Bánh mì Sài Gòn

(Dân trí) - Nhà báo Robyn Eckhardt trong bài Finding Saigon’s best banh mi (Đi tìm bánh mì ngon nhất Sài Gòn) đăng trên trang mạng EatingAsia khẳng định, món ăn đặc trưng Sài Gòn đó chính là bánh mì!

The Guardian, một chuyên trang du lịch đã viết: “Một điều bí mật mà không mấy người biết là món sandwich ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở thành phố Rome, Copenhagen hay New York mà ở Việt Nam”.

Và khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trên khắp đất nước này bạn có thể nghe tiếng rao bán bánh mì, món ăn phổ biến tựa như cơm gạo của người Việt. Tiếng rao ấy nổi tiếng đến mức một đứa trẻ đang ngọng nghịu tập nói cũng có thế nói theo được: “Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ…”.

Bánh mì Sài Gòn

Chiếc bánh ấy bất kì ai cũng dùng và dùng bất cứ đâu. Từ nhà hàng sang trọng, văn phòng, trong quán café, trên xe đò và ngay cả ở vỉa hè hoặc lúc nào đó đói bụng và không kể thời điểm sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí ở điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi trong việc ăn uống thì vẫn có thể… gặm bánh mì lót dạ. Chiếc bánh mang thương hiệu toàn thế giới ấy có giá trung bình trên dưới 15.000 đồng (đã được kẹp các loại rau, thịt).

Bánh mì Sài Gòn

Bánh mì kẹp thịt ở Việt Nam có nguồn gốc từ Pháp (gần giống với bánh mì que kiểu Pháp) được những người gốc Bắc di cư vào miền Nam mang theo sau năm 1954. Nhưng các thành phần tạo nên chiếc bánh mì lại là sự kết nối, giao lưu văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia. Ví như chiếc bánh mì Việt Nam giống bánh mì Pháp, nhân bánh gồm xá xíu, thịt heo quay có nguồn gốc từ các món Hoa, pa tê, pho mát lại là món ăn quen thuộc ở các nước phương Tây.

Bánh mì Sài Gòn

Nhưng xung quanh chiếc bánh mì bé bỏng và kì diệu ấy còn có một câu chuyện tình lãng mạn giữa đại úy người Pháp có tên là Frank và một người con gái Việt có tên là Cô Ba để rồi ở Sài Gòn xuất hiện thương hiệu bánh mì lừng danh mang tên người con gái xinh đẹp ấy. Tiếng tăm bánh mì Cô Ba vượt năm châu bốn bể, để lại trong lòng thực khách quốc tế một ấn tượng không phai.

Thường thì bánh mì sau khi được hơ qua than hồng cho vỏ ngoài giòn sẽ được kẹp với chả lụa, chả lạnh, chả chiên, một ít ruốc thịt heo, dưa leo xắt dài và mỏng. Nhưng có những cách ăn phổ biến khác là ăn bánh mì không, bánh mì chấm đường, bánh mì chấm sữa, bánh mì chấm xì dầu, bánh mì ăn với trứng ốp la… Dễ thương ở chỗ là cách ăn nào cũng hợp với bánh mì. Những người đi xa, lúc về nhà cũng hay mua bánh mì cho trẻ nhỏ (mà cũng không riêng gì trẻ nhỏ, quà ấy được chia đều cho mọi người ăn lấy thảo).

Andrea Nguyen, một chuyên gia về bánh mì, tác giả cuốn sách

Andrea Nguyen, một chuyên gia về bánh mì, tác giả cuốn sách Cẩm nang về bánh mì (The banh mi handbook) cùng với nữ tác giả Robyn Eckhardt đã có một chuyến du hành khảo sát tại Sài Gòn để tìm những nơi bán bánh mì thịt ngon nhất.

Trong cuốn sách của mình, Andrea Nguyen có liệt kê những tiệm bánh mì như: Xe bánh mì của chị Hoàng Thanh Mai ở trong một con hẻm trên đường Trương Định (giữa hai đường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Đình Chiểu), tiệm bánh mì Hòa Mã trên đường Cao Thắng của bà Lê Thị Hạnh, tiệm bánh mì Số 1 trên đường Nguyễn Thượng Hiền của ông Trần Linh Sơn…

Andrea Nguyen, một chuyên gia về bánh mì, tác giả cuốn sách

Lẽ dĩ nhiên đó là cảm nhận riêng của Andrea Nguyen, nó mang tính chủ quan nhưng không phải là không có lý. Trong đó giới “nghiền bánh mì thịt Sài Gòn” khẳng định rằng bánh mì Hòa Mã chính là tiệm đầu tiên bán bánh mì thịt kiểu Sài Gòn, ra đời vào năm 1958 tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3). Hai năm sau tiệm dời về 51 Cao Thắng và ổn định buôn bán cho đến nay. Bà Lê Thị Hạnh là truyền nhân đời thứ 3 của bánh mì Hòa Mã.

Trước khi bánh mì Hòa Mã ra đời thì Sài Gòn chỉ có bánh mì baguette kiểu Pháp, ổ dài nhỏ, đặc ruột, ăn với thịt nguội, pa-tê nhưng không kẹp vào ruột bánh.

Andrea Nguyen, một chuyên gia về bánh mì, tác giả cuốn sách

Nhưng đại diện duy nhất của ẩm thực Việt được trang mạng Concierge.com (Tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler) vinh danh là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới vào năm 2008 lại là xe bánh mì trước con hẻm 37 Nguyễn Trãi (quận 1). Xe bánh mì thịt nướng này chỉ bán vỏn vẹn trong vài tiếng đồng hồ, từ 5h chiều đến tầm 7h30 tối là hết, xe bánh luôn đông khách, bất kể giờ nào, có khi phải xếp hàng đợi nửa tiếng mới mua được ổ bánh mì.

Andrea Nguyen, một chuyên gia về bánh mì, tác giả cuốn sách

Bánh mì Sài Gòn không chỉ thế, những cái tên như Bảy Hổ, Nguyên Sinh, Hòa Mã, Như Lan, Hà Nội, Lệ, Bánh mì hẻm Huỳnh Văn Bánh (hẻm 489 Huỳnh Văn Bánh Phú Nhuận), Bảy Hiền (6 Lý Thường Kiệt, Tân Bình), Bánh mì xíu mại khô (358 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3)… mà số tuổi đã bằng một đời người cùng với vô số những xe bánh mì dọc ngang khắp các đường phố đã làm nên một “thành phố bánh mì” vô cùng sinh động và hấp dẫn.

V.H

* Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014.