Báo Anh "sửng sốt" trước nghề kinh doanh thịt chó ở Việt Nam
(Dân trí) - Mới đây, tờ Guardian của Anh đã đăng tải một bài viết với nhiều thông tin xoay quanh món thịt chó của người dân Việt Nam.
Mỗi năm có khoảng 5 triệu chú chó được các nhà hàng từ bình dân cho tới cao cấp ở Việt Nam tiêu thụ, chúng được sử dụng làm nguyên liệu cho các món “cầy tơ”.
Nhu cầu về thịt chó ở Việt Nam quá cao khiến nghề cung cấp thịt chó giờ trở thành một ngành nghề phát đạt, sinh lời lớn, không chỉ thu hút một bộ phận người dân trong nước tham gia kinh doanh mà thậm chí còn thu hút cả nguồn cung từ nước ngoài.
Chiếc xe tải chở khoảng 130 chú chó. Điểm dừng chân của chúng sẽ là ở những lò giết mổ.
Đối với văn hóa phương Tây, chó được coi là người bạn thân thiết và trung thành của con người. Trong gia đình, chó được coi như một thành viên, được cả nhà yêu mến, chăm sóc. Vì vậy, trước món thịt chó mà người Việt Nam vốn rất ưa chuộng, phóng viên Anh - Kate Hodal của tờ Guardian cảm thấy rất sững sờ và sửng sốt.
Kate đã tới thăm một lò mổ chuyên thu mua và làm thịt chó, cô không bình luận gì, chỉ đơn giản miêu cảnh tượng những chú chó bị nhồi nhét chen chúc trong những chiếc lồng chật hẹp, chờ đợi được cho ra khỏi lồng chỉ để bước vào lò sát sinh.
Hành động khiến Kate Hodal sợ nhất chính là phút giây người ta dùng một cây gỗ to đánh vào đầu chú chó đã được chỉ định “lên thớt”.
Hành trình của Kate Hodal từ một lò giết mổ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tiếp tục đến một địa điểm khá nổi tiếng với dân sành ăn thịt chó chốn Hà Thành. Đó là một khu tập trung những quán lớn chuyên bán các món thịt chó cũng nằm trong quận này. Cô phóng viên người Anh ngạc nhiên trước sự đa dạng của các món thịt chó được phục vụ ở nơi đây.
Ngồi trong quán, cô làm quen với một thanh niên trẻ 29 tuổi, anh là bác sĩ, người thanh niên chia sẻ với Kate rằng: “Tôi biết đối với cô những chuyện này thật kỳ lạ, người Việt Nam cũng thích nuôi chó và rất nhiều người có chó cưng ở nhà nhưng họ vẫn đến đây để ăn thịt chó. Mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều khi hiểu rằng mình đang ăn thịt một con chó xa lạ nào đó. Nói chung thịt chó là một món đặc sản truyền thống của chúng tôi, không dễ gì mà xóa bỏ được đâu”.
Chẳng ai biết chính xác người Việt Nam bắt đầu ăn thịt chó từ bao giờ, chỉ biết nó đã trở thành một món ăn truyền thống lâu đời, rất được yêu thích ở đất nước này.
Theo thông tin mà Kate có được, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ tới 5 triệu chú chó để phục vụ cho ngành ẩm thực “cầy tơ 7 món”. Thịt chó đặc biệt là món ưa thích của đàn ông lúc ăn nhậu hoặc những bữa họp mặt lai rai trong gia đình. Thịt chó được cho là có chất lượng dinh dưỡng vượt xa các loại thịt khác.
Ngành nghề buôn bán thịt chó khan hàng tới mức ở Việt Nam có những người đàn ông chuyên đi bắt trộm chó. Nếu bị người dân bắt được, anh ta chắc chắn sẽ bị một trận đòn nhừ tử. Nguồn cung cấp trong nước là không đủ, Việt Nam phải tìm tới những nguồn cung cấp từ nước ngoài.
Mỗi năm có khoảng 300.000 chú chó bị ken chặt trong những chiếc lồng sắt vận chuyển từ Thái Lan, đi qua lưu vực sông Mekong, sang Lào và sau đó được đưa vào Việt Nam.
Một cửa hàng bán thịt chó ở Hà Nội.
Những quán bán thịt chó ở Hà Nội thường mọc lên cạnh nhau và tạo thành những phố thịt chó, ví dụ như Cầu Giấy, Tam Trinh… Ở những phố này, có hàng tá quán bán thịt chó mọc lên san sát bên đường.
Cuối cùng, như một cách lý giải cho sở thích ẩm thực đặc biệt của người Việt Nam, Kate Hodal cho rằng thói quen này cũng giống như người Tây Ban Nha thích đấu bò tót hay người Canada thường giết hải cẩu con để lấy lông.
Bên cạnh Việt Nam, cũng còn có nhiều nước Châu Á khác thích ăn thịt chó, như Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Và nếu người phương Tây nói rằng chó là bạn của con người, thực tế lợn còn có khả năng trí não phát triển gần bằng các loài linh trưởng, thậm chí lợn còn thông minh hơn chó ở một số phương diện, tuy vậy, người dân trên khắp thế giới chẳng phải vẫn ngày ngày ăn thịt lợn mà chẳng hề cảm thấy áy náy đó sao?
Suy cho cùng, đây là câu chuyện thuộc về quan niệm, văn hóa và tập tục, mỗi dân tộc lại có một cách ứng xử rất khác nhau. Sẽ chẳng thể thay đổi bằng lý thuyết suông những điều vốn đã thuộc về thói quen truyền thống.