10 năm thực hiện huyện điểm Văn hoá miền núi giai đoạn 2001-2011:

Bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

(Dân trí) - Ngày 25/112011, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi giai đoạn 2001-2011. Hội nghị đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và những kinh nghiệm trong 10 năm qua.

Về dự Lễ tổng kết có ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục Thông tin cơ sở thay mặt Bộ VHTT&DL cùng hơn 300 đại biểu đến từ Bộ VHTT&DL, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền 6 huyện thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi trên toàn quốc...

Năm 2001 huyện Quỳ Hợp là một trong 7 huyện trên địa bàn toàn quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) và UBND tỉnh Nghệ An chọn chỉ đạo xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi và dân tộc thiểu số, giai đoạn 2001 -2011.

Bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống  - 1
Ông Vương Duy Bảo trao cờ của Bộ VHTT&DL cho huyện Quỳ Hợp.

10 năm thực hiện Đề án, đến nay toàn huyện đã có 197/227 làng bản, khối , xóm được công nhận “Đơn vị văn hoá” các cấp (71,1% kế hoạch với 22.212 gia đình văn hoá (80,1 %) 51 trường học các cấp, 31 cơ quan đơn vị, 8 trạm y tế trên địa bàn được công nhận “Đơn vị văn hoá”; 8 xã, thị trấn có thiết chế văn hoá thông tin thể thao đạt chuẩn Quốc gia. Đến năm 2011, có 3 xã đạt chuẩn văn hoá đó là xã Đồng Hợp, xã Tam Hợp và xã Nghĩa Xuân.

Các phong trào như: toàn dân đoàn kết phát huy dân chủ, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; phong trào chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chăm lo sức khỏe cho nhân dân... đã đưa lại hiệu quả tích cực trong cộng đồng. Qua khảo sát tính đến hết năm 2010, toàn huyện Quỳ Hợp có 6 xã, thị trấn được công nhận không có người nghiện ma tuý.
 
Năm 2010, tổng kết 20 năm xây dựng Làng văn hoá, toàn huyện đã có 9 làng, bản, khối, xóm tiêu biểu xuất sắc giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hoá “ từ 10 năm trở lên. Trong đó, có 5 làng được tỉnh Nghệ An khen thưởng và công nhận, 1 làng được Trung ương khen thưởng.
 
Đáng chú ý, từ năm 2006 đến nay thể theo nguyện vọng của đồng bào trên cơ sở những giá trị văn hoá truyền thống, cùng với "Ngày hội văn hoá 19/4" hàng năm - Ngày thành lập huyện - đã xây dựng và đưa vào tổ chức Lễ hội Mường Ham thuộc xã Châu Cường. Đây là một lễ hội có sức thu hút đông đảo khách tham quan đến từ trong và ngoài tỉnh mỗi dịp ra Giêng ngay tại vùng đất Mường Ham - vùng Khủn Tinh cũ.
 
Đến nay đã có 227/227 làng bản, khối xóm có hương ước được phê chuẩn, 95 % số hộ được xem truyền hình, 100 % xã được sử dụng điện lưới quốc gia; 21/21 xã thị trấn được phủ sóng di động; 82 % hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Ngoài ra các phong trào như: Ông, Bà, Cha, Mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, người lớn gương mẫu, trẻ em ngoan ngoãn, già làng trưởng bản uy tín đã trở thành phong trào rộng khắp...
 
Tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015, đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Hợp tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”. Tích cực quan tâm và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc Xây dựng và đưa vào hoạt động các công trình vắn hoá lịch sử gắn liền với du lịch, thu hút khách tham quan như Thác bản Bìa, bia dẫn tích Bãi Tập - Lê Lợi, Thác bản Tạt, hang Pựn Pang - Nang Ni.

Nhân dịp này, nhân dân và cán bộ huyện Quỳ Hợp được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Sỹ Tùng - Bí thư huyện ủy Quỳ Hợp và ông Cao Thanh Long - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp; 11 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen UBND tỉnh Nghệ An và 41 tập thể, cá nhân được huyện Quỳ Hợp khen thưởng.

 
Nguyễn Duy