Báo Anh viết về đề tài đồng tính trên phim Việt Nam

(Dân trí) - “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Để mai tính 2”, “Đập cánh giữa không trung” đã gây sốt trong thời gian gần đây. Cả 3 bộ phim này đều có đề cập tới những người đồng tính, chuyển giới. Điều này đã thu hút sự quan tâm của báo chí nước ngoài.

Mới đây, trang Văn hóa của tờ Guardian (Anh) đã đăng tải bài viết của tác giả Kim Megson với tiêu đề “Ra mắt Để mai tính 2, Việt Nam đã cởi mở với phim về người đồng tính?”. Trong bài viết, tác giả đã đưa lại một góc nhìn chi tiết, cụ thể cho độc giả Anh về những bộ phim mới nhất của Việt Nam có đề cập đến người đồng tính và chuyển giới.

Nhân vật Hội trong “Để mai tính 2”

Nhân vật Hội trong “Để mai tính 2”

Bộ phim “Để mai tính 2” - một bộ phim hài lãng mạn chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ so với những phim làm về người đồng tính, chuyển giới trước đây của điện ảnh Việt - đã làm nên lịch sử khi xác lập kỷ lục ngoài phòng vé.

Theo số liệu thống kê của cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế đặt tại Việt Nam - CGV, “Để mai tính 2” đã trở thành phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt, vượt xa nhiều phim bom tấn ngoại nhập từng gây sốt với khán giả trước đây. Phim đã bán được gần 1,5 triệu vé, thu về gần 100 tỉ đồng.

Tuy vậy, theo tờ Guardian (Anh), bộ phim đã gây ra một số phản ứng trong dư luận trước cách khắc họa nhân vật chính của phim - Phạm Hương Hội, hay còn gọi là “chị Hội” - một nhân vật chuyển giới có tính cách vui nhộn, hài hước.

Nhiều người cho rằng bộ phim là minh chứng rõ ràng của việc người Việt Nam đang ngày càng cởi mở hơn trước câu chuyện về người đồng tính và chuyển giới. Tuy vậy, cũng có những người cho rằng sự nở rộ của những phim hài theo kiểu “Để mai tính” không đồng nghĩa với cách nhìn nhận văn minh, tiến bộ hơn dành cho cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới.

Bộ phim với sự tham gia của nam chính Thái Hòa, anh vào vai một doanh nhân chuyển giới với ước mơ xây dựng một đế chế kinh doanh, một trung tâm thương mại khổng lồ, nhưng kế hoạch này có nguy cơ bị phá sản khi Hội phải lòng một người đàn ông và quyết giành được trái tim anh ta. Sau đó, những tình huống hài hước của phim bắt đầu.


Không nghi ngờ gì, bộ phim đã thu hút rất đông khán giả đến rạp, tuy vậy, theo tìm hiểu của tờ Guardian, “Để mai tính 2” đã khiến một số cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) phản ứng lại bởi cách khắc họa hình ảnh Hội khiến họ cảm thấy quá phản cảm, mang nặng tính châm biếm.

Nhân vật Hội bị cho là ăn vận lòe loẹt, thể hiện dục vọng quá lộ liễu, bên cạnh đó là sự uốn éo, mong manh, yếu đuối thái quá, khiến ranh giới giữa câu chuyện về giới tính những hành động đầy bản năng bị xóa nhòa.

Tờ Guardian còn nhắc tới một cộng đồng trên mạng xã hội Facebook có tên “Tôi đồng ý” - một cộng đồng ủng hộ nhóm LGBT với sự tham gia của 83.000 tài khoản Facebook, “Tôi đồng ý” đã từng thể hiện sự phản đối trước cách khắc họa nhân vật Hội trong “Để mai tính 2”. Câu chuyện này cũng đã từng được nhiều tờ báo Việt Nam đề cập trong thời gian qua.

Những tranh cãi bắt nguồn từ việc nhiều nhà làm phim dễ dàng khắc họa hình ảnh những người đồng tính, chuyển giới với cách tạo hình, xây dựng tính cách không đứng đắn, thậm chí quá dễ dãi, phản cảm trên màn ảnh.

Guardian đã dẫn lời của anh Lương Thế Huy, một cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, rằng điều nguy hiểm thực sự không nằm ở một nhân vật Hội, mà chính là việc các nhà làm phim liên tục sử dụng các nhân vật đồng tính, chuyển giới như Hội để tạo nên tính hài, điều này sẽ gây nên cách nhìn nhạo báng, tiêu cực đối với cộng đồng LGBT.

Đạo diễn Charlie Nguyễn của phim “Để mai tính 2” thì cho rằng nhân vật Hội chỉ nên được nhìn nhận như một nhân vật cụ thể, không nên coi là đại diện cho cả một cộng đồng, và thực tế cách xây dựng nhân vật Hội “đã bớt đi rất nhiều sự sáo mòn, cường điệu” so với cách khắc họa những nhân vật chuyển giới trước đây trong phim Việt.

“Khi viết kịch bản, chúng tôi đã cân nhắc nhân vật Hội một cách rất nghiêm túc, đã tham khảo từ những người bạn trong giới LGBT để đảm bảo nhân vật sẽ không xúc phạm tới bất cứ đối tượng người xem nào, nhưng nhiều người lại nhầm lẫn những tình huống hài hước là sự định kiến áp đặt lên nhân vật. Chúng tôi không xin lỗi bởi mục đích của chúng tôi là tốt đẹp” - đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ thẳng thắn.

Với dòng phim độc lập đang rất phát triển của điện ảnh Việt, nhiều nhà làm phim trong những năm gần đây đã thực hiện được những tác phẩm điện ảnh độc đáo, giàu tính thử nghiệm, thách thức những quan niệm truyền thống, khắc họa cuộc sống của những người đồng tính, chuyển giới với nhiều sự chân thực, “rất đời”, “rất người”.


Guardian đã nhắc tới những phim như “Hot boy nổi loạn” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hay “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Một bộ phim nữa không thể bỏ qua, đó là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - một phim tài liệu kinh phí thấp ghi lại cuộc sống của những người chuyển giới trong một gánh hát rong. Phim đã gây ra cơn sốt đối với những người yêu điện ảnh Việt dù không ra rạp rình rang.

“Đập cánh giữa không trung” có đề cập tới nhân vật chuyển giới

“Đập cánh giữa không trung” có đề cập tới nhân vật chuyển giới

Guardian kết luận rằng việc những bộ phim xoay quanh cộng đồng LGBT ở Việt Nam gia tăng về số lượng và được đông đảo người xem đón nhận là một thắng lợi quan trọng đối với cộng đồng LGBT ở đây.

Một điều chắc chắn là với chiến thắng kỷ lục ngoài phòng vé, Phạm Hương Hội sẽ còn tái xuất với “Để mai tính 3”, sẽ còn nhiều điều để chờ đợi về cách khắc họa người đồng tính, chuyển giới trên màn ảnh Việt - Guardian khẳng định.

Bích Ngọc
Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm