Việt Nam thân thương:
Bài học về thứ tự ưu tiên
(Dân trí) - “Thầy không trách các em, vì có lẽ mãi mãi môn giáo dục công dân sẽ không bao giờ được xếp vào những môn quan trọng. Thầy chỉ mong trong cuộc sống sau này, các em sẽ đủ bình tĩnh để lập ra bảng thứ tự ưu tiên cho những lựa chọn của mình”.
Nghe nói, thầy tốt nghiệp ngành quản lý giáo dục, đến khi về trường tôi, vì không có môn học phù hợp nên thầy được phân công dạy môn giáo dục công dân.
Nghe nói, lúc mới về thầy rất hiền, nhưng càng ngày thầy càng khó tính hơn, có lẽ vì chỉ như thế mới trị được lũ “thứ ba” lắm chiêu nhiều trò.
Lớp 10, còn nguyên sự bỡ ngỡ và ngoan hiền, chúng tôi thường học đều các môn. Lên lớp 11, chúng tôi chỉ theo đuổi một số môn mà bản thân cho là quan trọng, và bỏ bê các môn còn lại. Giáo dục công dân là môn không thi tốt nghiệp, không thi đại học, chắc chắn là vậy rồi.
Trong lúc thầy giảng, có đứa tranh thủ đem sách toán ra làm bài tập, có đứa nhẩm tới nhẩm lui một bài thơ chưa kịp thuộc, có đứa lôi giấy ra hý hoáy vài câu bậy bạ rồi chuyền nhau cười khúc khích, có đứa ngồi lơ đễnh làm… thơ, có đứa ngồi ỉ ê tâm sự, thật hiếm có ai chịu ngồi nghe một cách chăm chú và nghiêm túc.
Thầy nhìn thấy tất cả những điều chúng tôi làm, dĩ nhiên là nhiều hơn những gì tôi kể. Có khi thầy la mắng chúng tôi, có khi thầy ghi những chữ “B”, “C” to tướng vào sổ đầu bài, có khi thầy chỉ ngồi im lặng, cũng có khi thầy giả vờ thản nhiên như không có chuyện gì, và tiếp tục giảng.
Đôi lúc chúng tôi cũng hối hận khi bị thầy la, khi thấy thầy buồn. Nhưng sự vô tư của tuổi học trò không cho phép chúng tôi nghĩ nhiều hơn thế. Cảm giác áy náy trôi qua thật nhẹ nhàng, chúng tôi lại tiếp tục những giờ học như thế mà chưa một lần kịp nhìn sâu vào mắt thầy…
Năm lớp 12, các môn phụ kết thúc sớm để dành nhiều thời gian hơn cho các môn chính sẽ thi tốt nghiệp và đại học. Ngay cả chương trình giáo dục cũng đã phân biệt môn chính, môn phụ như thế cơ mà! Chúng tôi có một buổi để ôn tập môn giáo dục công dân. Ngay khi thầy bước vào, cả lớp đã nhao nhao hỏi ôn bài nào vậy thầy, thầy có cho câu hỏi cụ thể không, thầy giới hạn ít ít thôi để tụi em còn ôn thi mấy môn khác nữa…
Thầy đọc tên các bài cần học, mắt liếc vội qua những chiếc bàn ngổn ngang nào sách toán, sách lý, máy tính, compa, thước kẻ… Có vẻ như chỉ cần chờ thầy đọc xong nội dung ôn tập, chúng tôi sẽ không còn quan tâm đến sự tồn tại của thầy trên bàn giáo viên nữa.
Bỗng dưng thầy đi tới giữa lớp và nói: “Hôm nay là buổi học cuối cùng, sau này các em sẽ không phải học giáo dục công dân nữa, và có thể cũng không gặp lại tôi nữa. Hôm nay, tôi không giảng bài mà chỉ muốn kể chuyện. Các em có muốn nghe không?”.
Ban đầu, chúng tôi sững sờ vì bất ngờ, nhưng ngay đó lại hò reo thích thú vì được “danh chính ngôn thuận” ngồi… chơi và hóng chuyện.
Còn nhớ, chuyện của thầy xoay quanh một câu hỏi trắc nghiệm có thưởng ở nước Pháp: “Nếu như cung điện Louvre không may bị cháy và bạn chỉ có thể cứu một bức danh họa duy nhất, vậy bạn sẽ chọn bức danh họa nào?”.
Phần lớn mọi người đều trả lời là sẽ cứu bức Mona Lisa, một trong những bức danh họa quý nhất của bảo tàng. Thế nhưng, giải thưởng đã được trao cho Jules Verne - một nhà văn nổi tiếng của Pháp. Jules Verne trả lời rằng ông sẽ cứu bức tranh gần cửa thoát hiểm nhất.
