Bạo lực và tình dục trong những tác phẩm điêu khắc thời La Mã
(Dân trí) - Khi chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc thời La Mã cổ đại, người ta luôn tìm thấy trong đó yếu tố khiêu dâm, bạo lực. Nhưng, những yếu tố này lại khiến người La Mã thấy mình mạnh mẽ hơn.
Người La Mã cổ đại dường như rất yêu thích những tác phẩm nghệ thuật gây ám ảnh thị giác mạnh - những tác phẩm chứa đầy những yếu tố bạo lực và tình dục. Nếu người hiện đại chúng ta nhìn vào những tác phẩm đó và thấy “đỏ mặt”, “nhức mắt” vì những chuyện thầm kín và những hành động bạo lực, người La Mã nhìn vào và thấy những điều rất khác.
Thế kỷ 18 được coi là điểm sáng chọi lọi của ngành khảo cổ khi người ta tìm thấy những thị trấn cổ xưa từ thời La Mã như Pompeii hay Herculaneum. Tại những địa điểm khảo cổ này, người ta đã tìm được vô số tác phẩm nghệ thuật, trong đó có những bức điêu khắc quý giá.
Lần đầu khi các nhà khoa học được tiếp cận với nghệ thuật điêu khắc La Mã, họ vô cùng sửng sốt bởi đề tài mà những bức tượng đề cập đến lại là những yếu tố “cấm kỵ” trong nghệ thuật hiện đại.
Những nền văn hóa khác nhau sẽ nhìn nhận về cùng một sự việc theo những cách khác nhau. Những gì mà chúng ta cho là khiêu dâm, gây sốc, bạo lực… thì trong thế giới La Mã, chúng là những chuyện rất bình thường.
Giờ đây, bức tượng về thần Pan và con dê cái đã được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng tại Viện bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Naples, Ý. Bức tượng được trưng bày ở một khu kín đáo cùng với những tác phẩm “khiêu dâm” khác của thời kỳ La Mã.
Trước khi bước vào khu vực tham quan này, khách du lịch sẽ nhìn thấy tấm biển cảnh báo: “Triển lãm có chứa những yếu tố tình dục”.
Ngày nay, những gia đình giàu có thường trang trí vườn nhà bằng những bức tượng chú lùn, người cá… nhưng xa xưa, người La Mã chọn những bức sexy, gai góc thậm chí “đẫm máu” để trang trí trong vườn.
Tại Viện bảo tàng Anh, có hai bộ tượng bằng đá cẩm thạch đang được trưng bày, xưa kia chúng từng được đặt trong vườn của những gia đình vương giả thời La Mã cổ đại.
Trước tiên phải nhắc tới bức “Hanging Marsyas” (Marsyas bị treo) khắc họa thần rừng Marsyas không một mảnh vải che thân, bị treo lên ngọn cây và sắp bị trừng phạt dã man vì dám thách đấu thần Apollo xem ai chơi đàn lia hay hơn, cuối cùng, thần Apollo đã thắng và Marsyas mất mạng.
Một tác phẩm khác cũng lấy cảm hứng từ truyện thần thoại là bức “Laocoon and Sons” (Laocoon và hai con trai) trong đó ba nhân vật chính bị những con rắn biển của thần Poseidon siết chặt cho đến chết vì Laocoon có ý định lật ngược thế cờ trong trận chiến thành Trojan.
Nét mặt của những nhân vật chính đau đớn, khổ sở. Khi các nhà khảo cổ phát hiện ra bức tượng này, nó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm tiếp theo, như nhà điêu khắc Michelangelo hay nhà văn Dickens. Các nghệ sĩ đều bị ấn tượng mạnh bởi nét mặt hoảng hốt, khiếp sợ của ba nhân vật - Laocoon và hai con trai.
Sẽ rất khó để có thể hiểu toàn vẹn ý nghĩa đằng sau những tác phẩm này, đối với chúng ta đây có thể là những tác phẩm khiêu dâm, bạo lực, nhưng khi nhìn vào những bức tượng này, có lẽ người La Mã đã nhìn thấy sự hài hước hoặc sức mạnh. Hiểu được quá khứ vẫn luôn là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức.