vật gạch ngói vỡ, đồ sành và gốm có niên đại thời Trần. Kỹ thuật xây dựng móng tường bao gia cố bằng sỏi rất kiên cố giống như kỹ thuật xây dựng tường bao thời Lý ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Kết quả này góp phần khẳng định rõ tính chất, quy mô của Hành cung Lỗ Giang xưa. Đồng thời, khẳng định giá trị và tầm quan trọng rất đặc biệt của khu di tích. Phát hiện cũng cho thấy tiềm năng khảo cổ học ở đây rất lớn và còn nhiều bí ẩn lịch sử dưới lòng đất về Hành cung.
Để tiếp tục điều tra, khai quật làm rõ giá trị văn hoá, lịch sử của hành cung Lỗ Giang, UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu kinh thành sớm hoàn thiện báo cáo khoa học trình UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà phối hợp chặt chẽ và thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn khu khai quật cũng như làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho công tác khảo cổ học.
Đức Văn