Bắt vợ - nét văn hóa của người Mông xứ Nghệ
(Dân trí) - Ở đâu đó tục bắt vợ của người Mông đã bị biến tướng nhưng ở miền Tây Nghệ An, tục bắt vợ vẫn được đồng bào ở đây lưu giữ, như một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đối với người Mông xứ Nghệ, bắt vợ là nâng cao giá trị của người phụ nữ.
Tục bắt vợ của người Mông có tự bao giờ, chẳng ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng, đến tuổi cập kê, trai gái hò hẹn trên nương, trên những sườn núi 4 mùa bung nở đủ các loại hoa rừng. Mùa xuân là mùa hò hẹn, khi tình yêu đủ chín, người Mông sẽ làm lễ cưới nhưng trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, các cặp đôi người Mông sẽ phải trải qua một “nghi lễ” hết sức đặc biệt. Các chàng trai sẽ tìm cách bắt và đưa cô gái mình thương về nhà.
Ông Mùa Vả Phia (bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết: “Theo quan niệm của người Mông ta, con gái phải được bắt về nhà con trai thì mới có giá. Nếu tự tìm đến nhà con trai thì không có giá trị gì cả. Ngày xưa ta cũng phải bắt vợ mà. Gọi là bắt thôi chứ thực ra hai bên phải có tình cảm với nhau, ưng về sống với nhau một nhà thì mới làm lễ cưới mà”.
Đối với người Mông, tục bắt vợ còn là cách để các chàng trai thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của mình. Khi chàng trai yêu cô gái và được cô gái đáp lại tình cảm, việc tiến tới hôn nhân là chuyện được cả hai bàn tới. Tuy nhiên, việc “bắt vợ” sẽ được chàng trai dấu kín, âm thầm lên kế hoạch thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các bạn mình.
Thường các chàng trai sẽ bắt vợ sau các lễ hội mùa xuân hoặc vào thời điểm mà họ cho là phù hợp. Khi cô gái đi cõng nước hoặc lên rẫy một mình, chàng trai sẽ cùng các bạn bắt cô gái, cõng về nhà hoặc tìm cách nhét vào tấm khăn quấn ngang bụng của cô gái một đồng bạc trắng. Cô gái dù biết đó là người yêu mình nhưng không thể đồng ý ngay mà sẽ cố gắng vùng vẫy hết sức có thể bởi lẽ, quan niệm của người Mông, việc khuất phục quá nhanh là biểu hiện sự dễ dãi, không đoan chính.
“Nếu bị bắt về nhà người con trai, người con gái sẽ được đưa vào một cái buồng và ở trong đó 3 ngày. Sẽ có chị em gái của chàng trai hay một người bạn gái đến ngủ cùng, hoàn toàn không có chuyện quan hệ trước hôn nhân. Sau khi bắt được cô gái, nhà chàng trai sẽ cử người đến nhà thông báo với bố mẹ cô gái để phía nhà gái yên tâm. Sau đó, hai bên gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất việc cưới xin. Khi đó, cô gái sẽ được đưa về nhà bố mẹ đẻ để chuẩn bị cho hôn lễ”, già làng Lầu Nềnh Chừ (73 tuổi, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn) nói.
Có trường hợp cô gái không bị bắt về nhà người yêu hoặc trốn được khỏi nhà chàng trai nhưng giữ đồng bạc trắng (được xem như tín vật) mà không trả lại thì cũng xem như ưng thuận việc làm vợ chàng trai. Nếu cô gái không muốn làm vợ sẽ tìm cách trốn khỏi nhà trai hoặc được “tạo điều kiện” để trốn. Với những cuộc hôn nhân không thành này, chàng trai sẽ phải mang lễ vật sang nhà cô gái để “đền bù danh dự”.
Rít một hơi thuốc dài nhét trong chiếc tẩu đã lên bóng, đợi những làn khói xám xanh tản hết, già Chừ nói tiếp: “Trước kia, nhiều người con gái không người ưng con trai mà bị bắt làm vợ, là hay ăn lá ngón tự tử lắm. Bây giờ thì khác rồi, con trai con gái gặp nhau, biết nhau từ trước, có thương nhau thì xin phép bố mẹ để tổ chức “bắt vợ”. Như thế, cả 2 bên họ hàng mới cùng vui vẻ được.
Các cô gái cũng phải đủ tuổi kết hôn mới được bắt. Có như thế mới không vi phạm pháp luật được. Thỉnh thoảng đâu đó cũng có những cháu gái đang ở tuổi đi học, bị bắt về làm vợ. Nhưng số đó ít thôi, người Mông bây giờ tiến bộ rồi mà. Bắt vợ chỉ là thủ tục thôi, cái quan trọng vẫn là phải yêu thương nhau mới tiến tới hôn nhân…”
Đối với đồng bào Mông, con gái là con người ta, là người không thuộc hàng thừa kế trong nhà. Bởi vậy, lúc con gái đi lấy chồng, bố mẹ sẽ cho trâu bò, gà, lợn để làm của hồi môn. Người con gái bị bắt vợ được mọi người tôn trọng và nhà trai sẽ bị đòi lễ cao hơn bình thường.
Trong ngày cưới, cô dâu sẽ đứng ngoài cửa đợi gia đình chàng trai mang gà ra làm lễ nhập nhà xong mới được bước vào. Nhà trai sẽ chuẩn bị một con gà trống và làm lễ xoay vòng trên đầu hai người với mong muốn những điều không tốt sẽ được xóa bỏ để hai vợ chồng được sống hạnh phúc, may mắn.
Trên các sườn núi, những cây đào đá đã bung nở, điểm sắc hồng xua tan cái lạnh của miền sơn cước. Trên các bậu cửa, các cô gái vẫn miệt mài thêu những chiếc váy sặc sỡ sắc màu để chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới – lễ hội mùa xuân và tình yêu. Cũng từ những lễ hội này, tình yêu giữa các chàng trai, cô gái Mông sẽ được nhen lên. Từ khắp các bản làng, tiếng khèn, tiếng hát gọi bạn đã vang lên, vang xa qua đỉnh núi…
Hoàng Lam