“Báu vật” của đồng bào Mông nơi biên giới
(Dân trí) - Khi hoa đào, hoa mơ bung nở bên hiên nhà cùng với tiếng chày giã bánh giày rộn ràng của đồng bào Mông và tiếng khèn cất lên cũng chính là gọi mùa Xuân về. Khèn được xem là vật thiêng mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Khèn được cất lên trong những ngày hội, ngày Xuân, gắn kết tình yêu đôi lứa...
Huyện biên giới Mường Lát có hơn 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống, trải đều khắp 9 xã, thị trấn. Cuộc sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây tuy còn nhiều khó khăn, nhưng có một “báu vật” được xem là hồn cốt làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Mông, luôn được gìn giữ, đó chính là cây Khèn.
Trong quan niệm của đồng bào Mông, khèn được xem là vật thiêng mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần. Khèn được cất lên trong những ngày hội, ngày Xuân, gắn kết tình yêu đôi lứa...
Cây khèn cũng theo người Mông lên nương, lên rẫy, để xua tan đi những mệt nhọc mỗi khi tiếng khèn cất lên; tiếng khèn thay cho những lời nói, tâm tư và cả những ước mơ. Khèn như là một thứ đặc sản trong văn hóa tinh thần của đồng bào Mông, và như một phần máu thịt không thể tách rời.
Ở vùng biên giới Mường Lát thì Hơ Pó Dinh (40 tuổi), ở bản Na Tao, xã Pù Nhi, là một trong những người nổi tiếng làm và thổi khèn điêu luyện.
Theo chân cán bộ văn hóa, chúng tôi tìm về gia đình anh Dinh, đội 3 bản Na Tao Lộ. Con đường đất độc đạo từ trung tâm vào đội 3 với những con dốc khúc khuỷu, chỉ đủ cho một chiều xe máy đi lọt. Sau khi quăng quật hơn một km đường dốc, ngôi nhà của Hơ Pó Dinh mang nét đặc trưng của đồng bào Mông hiện ra. Ngôi nhà nằm cheo leo bên sườn đồi, trước mặt là khu ruộng bậc thang vừa được thu hoạch mùa xong.
Bước vào trong, giữa gian nhà là bàn thờ gia tiên và bên cạnh là chiếc khèn treo ngay ngắn trên vách. Đối với người Mông, khèn được xem là tài sản quý giá nên thường được treo ở góc cao, nơi trang trọng trong ngôi nhà.
Năm nay bước sang tuổi 40, nhưng anh Dinh đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với tiếng khèn. Và mới đây, anh bắt đầu có “duyên” với việc làm khèn. “Tiếng khèn là công cụ để giao tiếp của người Mông. Chàng trai Mông nào cũng có thể học cách thổi khèn, nhưng để làm nên cây khèn thì không phải ai cũng làm được. Ở Pù Nhi chỉ có vài người biết làm khèn”, anh Dinh cho biết.
Thoạt nhìn cây khèn với 6 ống có độ dài khác nhau, sắp xếp song song với thân khèn ai cũng có cảm nhận đơn giản. Nhưng theo anh Dinh, để làm được cây khèn cần sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Không phải cây khèn nào làm nên cũng thổi hay được.
Rồi anh Dinh say sưa kể về cách làm khèn. Với thân khèn phải tìm được loại cây không mối mọt như Pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông. Tiếp đó, tạo hình cho khúc gỗ thành thân khèn (bầu khèn), rồi chia đôi thân khèn thành hai nửa bằng nhau và khoét rỗng.
Để gắn lại hai mảnh thân khèn cũng là trang trí khèn cho đẹp, anh vào rừng tìm loại vỏ cây đào rừng màu đen đem về phơi khô, cắt miếng. Khèn buộc bằng vỏ cây đào vừa chắc, vừa đẹp. Bộ phận phối khí của cây khèn là 6 ống khèn được làm bằng cây nứa, có độ dài khác nhau, sắp xếp song song với thân khèn.
Sau khi lấy nứa ở rừng về phải để thời gian chờ nứa khô mới làm ống khèn. Trên mỗi ống khèn chỉ đục một lỗ. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng. Để hoàn chỉnh một chiếc khèn từ 3 đến 5 ngày. Trong chiếc khèn Mông, bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn.
Làm khèn Mông không khó, nhưng để có khèn hay, đạt chuẩn âm thanh khi thổi thì ngoài việc tỉ mỉ, khéo léo thì người làm khèn phải xuất phát từ tình yêu, sự thích thú.
Những ngày đầu khi mới bắt đầu làm khèn, anh cũng đã từng thất bại, sau nhiều lần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm thì cây khèn ngày càng hoàn chỉnh, âm thanh đã chuẩn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Mông trong bản mà ở các bản khác cũng tìm đến đặt mua khèn của anh.
Như để minh chứng thêm cho lời giới thiệu của mình, Hơ Pó Dinh cất lên tiếng khèn tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn ràng khiến. Giữa đại ngàn nơi vùng biên, tiếng khèn của Hơ Pó Dinh mang đến cho người nghe cảm giác rộn ràng của mùa Xuân đang về.
Vừa dứt tiếng khèn, Hơ Pó Dinh trầm giọng xuống: “Thanh niên trong bản cũng ít người say mê với khèn lắm, chỉ thích nghe nhạc mới. Trong bản chỉ có người lớn tuổi biết thổi khèn một cách bài bản, đúng điệu. Thổi khèn không dễ và tìm được người để truyền cách làm khèn càng khó”.
Anh Dinh sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm làm khèn, thổi khèn của mình cho lớp trẻ, trong số đó có anh Hơ Văn Dính, Hơ Văn Lanh... Học thổi khèn không chỉ giải trí mà còn thể hiện cho tài nghệ của chàng trai Mông, là cầu nối để thể hiện tình cảm đối với người mình thương. Hình ảnh chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn tha thiết cũng là hình tượng đối với các thiếu nữ người Mông.
Bên hiên nhà, hoa đào, hoa mận đang bung nở, cùng với tiếng chày giã bánh giày rộn ràng trong mỗi nếp nhà đồng bào Mông, tiếng khèn cất lên cũng chính là gọi mùa Xuân về...
Duy Tuyên