Bệnh “rối loạn tâm lý” từng hành hạ các ngôi sao nổi tiếng như thế nào?
(Dân trí) - Chứng bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực từng hành hạ nữ diễn viên Catherine Zeta Jones, Vivien Leigh, họa sĩ Van Gogh… Đây là một chứng bệnh nguy hiểm đã từng làm suy sụp cuộc sống của nhiều nghệ sĩ.
Nữ ca sĩ Mỹ Demi Lovato (sinh năm 1992) mới đây vừa chia sẻ cô bị hội chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực. Trước đó, Lovato thường xuyên rơi vào trạng thái suy sụp mà không thực sự hiểu lý do tại sao, giờ đây, cô cảm thấy “nhẹ lòng” vì đã hiểu vấn đề đến từ đâu.
Nữ ca sĩ 22 tuổi cho biết gia đình cô đã phải can thiệp để cô đi điều trị tâm lý sau khi Lovato có những hành động gây hại cho bản thân. Giờ đây, cô cảm thấy mình cần phải dũng cảm nói lên bệnh tật của mình để những người có bệnh sẽ có thêm động lực đối diện với tình trạng của mình và tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ.
Nữ ca sĩ cho biết sau khi được điều trị, bệnh tình của cô đã thuyên giảm, điều này đã được phản ánh trong chính những bài hát của cô khi các nhạc phẩm dần trở nên vui vẻ, tích cực hơn.
Rối loạn tâm lý lưỡng cực là một chứng bệnh tâm thần có thể diễn biến rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống người bệnh. Chứng bệnh này tác động mạnh tới tâm trạng, cảm xúc và có thể dẫn tới những suy nghĩ đen tối nhất trong người bệnh, như ý muốn tự tử.
Đã có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng mắc phải chứng bệnh tâm lý này. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật dựa nhiều vào sự thăng hoa, hưng phấn của cảm xúc vốn thường được cho là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng mắc phải chứng bệnh này.
Rối loạn tâm lý lưỡng cực, đúng như tên của nó, làm rối loạn tâm trạng, cảm xúc, khiến người bệnh có thể đi từ trạng thái vui vẻ, hưng phấn tới tình trạng buồn bã, ủ dột một cách nhanh chóng không lý do.
Nữ diễn viên Anh Catherine Zeta-Jones (sinh năm 1969) đã tiết lộ hồi tháng 4/2011 rằng cô đang phải điều trị vì chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực. Bản thân Zeta-Jones đã từng trải qua vài năm sống trong tình trạng căng thẳng của bệnh tật, cuối cùng, nữ diễn viên nổi tiếng, từng giành giải Oscar, đã quyết định công khai bệnh tình và ở trong bệnh viện một thời gian để được điều trị tích cực.
Giờ đây, Zeta-Jones đã dần hồi phục trở lại dù đôi khi cô vẫn phải trải qua những đợt trị liệu ngắn để ổn định tình trạng sức khỏe tâm thần.
Nữ diễn viên Anh Vivien Leigh (1913-1967) - nàng Scarlett O’Hara của phim “Cuốn theo chiều gió” - cũng từng thu hút sự quan tâm của dư luận đương thời khi cuộc hôn nhân của Leigh với nam diễn viên nổi tiếng Laurence Olivier gặp nhiều trục trặc vì tâm trạng rất đỗi thất thường của Leigh.
Cách cư xử tùy hứng cùng sự cáu kỉnh, khó ưa của Leigh đã khiến cô không được lòng đồng nghiệp, bị mang tiếng là ngôi sao chảnh chọe, không thể hợp tác. Điều này đã làm hỏng danh tiếng và sự nghiệp của Leigh, làm đổ vỡ cuộc hôn nhân với người đàn ông mà Leigh vô cùng yêu thương, nhưng đã gây ra quá nhiều chuyện đau đầu cho anh.