Vì Mona Lisa được trưng bày ở tầng hai, khi hỏa hoạn xảy ra, trong tình trạng hỗn loạn ai cũng đều đổ xô ra ngoài mong thoát thân, nếu ai đó chạy ngược dòng người, sau đó chạy thẳng lên lầu hai thì có lẽ chưa kịp chạm đến bức tranh Mona Lisa anh ta đã bị thiêu cháy rồi.
Thế nên, trong tình huống này, trước hết bạn phải tìm cho ra cửa thoát hiểm để bản thân an toàn trước, sau đó nếu bạn tiện tay giật được bức tranh nào thì mới cứu lấy bức tranh ấy.
Thầy nói, trong cuộc sống, con người luôn phải đối mặt với những sự lựa chọn, và càng lớn lên thì sự lựa chọn sẽ càng phức tạp hơn. Chúng ta cần phải xác định cho mình một thứ tự ưu tiên để thực hiện. Khi đã biết điều gì là quan trọng nhất với mình, chúng ta sẽ thoải mái hơn với những lựa chọn và bình tĩnh hơn trước những khó khăn.
Thứ tự ưu tiên ấy không cần thiết phải xếp theo tiêu chí cụ thể nào, mà chỉ cần phù hợp với hoàn cảnh và trái tim của mình là đủ. Chẳng hạn, thầy đã từ bỏ những cơ hội nghề nghiệp ở Sài Gòn để về dạy một “môn phụ” ở một trường huyện nghèo, là vì thầy đã đặt một việc khác lên trước thứ tự ưu tiên về nghề nghiệp của mình.
Thầy cũng rất buồn khi thấy học sinh không thích, thậm chí xem thường môn thầy dạy, nhưng thầy luôn cố gắng chấp nhận thực tế ấy. Thầy quyết định về quê dạy học là để tiện chăm sóc cho người mẹ tật nguyền của mình, nên với thầy, được ở bên cạnh mẹ mới là quan trọng nhất.
“Thầy không trách các em, vì có lẽ mãi mãi môn giáo dục công dân sẽ không bao giờ được xếp vào những mục quan trọng nhất trong thứ tự ưu tiên của học sinh. Tuy nhiên, thầy mong là trong cuộc sống sau này, các em sẽ luôn bình tĩnh để lập ra các bảng thứ tự ưu tiên hợp lý và thực hiện tốt những lựa chọn của mình”.
Cả lớp chăm chú lắng nghe câu chuyện và những lời chia sẻ của thầy. Đó là giờ học giáo dục công dân nghiêm túc nhất, cũng là giờ học ấn tượng nhất trong ba năm cấp ba của chúng tôi. Giờ đây, khi bị ai đó từ chối lòng nhiệt tình của mình, tôi lại nhớ đến ánh mắt lạnh lùng và xa xăm của thầy mỗi khi chúng tôi học hành lơ đễnh.
Nhà thầy cũng lạnh như cái vẻ bề ngoài của thầy vậy, cửa luôn im ỉm khóa vào những ngày mà các thầy cô khác ríu rít đón học trò, nên học sinh thường không dám đến thăm thầy. Tôi cũng vậy. Tôi không sợ thầy, cũng không ghét thầy, chỉ nghĩ chắc thầy có lý do riêng nào đó.
Mười năm xa nhà tôi chỉ biết về thầy qua những lời kể, những câu chuyện. Tôi day dứt khi nghe tin về nỗi mất mát lớn lao thầy phải chịu đựng, và an tâm, nhẹ nhõm khi biết quanh thầy còn có những niềm vui đáng sống, để thầy vững tin hơn.
Thời gian cứ trôi qua, tết năm nào tôi cũng về nhà và nhen nhóm ý định thăm thầy, nhưng rồi ý định đó cứ thoáng qua, thoáng qua… Tôi sợ thầy không còn nhớ tôi nữa, tôi sợ thầy lạnh lùng, tôi sợ tôi cũng chỉ là một trong rất nhiều đứa học trò bé bỏng mà thầy nhanh chóng quên đi để dạy tiếp những thế hệ sau đó. Cứ như thế, tôi chưa từng bước chân vào ngôi nhà im ỉm ấy.
Có những khi áp lực của công việc, của học hành, của những mối quan hệ, của những trải nghiệm thực tế… đã khiến tôi nghẹt thở muốn từ bỏ tất cả. Nhưng rồi nhớ đến thầy, làm theo lời dạy ấy, tôi đã vững chãi hơn với những khó khăn của mình.
Cuộc sống như một chiếc bập bênh, và sự dập dềnh của nó khiến người ta luôn lơ lửng giữa hai miền quên – nhớ. Trong tôi, ký ức về thầy và bài học ấy mãi mãi sẽ chỉ ở miền nhớ.
Vì trong đời luôn cần đến những thứ tự ưu tiên, kể cả ký ức.
Xuân Dung