Bế mạc cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch
(Dân trí) - Sau hơn 10 ngày thi tài sôi nổi, tối 17/5, tại Thanh Hóa đã diễn ra Lễ Bế mạc cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 với những giải thưởng xứng đáng.
Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức, diễn ra từ ngày 6-17/5.
Trong đó, cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 diễn ra trước (từ ngày 6-11/5) và cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc 2023 diễn ra sau đó (từ ngày 11-17/5).
Phát biểu tổng kết, NSND Quốc Anh - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá: "Tín hiệu mừng nhất trong cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của 14 đơn vị khá đồng đều, mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực "thổ tận can tràng" để thể hiện tốt nhất phần thi của mình.
Những vai mẫu trong các trích đoạn chèo cổ truyền như Thị Mầu, Súy Vân, Châu Long, Lưu Bình, Trần Phương, Cả sứt, Thị Phương, Tuần Ty, Đào Huế, Thầy đồ Trương Viên, Mụ Quán, Lão say có nội dung khuyến giáo đạo đức là những bài học chở nặng triết lý nhân sinh.
Những tấm gương sáng về tình bạn, về lòng chung thủy, đạo đức gia đình luôn đề cao chữ hiếu, khao khát tự do, lên án, đả kích để rồi phê phán thói hư tật xấu bằng tiếng cười trào lộng, thâm sâu trong ngôn ngữ nghệ thuật Chèo.
Phần lớn phần dự thi được dàn dựng công phu, diễn viên thăng hoa trên sân khấu với nghề để bộc lộ hết được tài năng của mình, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Chèo. Điều đó làm cho loại hình nghệ thuật Chèo luôn xuôi chèo mát mái trong dòng chảy văn hóa dân tộc, là điều rất cần trong các tác phẩm nghệ thuật sân khấu Chèo hiện nay".
Theo NSND Quốc Anh, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thì vẫn còn một vài hạn chế cần nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật Chèo. Ông nói, vai diễn dự thi còn trùng lặp quá nhiều. Trích đoạn chưa thực sự chuyển tải được vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, nội dung cũ mòn.
Thứ hai, bên cạnh những đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên lựa chọn những trích đoạn mang hơi thở thời đại, góp phần tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thì vẫn có một số đơn vị chưa có sự chọn lựa cẩn trọng, nội dung trích đoạn dự thi chưa chú trọng việc xây dựng hình tượng nhân vật Chèo.
Ban Tổ chức đã trao 17 giải Nhất, 14 giải Nhì, 2 giải Xuất sắc (dành cho người hướng dẫn ca diễn và người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao) cho các nghệ sĩ tham gia cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc 2023.
Trước đó, Ban Tổ chức đã tổng kết và trao 8 giải Nhất, 9 giải Nhì và 2 giải Xuất sắc (cho người hướng dẫn ca diễn và người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao) tại cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023.
Cũng tại lễ bế mạc, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ (VH,TT&DL) nhấn mạnh, cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 đã đem đến khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc.
Đây là cuộc thi quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, thông qua cuộc thi, các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đề nghị, trong các cuộc thi tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.
Thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng.
Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước. Tiếp tục tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống.