Bật mí: Kỳ thực năm mới diễn ra... quanh năm trên thế giới
(Dân trí) - Năm 2020 đã mở ra, chúng ta hào hứng chào đón một năm mới, một thập kỷ mới với nhiều kỳ vọng. Nhưng thực tế, không phải ở đâu, ngày 1/1 cũng là ngày đầu năm mới quan trọng nhất. Trên khắp thế giới này, kỳ thực năm mới diễn ra... quanh năm.
Truyền thống đón năm mới rất khác nhau ở những vùng đất có văn hóa - phong tục khác nhau. Hãy cùng chiêm ngưỡng chân dung năm mới ở những nền văn hóa đặc sắc, từ năm mới âm lịch của người Á Đông, tới năm mới Diwali của người theo đạo Hindu. Hãy xem người dân trên khắp thế giới hồi tưởng về quá khứ và hướng tới tương lai như thế nào.
Năm mới của người phương Tây là ngày 1/1 hàng năm, hoạt động đón mừng năm mới sẽ bắt đầu từ đêm Giao thừa 31/12. Vào thời khắc quan trọng này, người ta thường muốn ở bên gia đình, bạn bè, cùng mở tiệc vui vẻ đón chờ năm mới.
Người phương Tây cũng thường lựa chọn thời điểm có tính dấu mốc này để tự đưa ra những mục tiêu trong năm mới cho bản thân. Những cặp đôi bên nhau đón năm mới sẽ trao nhau nụ hôn vào đúng lúc Giao thừa.
Sự kiện đón mừng năm mới lớn nhất trong thế giới phương Tây phải kể tới lễ hạ quả cầu pha lê diễn ra trên quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ). Mỗi năm có hơn một triệu người đổ về đây để theo dõi sự kiện có tính truyền thống này.
Lễ hạ quả cầu đã bắt đầu được tổ chức từ năm 1907, quả cầu cũng đã được thiết kế và thực hiện lại nhiều lần qua năm tháng. Phiên bản quả cầu hiện tại nặng gần 5.400kg và được bao phủ bởi hơn 2.000 viên pha lê Waterford.
Năm mới của người Á Đông năm nay chính thức bắt đầu từ ngày 25/1/2020 và tinh thần Tết sẽ còn kéo dài trong suốt 15 ngày sau đó cho tới Rằm tháng Giêng, tức ngày 8/2.
Để chuẩn bị cho dịp lễ Tết quan trọng này, người Á Đông luôn sửa sang, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Họ tới chơi nhà người thân, bằng hữu để chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Ở nhiều nơi, những màn múa lân sư rồng được tổ chức sôi động. Hoạt động bắn pháo hoa cũng rất thường thấy ở nhiều quốc gia.
Đặc biệt, phong bao lì xì đỏ rất phổ biến trong văn hóa Á Đông dịp Tết. Thường phong bao có màu đỏ, nhưng cũng có nhiều biến thể đa dạng về mặt thiết kế và màu sắc. Không có quy định nào về việc ai là người được nhận lì xì. Dù vậy, thường người ta dành tặng lì xì cho trẻ nhỏ, người già, người trẻ tuổi chưa lập gia đình.
Khi một người đã bắt đầu tự làm ra tiền, người đó cũng bắt đầu thôi nhận lì xì. Những bữa ăn trong dịp Tết của người Á Đông được thực hiện cầu kỳ hơn hẳn bình thường với nhiều món ăn hàm nghĩa về sự may mắn, được thực hiện theo quan niệm văn hóa từng vùng miền.
Khay mứt Tết cũng là một nét đặc trưng của Tết Á Đông. Khay mứt bày trên bàn mời khách tới chơi nhà với hương vị ngọt ngào tượng trưng cho những điều ngọt ngào, may mắn trong năm mới, cũng là tấm lòng của gia chủ hiếu khách.
Tết Songkran của người Thái Lan bắt đầu vào ngày 13/4/2020 và kết thúc vào ngày 15/4. Các món ăn trong dịp Tết Songkran ở mỗi vùng miền khác nhau tại Thái Lan lại có những điểm khác biệt, nhưng món thường thấy nhất là “khao chae”, gạo được nấu bằng nước ngâm các loại hoa thơm, bên cạnh đó là nhiều món ăn phụ khác đi kèm như “krayasat”, “pad thai”, “khanom tom”, “kanom krok”...
Tết Songkran đặc trưng với màn té nước diễn ra từ trong nhà cho tới ngoài phố. Những súng phun nước thường được đem ra sử dụng, khách du lịch cũng rất hứng thú tham gia vào lễ hội này. Té nước ở đây hàm nghĩa rửa trôi đi những điều không may mắn của năm cũ để bước vào năm mới.
Vào dịp này, những người trẻ tuổi thường tới thăm những người lớn tuổi trong đại gia đình để thực hiện nghi lễ dâng nước rửa tay và chân cho người cao tuổi, như một biểu hiện của sự tôn kính. Người Thái cũng thường tới thăm đền chùa vào dịp này và dâng biếu vật phẩm tới các nhà sư.
