Bán dạo áo phông còn kiếm được nhiều tiền hơn... nhạc sỹ?

(Dân trí) - Một nhạc sỹ người Anh hiện sống ở Hà Nội đã tự viết một bài báo bằng tiếng Việt gửi Dân trí, phân tích sự thiệt thòi của các nhạc sỹ khi mà số tiền bản quyền họ thu được không bằng của một người bán dạo áo phông...

Có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong thế giới âm nhạc. Trong cuộc cách mạng này, nhạc sĩ dường như đứng ngoài cuộc. David Lowery, một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời cũng là một nhà bình luận gây nhiều tranh cãi trong ngành công nghiệp âm nhạc tuần trước mới tiết lộ rằng chỉ nhận được 16,89 đô la cho 1.159.000 lượt nghe một bài hát của anh ta trên Pandora, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nối tiếng nhất ở Mỹ.
 
Nhạc sĩ Josh Kopeček

Nhạc sĩ Josh Kopeček

 

Pandora có 70 triệu người đang sử dụng dịch vụ và đạt được tổng số hơn 4 tỉ giờ nghe nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, công ty này vẫn công bố thua lỗ và dự báo mức thua lỗ sẽ tiếp tục tăng lên. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cạnh tranh gay gắt với nhau trên thị trường. Một số bị các công ty sản xuất âm nhạc lớn kiện về vấn đề chi trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Grooveshark có lượng người sử dụng lớn ở Việt Nam có chính sách nội bộ, yêu cầu nhân viên của mình tải các album nhạc lên, cũng như cho phép người sử dụng có thể tải bất kì nội dung nào lên mạng thông qua dịch vụ của mình. Những điều này tất nhiên là không được biết đến cho đến khi Grooveshark bị Universal Music Group kiện ra tòa về việc không chi trả tiền tác quyền.

 

Josh Kopeček là một nhạc sĩ người Anh hiện sống ở Hà Nội. Josh là tiến sĩ âm nhạc và cũng là nhà soạn nhạc tự do. Anh đã viết nhạc nền cho các thể loại phim, múa, kịch và nhiều thể loại nghệ thuật khác.

Như chúng ta biết, tiền bản quyền phải được chi trả cho mỗi lần sản phẩm âm nhạc được sử dụng. Điều này có nghĩa là Ti vi, đài phát thanh, các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, các nhạc hội, quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ… đều phải trả tiền. Số tiền này phải đến được tay nhạc sĩ thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng thu tiền bản quyền.  Ở Việt Nam, cơ quan có chức năng này được gọi là “Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)”. Tất cả các nhạc sĩ đều phải đăng kí quyền tác giả với cơ quan này để được chi trả tiền bản quyền.

 

Vì vậy, về lí thuyết, khi nghe, xem một bài hát hay một video clip trên bất kì một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nào, người nghe phải trả tiền và số tiền này phải được chuyển cho VCPMC, sau đó mới đến tay tác giả hoặc công ty quản lí. Tuy nhiên, có vẻ như quy trình này đơn giản là không hoạt động cả ở Việt Nam nói riêng lẫn cả ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nói chung.

 

Việc thống kê số tiền bản quyền được chi trả thông qua các dịch vụ của Pandora và Spotify (nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến phổ biến ở các nước phương Tây) vẫn không được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng và thường chỉ được thực hiện sau vài tháng. David Lowery đối chiếu số tiền bản quyền anh ta được Pandora chi trả (ở mức 0,0015 cent một lượt nghe/tải về) với số tiền bán dạo áo phông và đi đến kết luận rằng đi bán dạo áo phông còn kiếm được nhiều tiền hơn. Các công ty cung cấp dịch vụ thường không công bố số tiền bản quyền thu được. Số tiền này chỉ được biết trên bàn họp giữa các công ty này với cơ quan có chức năng thu tiền tác quyền.

 

Gần đây, ở Việt Nam một đơn vị cung cấp nhạc trực tuyến bị thiệt hại nặng khi các công ty đối tác đã rút bỏ quảng cáo của mình khỏi trang này dưới sức ép của quốc tế. Trang nhạc cung cấp trực tuyến đó được Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ Quốc tế mô tả là “đại diện của sự vi phạm bản quyền nổi tiếng”. Mặc dù Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ Quốc tế gần đây đã báo cáo rằng đang có những nỗ lực đàm phán với những người sở hữu nhà cung cấp dịch vụ này để hợp pháp hóa dịch vụ cung cấp nhạc số của đơn vị cung cấp trực tuyến đó.

 

Vì vậy, mặc dù đã có những tia hy vọng mỏng manh, nhưng chừng nào việc vi phạm quyền tác giả vẫn được coi là khó giải quyết triệt để thì chúng ta vẫn chưa thể lạc quan được. Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra tràn lan trên mạng; từ nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất đến nhỏ nhất ở Việt Nam cho đến những người dùng cá nhân. Thậm chí, một số người không biết cách tải nhạc từ trên mạng về thì có thể vô tư mang ổ cứng ra cửa hàng nào đó để copy phim hay bài hát.

 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải tìm ra cách trả tiền thuận tiện nhất cho người Việt Nam. Tại sao lại không sử dụng hình thức trả tiền qua tin nhắn SMS? Cho dù lựa chọn giải pháp nào thì các nhà quản lí ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải đàm phán với các đối tác trong Việt Nam và trên toàn thế giới.

 

 

Nhạc sĩ Josh Kopeček

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm