Bảo tàng “bất lực” khi phải trả 17 bức tranh giả
(Dân trí) - Tất cả những bức tranh trong triển lãm Mỹ thuật Đông Dương “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” đã được nhà sưu tập Vũ Xuân Chung mang khỏi Bảo tàng Mỹ thuật sau khi kết thúc thời gian triển lãm.
Sáng nay (22/7), 17 bức tranh được Hội đồng thẩm định chuyên môn khẳng định là giả và yêu cầu các cơ quan quản lý vào cuộc. Bảo tàng cũng đưa ra văn bản đề nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Thế nhưng, hôm nay tất cả 17 bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” đã được nhà sưu tập mang về sau khi kết thúc thời gian 10 ngày triển lãm.
PV Dân trí đã có trao đổi ngắn với ông ông Trịnh Xuân Yên, phó giám đốc bảo tàng TPHCM về sự việc sáng nay.
Vì sao phía bảo tàng không giữ lại những bức tranh được cho là giả?
Chức năng bảo tàng không giữ lại được. Về mặt tham mưu, bảo tàng đã tham mưu ý kiến cho tất cả các cơ quan chức năng. Nhưng không nhận được văn bản tạm giữ, về phía bảo tàng chúng tôi đã hết chức năng sau khi kết thúc hợp đồng triển lãm tranh.
Công an quản lý thị trường không đến xử lý?
Công an đến đây cũng thua, không có cơ sở khởi tố vụ án nên không thể giữ tranh trong khi sở hữu thuộc về họ. Nếu giữ thì cũng phải chiếu theo quy định nào, pháp luật nào mới giữ được, nhưng đến giờ chưa có thông tin nào chính thức là giữ hay như thế nào, bảo tàng chưa nhận được văn bản đó.
Ông có thể cho biết ý kiến phía Sở VHTT?
Bảo tàng thuộc sở văn hóa nên chịu sự chỉ đạo của sở. Về phía sở VHTT cũng tuân thủ theo quy định pháp luật. Còn bảo tàng cũng chỉ làm theo quy định của hợp đồng với nhà sưu tập thôi.
Giấy xuất tranh ra khỏi bảo tàng do phía bảo tàng ký?
Đây là thủ tục khi làm việc, có biên bản ghi nhớ và chứng nhận bàn giao. Đã nhận đến hết ngày triển lãm, bây giờ không có ý kiến nào giữ như quy định của pháp luật thì bảo tàng giao theo hợp đồng bảo tàng đã làm việc với họ. Bên họ nhận, bảo tàng giao, ký giấy xác nhận bảo tàng đã giao đủ cho họ.
Thực sự là chưa đủ chứng cứ về mặt pháp lý, cơ sở theo quy định nên không thể giữ lại.
Ông nghĩ “cuộc chiến” với tranh giả phải kết thúc tại đây?
Cuộc chiến đấu sẽ còn tiếp diễn, nhưng tiếp diễn ở giải pháp khác.
Ông Lê Huy Tiếp, chủ tịch hội đồng nghệ thuật Đồ họa, Hội mỹ thuật Việt Nam, thành viên tham gia trong hội đồng thẩm định tranh cho biết, ông không quá ngạc nhiên khi sự việc này xảy ra, ông nói: "Tôi nghĩ rằng tất cả đều lỏng lẽo, trong chuyện này cần có tiếng nói thống nhất, pháp luật rõ ràng hơn giữa văn hóa và công an kinh tế.
Mục đích của người làm tranh giả mà mang triển lãm là giúp nâng cao giá trị về mặt truyền thông. Nhưng tôi cũng nghĩ, những bức tranh này đã được hội đồng thẩm định, đánh vào các nhà sưu tập thì họ cũng sẽ hiểu được giá trị tranh.
Với tư cách là họa sĩ, chúng tôi là người sáng tác, trông thấy tranh giả trước mắt đã hủy hoại uy tín tên tác giả, nền mỹ thuật Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nguy hiểm cho người làm công tác mỹ thuật. Sau sự việc này, uy tín tranh càng xuống. Người ta sẽ không còn tin tưởng tranh Việt Nam, sự uy tín, độ tin cậy càng giảm".
Bài & ảnh: Băng Châu