Ở tại các sân chùa, các gia đình thường tham gia vào một hoạt động truyền thống, đó là xây chùa bằng cát. Những ngôi chùa bằng cát được trang trí với cờ, hoa, hương...
Năm mới Muharram của người theo đạo Hồi bắt đầu vào ngày 21/8/2020 và kết thúc vào tối ngày 18/9. Muharram đánh dấu tháng đầu tiên trong lịch của người Hồi giáo và là một trong những thời điểm thiêng liêng nhất trong văn hóa Hồi giáo.
Tục lệ ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng đa phần mọi người sẽ trải qua dịp lễ này với việc tham gia vào các khóa lễ trong đền thờ và dành thời gian bên gia đình. Điều được nhấn mạnh trong dịp lễ này chính là sự tự nhìn nhận lại bản thân mình, hồi tưởng, tri ân, biết ơn...
Ở một số nơi, người ta còn tiến hành nhịn ăn và chỉ dùng nước với những loại thức ăn đơn giản như các loại hạt, chà là và sữa chua.
Năm mới của người Do Thái - Rosh Hashanah - bắt đầu vào tối ngày 18/9/2020. Dịp lễ này diễn ra theo lịch của người Do Thái, là ngày đầu tiên và ngày thứ hai trong tháng Tishrei. Những loại thức ăn đặc trưng mang tính biểu tượng ăn trong dịp này biểu đạt những điều nguyện cầu cho năm mới.
Chẳng hạn, quả lựu tượng trưng cho một năm với nhiều điều may mắn, tốt lành. “Rosh Hashanah” có nghĩa là “đầu năm”, vào dịp này, người Do Thái cũng thường ăn đầu cá hoặc phần thịt cá gần với đầu với hy vọng luôn đi đầu, dẫn đầu, tiên phong.
Những thức ăn đặc trưng khác của người Do Thái trong dịp lễ này có chà là, cà rốt, táo chấm mật ong. Trong đó, táo chấm mật ong để cầu mong một năm mới ngọt ngào là món truyền thống thường thấy nhất của dịp lễ Rosh Hashanah.
Những lời nguyện cầu cho năm mới được viết theo dạng thức như những bài thơ sẽ được đọc lên. Một thứ nhạc cụ có tên “shofar” sẽ được đem ra sử dụng với hàm ý đánh thức những sự phát triển trong năm mới. Như một sự đối lập với những bài thơ nguyện cầu, âm thanh tạo ra từ “shofar” biểu trưng cho tâm trạng bồi hồi lúc tiễn năm cũ và đón năm mới.
Diwali - năm mới của người theo đạo Hindu - diễn ra vào ngày 14/11/2020. Đây là một dịp lễ lớn tại Ấn Độ, tính theo lịch của người Hindu giáo và thường rơi vào khoảng từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 11. Lễ bắt đầu vào đêm “amāsvasya”, khi mặt trăng không xuất hiện trên bầu trời. Tùy từng vùng tại Ấn Độ mà người ta có những phong tục khác nhau.
Người ta gọi Diwali là “lễ hội ánh sáng” bởi từ thời xưa, người ta đã thường thắp sáng thật nhiều đèn dầu “diya” để trong nhà sáng bừng lên với hàm ý không cho bóng tối vào nhà. Giờ đây, người ta còn thắp những đèn điện để làm sáng bừng cả một khu dân cư.
Vào dịp lễ này, người ta lau dọn nhà cửa kỹ càng để chào đón những điều mới mẻ, may mắn. Trang trí nhà cửa, mặc quần áo mới cũng là những điều rất được chú ý trong dịp lễ này. Người ta cũng thường thực hiện những trang trí tinh tế có tên “rangoli” đặt ở lối ra vào, được làm từ cát màu và bột gạo nhào nhuyễn.
Đây cũng là thời điểm để hàng xóm sang chơi nhà nhau, họ hàng tới thăm hỏi nhau, cùng cầu chúc những điều tốt lành và mời nhau ăn đồ ngọt trong lúc tiếp khách. Vào buổi tối diễn ra lễ Diwali, người ta sẽ mở cửa trong vài tiếng để cầu nguyện những điều may mắn vào nhà.
Trước khi cầu khấn, người ta sẽ bày biện một bàn nhỏ với hoa trái, bánh kẹo, dừa, mía, nước, bơ, gạo, tiền, đèn dầu... Sau khi cầu khấn xong, người ta sẽ đặt đèn diya chung quanh nhà, thắp sáng mọi ngóc ngách và cùng nhau ngồi xuống ăn uống.
Bữa ăn này tùy từng gia đình mà sẽ có những sự khác nhau, nhưng thường khởi đầu và kết thúc với các món bánh kẹo ngọt được làm tại nhà, như “laddus”, “barfi”, “halwa”, “chakis”, “jalebi”, và “gulab jamun”.
Sau những hoạt động vui vẻ, người ta sẽ đi ngủ với hy vọng hỷ thần sẽ đặt chân vào nhà và ban phước cho các thành viên trong gia đình.
Bích Ngọc
Theo Insider