Bâng khuâng về chốn danh sơn
(Dân trí) - Đã đôi lần về thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhưng lần nào tôi cũng có cảm giác bâng khuâng đến thẫn thờ trước thế giới thâm nghiêm, u tịch, nhưng vẫn sáng ngời ánh hào quang truyền lại từ các bậc tiền nhân - những anh linh nhân kiệt của đất nước…
Lặng ngắm một mảnh giang sơn
Xưa, sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình, kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân, nghìn tướng chầu về… ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời…
Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề; Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn – Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng thuộc địa phận 2 xã Cộng Hoà và Văn An và núi Rùa phía tây bắc tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh; ngũ nhạc; lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hoá đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Từ Chùa Côn Sơn lên Bàn Cờ Tiên có hàng trăm bậc đá từ nhiều thế kỷ trước, nay đã được khôi phục gồm trên 600 bậc.
Người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình tức là mang yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân. Ở nơi đây đường thuỷ, đường bộ rất thuận tiện, có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, “quyết chiến điểm” mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh. Sông Lục Đầu Giang là đoạn sông trước cửa đền Kiếp Bạc kéo xuống đến ngã ba sông thuộc địa phận Trần Xá phía dưới Phả Lại huyện Chí Linh được tạo nên bởi 6 đầu sông (Sông Đuống, Sông Cầu, Sông Thương, Sông Lục Nam, Sông Kinh Thầy, Sông Thái Bình) hợp lại.
Không khí ở Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng mát lành, bởi nơi đây có tấm thảm thực vật lý tưởng. Đến Côn Sơn - Kiếp Bạc là dịp hướng lòng về sự thanh trong, ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc và tìm hiểu, học tập về công lao, sự nghiệp, nhân cách của các bậc danh nhân Trần Hưng Đạo - Nguyễn Trãi
Từ Chùa Côn Sơn lên Bàn Cờ Tiên có hàng trăm bậc đá từ nhiều thế kỷ trước, nay đã được khôi phục gồm trên 600 bậc.
Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các bậc anh hùng tiền nhân đã làm rạng rỡ non sông đất nước.
Ở chính vùng đất này, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo - Tổng chỉ huy quân đội kháng chiến quân Nguyên Mông và trở thành vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhà chiến lược quân sự thiên tài.
Rưng lệ trước bậc tiền nhân
Đến Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhiều người đã rưng rưng nước mắt trước anh linh của tiền nhân bởi sự cảm phục, thành kính về tài đức, sự xót xa trước mối oan khiên mà tiền nhân phải trải qua.
Đó là tâm tình Nguyễn Trãi, là khí phách Trần Hưng Đạo. Tinh thần của họ đã cổ vũ bước chân đi tới của thế hệ sau. Vùng đất ấy được ông chọn là nơi đóng đại bản doanh, thái ấp và sống những năm tháng thanh bình. Sau này, khi Trần Hưng Đạo mất, nhân dân xây dựng đền thờ Kiếp Bạc có quy mô to lớn, hoành tráng với những trạm khắc tinh xảo được coi là những sản phẩm kiến trúc nổi tiếng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và luôn gắn tên tuổi của người danh tiếng.
Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hoá hiếm có
Ông Trưởng ban quản lý di tích kể cho chúng tôi nhiều điển tích ở nơi đây, trong đó câu chuyện về đôi xương chân voi thật cảm động.
Truyền thuyết kể rằng, đôi xương đó là của con voi chiến được Dã Tượng, một gia tướng quản và huấn luyện, đã cùng Trần Hưng Đạo xông pha chiến trận, lập nhiều chiến công lớn và rất có nghĩa với chủ. Khi bị sa lầy ở sông Hoá, Trần Hưng Đạo tìm mọi cách cho voi lên nhưng không được. Vì việc quân gấp, Hưng Đạo Vương phải để voi lại và dùng ngựa đi tiếp. Người rút gươm chỉ xuống dòng sông “Trận này không thắng ta quyết không về qua sông này nữa”. Nói rồi ra đi. Con Voi nhìn theo chủ ứa nước mắt. Về sau nhân dân đã tạc con voi đá để thờ. Người đời sau đã tìm thấy đôi xương chân voi liền dâng về đền Kiếp Bạc.
Xưa nay, người đời tìm đến Côn Sơn như là cuộc tìm về với căn nhà vũ trụ, nơi hoà hợp tột cùng của âm dương, sơn thuỷ và trời đất. Để ở đó, con người được hưởng thụ khí trời trong mát, với hương rừng, gió núi và tiếng ca muôn thuở của suối chảy, thông reo; được đắm mình trong hồn thiêng sông núi, trong cổ tích ngàn năm còn rung động trái tim của muôn triệu con người.
Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hoá hiếm có. Ở đây, văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo và văn hoá Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hoá Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc.
Sự linh thiêng của Kiếp Bạc, Côn Sơn tồn tại vĩnh hằng cùng sông núi nước Nam. Côn Sơn – Kiếp Bạc mãi mãi là những chốn thờ tự thiêng liêng, nơi đặt niềm tin nhân thế.
Côn Sơn - Kiếp Bạc, một năm có hai kỳ hội xuân thu, song dường như quanh năm khách hành hương vẫn lui về thưởng ngoạn. Và cho dù có đông khách đến mấy thì khu di tích này vẫn giữ được độ tĩnh cùng vẻ cổ kính, thâm nghiêm khiến lòng người và cảnh vật cùng thuận hoà, thư thái. Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành mảnh đất tâm linh, nơi tìm về dâng tấm lòng tri ân thành kính và lời cầu mong được phù giúp chiến thắng mọi trở lực, đạt được mọi điều sở nguyện trong đời của biết bao thế hệ người Việt.
Bài, ảnh: Hà Anh