Ở thời Vivien Leigh, người ta chưa thể gọi tên chứng bệnh tâm lý này, và vì vậy cũng không có thuốc đặc trị, cũng không có nghệ sĩ nào dám công khai mình có những vấn đề tâm thần, vì điều đó chắc chắn sẽ hủy hoại danh tiếng của họ, lấy đi những cơ hội phát triển sự nghiệp.
Nữ diễn viên Carrie Fisher nổi tiếng nhất với vai công chúa Leia trong loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao”. Vì thời niên thiếu nhiều sóng gió, biến động, Fisher sớm rơi vào tình trạng nghiện rượu và chất cấm. Ngay từ tuổi ngoài 20, Fisher đã được chẩn đoán bị hội chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực nhưng cô đã không tin vào lời bác sĩ.
Sau đó, dần dần Carrie Fisher đã chấp nhận rằng mình là người có bệnh và nhận sự điều trị của bác sĩ. Sau đó, nữ diễn viên đã dần ổn định tình trạng và thậm chí đã trở thành một nhà văn có tiếng với những tác phẩm bán chạy, được viết trong thời gian chữa bệnh.
Họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh (1853-1890) - tác giả của những tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới. Ông được hậu thế nhớ đến như một trong những “thiên tài bị hành hạ” để lại nhiều câu chuyện truyền cảm hứng và gây xúc động.
Van Gogh vốn là người khó tính, nhiều khi trở thành khó ưa, khó chịu đối với những người xung quanh, thêm vào đó, ông có một lối sống lập dị, cảm xúc lên xuống rất thất thường khiến họa sĩ thường xuyên phải ra vào các bệnh viện tâm thần để điều trị.
Ở thời Van Gogh, người ta vẫn chưa có khái niệm về chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực nhưng những biểu hiện của Van Gogh khiến các nhà khoa học tin rằng đây chính là chứng bệnh mà vị danh họa huyền thoại đã mắc phải, bởi có những giai đoạn ông suy sụp tới mức không thể ngồi dậy, không thể cầm nổi cọ vẽ, nhưng cũng có những giai đoạn ông hưng phấn và vẽ liên tục không ngơi nghỉ, cho ra những tác phẩm sau này trở thành kinh điển.
Ở trường hợp của Van Gogh, người ta nhận thấy chứng bệnh của ông xuất hiện sau những giai đoạn sáng tạo đỉnh cao, dồn nhiều tâm sức để lao động nghệ thuật bằng một sự hăng hái, nhiệt tình cao độ.
Nữ nhà văn Anh Virginia Woolf (1882-1941) là một cái tên nổi tiếng trong văn đàn Anh. Ở Việt Nam, một số tác phẩm của bà đã được giới thiệu tới độc giả như “Ba đồng ghi-nê”, “Tới ngọn hải đăng”, “Căn phòng riêng”, “Thời khắc”…
Tuy vậy, để cho ra được những tác phẩm văn học nổi tiếng này, nữ văn sĩ đã phải chịu đựng chứng rối loạn tâm lý rất nặng nề và có những giai đoạn hoàn toàn suy sụp trong cuộc sống.
Ngay từ lứa tuổi 13, cô bé Virginia đã có những triệu chứng của bệnh rối loạn tâm lý, khi đó, Virginia đã vui buồn rất thất thường. Tuy vậy, ở thời của bà, ngành nghiên cứu tâm thần học còn chưa phát triển vì vậy, các bác sĩ tâm thần cũng không giúp gì được nhiều cho nữ nhà văn.
Kết cục của Virginia Woolf là bà đã tự vẫn ở tuổi 59. Những sự bi quan trong suy nghĩ của nữ nhà văn đã được thể hiện một phần trong những tác phẩm của bà. Virginia Woolf tin rằng hạnh phúc trong cuộc đời người phụ nữ chỉ được đong đếm bằng những “thời khắc” (tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà), vì vậy, khi cảm thấy những “thời khắc” của mình đã cạn, Virginia đã tự tìm tới cái chết.
Bích Ngọc
Tổng hợp