Huế:
“Báu vật” kinh Phật khắc trên lá bối 2.000 năm tuổi lần đầu về Việt Nam
(Dân trí) - Sau khi đưa được bộ kinh Phật từ Na Uy về tới Huế, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm Tam tạng kinh Phật khắc trên lá bối hơn 2.000 năm tuổi tại chùa Huyền Không (phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vào sáng 26/4.
Những bản kinh trong triển lãm lần này là một phần trong bộ sưu tập Schoyen của học giả Schoyen người Na Uy, được lưu giữ, bảo quản nghiêm ngặt trong một bảo tàng quốc gia ở Na Uy, sau đó đã được Giáo hội Phật giáo Thái Lan đề bạt chính phủ Na Uy cho mượn để triển lãm ở Thái Lan cùng các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.
Bản kinh cổ này là những cổ vật được khai quật gần với thời kỳ đầu của Phật giáo nhất (năm nay là năm 2.560 Phật lịch). Bản kinh Phật là các đoạn kinh trong Tạng kinh, Tạng vi diệu pháp, Tạng luật và các bản kinh của Mahayana và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Được biết, để đưa được bộ kinh Phật được coi là bảo vật này về được với Việt Nam nhờ có công sức rất lớn của Thượng tọa Pháp Tông Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng hệ phái Phật giáo Nam tông tại Thừa Thiên-Huế, Trụ trì chùa Huyền Không (Huế).
Thụ bản kinh Phật cổ xưa được viết trên những tờ (lá) là các đoạn trong Tạng kinh, Tạng vi diệu pháp, Tạng luật và các bản kinh của Mahayana từ hơn 2.000 năm trước, tất cả được bọc bởi một lồng kính nhỏ trưng bày phía trước tiền sảnh chùa.
Trước đó, khi tham dự hội nghị về Hòa bình Thế giới tổ chức tại Học viện Phật giáo quốc tế Sitagu, Sagaing, Myanmar vào tháng 1/2016, Thượng tọa Pháp tông đã được chiêm bái cổ vật này. Nhận ra tầm quan trọng của cổ vật, thượng tọa đã liên hệ, trao đổi ý kiến với ông Siam Saenkhat, viên chức của chính phủ Na Uy và cũng là người được giáo hội Phật giáo Thái Lan xin mượn về để tổ chức triển lãm tại Huế.
Cuộc triển lãm sẽ được diễn ra trong hai ngày 26 - 27/4, và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các cấp đã đồng ý cho kết nối Triển lãm kinh lá bối tại chùa Huyền Không với Festival Huế 2016 như một sự kiện Tiền Lễ hội.
Theo Thượng tọa Pháp Tông, Trụ trì chùa Huyền Không (Huế), đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất bản kinh được xem là “báu vật” của Phật giáo Thế giới về tại Việt Nam.
Phạm Công - Đại Dương