Bản sắc răng đen bị “xóa bỏ” trong phim lịch sử Việt

(Dân trí)- Thật phản cảm khi xem phim Tây Sơn hào kiệt, diễn viên Lý Hùng đóng vai vua Quang Trung đứng trước ba quân hiệu triệu trước giờ xung trận đã hô lời hịch: Đánh cho để dài tóc! Đánh cho để đen răng! Nhưng hàm răng của ngài lại trắng bóng.

Sau thời gian dài chờ đợi, phim lịch sử Việt đã lần lượt ra mắt. Thuở mày mò có Hoàng Lê Nhất thống với nhiều lỗi, nhiều sạn ở tất cả các khâu. Rồi đến Đêm Hội long trì đã khá hơn. Đặc biệt trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một loạt phim lịch sử đã trình làng với một diện mạo mới, hay hơn, chuyên nghiệp hơn thu hút được sự quan tâm của khán giả cả nước đó là các phim: Thái sư Trần Thủ Độ; Long thành cầm giả ca
 
Phim Thái sư Trần Thủ Độ được đánh giá là một trong những bộ phim lịch sử được đầu tư công phu
Phim "Thái sư Trần Thủ Độ" được đánh giá là một trong những bộ phim lịch sử được đầu tư công phu

Các nhà làm phim đã dày công tìm tòi phục dựng các cảnh quay, đạo cụ, trang phục, lời thoại… đưa người xem về với những quá khứ hào hùng trong lịch sử dân tộc, giúp thế hệ sau này hiểu và cảm phục trước công lao dựng nước và giữ nước của cha ông.

Tiêu biểu là những nhân vật lịch sử sống mãi trong tâm khảm và là niềm tự hào của người dân Việt như: Lý Công Uẩn; Trần Thủ Độ; Quang Trung, Nguyễn Du…  Bên cạnh đó là những phong tục tập quán đã có từ ngàn năm, làm nên bản sắc dân tộc Việt không bị đồng hóa với bất cứ dân tộc áp bức nào.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng phim lịch sử Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết. Trong đó, dễ nhận thấy là trang phục các triều đại, những công trình kiến trúc mang bản sắc Việt đâu đó vẫn bị pha lẫn.

Hơn nữa, một đặc điểm của người Việt mà hàng ngàn năm đô hộ, người phương Bắc vẫn không đồng hóa được. Đó là tục ăn trầu, nhuộm răng đen có từ thời các vua Hùng. Có vị quan  đã phản ứng khi  người nước ngoài có ý coi thường người Việt vì đã tự hào khen hàm răng đen của người Việt đẹp hơn hàm răng trắng nhởn của ngoại bang. Nhờ hàm răng đen mà người Việt dễ dàng nhận ra nhau khi xa xứ. Lời hịch nổi tiếng của vua Quang Trung trong chiếu xuất quân  đánh đuổi 29 vạn quân Thanh mùa xuân năm 1789 còn vang vọng mãi:

Đánh cho để dài tóc!

Đánh cho để đen răng!

Đánh cho nó chích luân bất phản!

Đánh cho nó phiên giáp bất hoàn!

Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ!
 
Thiếu nữ Bắc Kỳ với hàm răng đen nhánh vào đầu thế kỷ 20
Thiếu nữ Bắc Kỳ với hàm răng đen nhánh vào đầu thế kỷ 20

Thật hào sảng, thật tự hào! Cần phải khẳng định, người Việt xưa từ vua đến dân đều nhuộm răng đen, để tóc dài! Chỉ cách đây chưa lâu những hàm răng đen vẫn phổ biến trong đời sống, vẫn làm rung động biết bao trái tim thi sỹ:

Những cô hàng xén răng đen;

Cười như mùa thu tỏa nắng… (Hoàng Cầm)

Vậy mà trong tất cả các phim lịch sử trước kia và những bộ phim vừa trình làng đang chiếu trên màn ảnh và truyền hình, các diễn viên của ta, từ vua đến quan răng đều trắng bóng. Nếu không phải là những diễn viên quen biết và những màn múa võ gượng gạo, lời thoại như kịch thì người xem dễ nhầm đây là phim nước ngoài.

Qua hội nhập, khán giả nước nhà đã cởi mở hơn đối với phim lịch sử. Chúng ta có quyền sáng tạo để lịch sử hay hơn, sinh động hơn dưới góc nhìn của thế hệ hôm nay. Nhưng có những điều thuộc về bản sắc dân tộc thì phải kiên quyết giữ. Không ít người cho rằng, bản sắc rõ nhất của người Việt từ ngàn năm nay là tục nhuộm răng đen. Nếu làm phim lịch sử mà diễn viên không có hàm răng đen thì không tôn trọng lịch sử.

Hiện nay, bằng công nghệ tiên tiến, việc hóa trang răng đen cho diễn viên rất dễ dàng. Trong khi trang phục, kiến trúc trong phim lịch sử chưa có sự phân định giữa người Việt và người Hoa thì việc nhuộm răng đen cho diễn viên khi đóng phim lịch sử đã khẳng định chắc chắn đây là người Việt!

Lịch sử Việt sẽ không lẫn với bất cứ dân tộc nào. Rất mong các nhà làm phim hãy tôn trọng lịch sử khi làm phim lịch sử. Giữ gìn bản sắc ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

 
Lan Thanh