Bế mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực ĐBSCL

(Dân trí) - Sau 10 ngày các trại viên được đi và nhìn ngắm, tiếp xúc với người dân thủ phủ Miền Tây, tuy thời gian chưa đủ dài nhưng các trại viên cũng kịp “thai nghén” và “sinh ra” hơn 80 tác phẩm hay về đất nước, con người ĐBSCL và Cần Thơ nói riêng.

Sáng 17/9 Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật TP. Cần Thơ tổ chức buổi bế mạc trại sáng văn học nghệ thuật (VHNT) khu vực ĐBSCL 2011.

Hội trại sáng tác VHNT khu vực ĐBSCL được khai mạc từ ngày 7/9, với sự góp mặt của 27 văn nghệ sĩ là thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác ở các thể loại văn xuôi, thơ, nhạc và văn nghệ dân gian.
 
Trong 10 ngày, các trại viên đã đến các di tích, danh lam, làng nghề… nhìn ngắm đời sống sinh hoạt của người dân Cần Thơ… Tuy thời gian chưa đủ dài nhưng các văn nghệ sĩ đã kịp cho ra đời nhiều tác phẩm hay, phản ánh một cách chân thật về Đất nước, đời sống con người của Cần Thơ nói riêng và cuộc sống của người Nam bộ nói chung.

Bế mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực ĐBSCL - 1

Kết thúc buổi bế mạc trại sáng tác VHNT khu vực ĐBSCL bằng những ca khúc vừa được mới "sinh ra" trong 10 ngày qua

Cụ thể, về âm nhạc: có 38 ca khúc của 8 tác giả; Văn xuôi: có 1 chương tiểu thuyết, 1 tập truyện và ký và 40 truyện ngắn, 06 bút ký, tản văn; Về thơ: có 2 tập thơ và nhiều bài thơ lẻ; Văn học dân gian có 2 tác phẩm có giá trị như một công trình nghiên cứu khoa học lí luận về văn học dân gian miền sông nước Cửu Long.

Tổng kết trại sáng tác VHNT, ông Đỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch thường trực UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhận xét: “ Điều đáng mừng là trong 10 ngày 27 trại viên chúng ta đã kịp cho ra đời hơn 80 tác phẩm hay. Nhìn chung các văn nghệ sĩ viết rất “khỏe” về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương …. Tuy nhiên trong hơn 80 tác phẩm đó vẫn còn thiếu hình ảnh người nông dân sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc hoặc tiếng nói của tri thức trong công cuộc đổi mới hôm nay vẫn còn lu mờ chưa được các văn nghệ sĩ khắc họa.”

 Ngô Nguyễn