Bình Định:
Bài chòi Việt Nam và những nét tương đồng với nghệ thuật thế giới
(Dân trí) - TS. Seong- Yong Park- Trợ lý Tổng giám đốc văn phòng dự án chiến lược, ICHCAP khẳng định, nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với một số loại hình nghệ thuật của Hàn Quốc.
Hội thảo Quốc tế: “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” vừa diễn ra sáng 13/1 tại TP Quy Nhơn, Bình Định.
Đây là một trong hoạt động quan trọng nằm trong lộ trình xây dựng kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia“Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc, Sở VHTT-DL Bình Định phối hợp tổ chức nhằm sớm đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thảo với 22 tham luận của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý và các nghệ nhân, nghệ sỹ Bài chòi ở trong cả nước. Trong đó, phải kể đến các tham luận đáng chú ý: “Về Bài chòi chiếu” của nghệ nhân Nguyễn Kiểm; “Diễn xướng dân gian Hô Bài Thai ở Phú Xuân Huế”của tác giả Huỳnh Đình Kết; “Vài nét nghệ thuật Bài chòi ở Khánh Hòa” của tác giả Lê Văn Hoa…
Nhiều tham tham luận mang tính phát hiện mới mà các nhà nghiên cứu cần phải làm rõ như: “Cần nhận diện đúng thế nào là nghệ thuật Bài chòi dân gian” của Nguyễn Thụy Loan.
Đặc biệt, hội thảo lần này còn có 6 tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ các nước trên thế giới như:“Bài chòi – một thể loại sân khấu âm nhạc độc đáo” của tác giả Yves Derance, “Những âm thanh, âm nhạc và những không gian âm thanh” của tác giả Ebsjorn Watermark; “Những di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc tương tự như Bài chòi và tầm quan trọng của cộng đồng di sản” của TS. Seong –Yong Park…
Trình bày tham luận tại hội thảo TS. Seong- Yong Park- Trợ lý Tổng Giám đốc văn phòng dự án chiến lược, ICHCAP, khẳng định: Một số di sản của Hàn Quốc như: baltal, Jindo dasiraegi và pansori là những loại hình nghệ thuật có những điểm chung như Bài chòi của Việt Nam. Những loại hình di sản phi vật thể này của Hàn Quốc đã được công nhận là Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng. Trong đó, Pansori- một loại hình nghệ thuật của Hàn Quốc đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Park chia sẻ thêm: “Tương lai của di sản phụ thuộc vào cộng đồng. Để được ghi danh vào danh sách đại diện của UNECO có nghĩa là được biết đến rộng hơn, di sản của đã được quốc tế công nhận để trở thành di sản chung của nhân loại.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, cho biết: Trong 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là những địa phương hiện nay vẫn còn trình diễn nghệ thuật dân gian Bài chòi đặc sắc. Trong đó, tỉnh Bình Định được Bộ VHTT-DL giao đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loai.
"Trước tháng 3/2015 sẽ hoàn thành hồ sơ trình Bộ VHTT-DL để Bộ trình lên Chính phủ, sau đó Chính phủ mới trình UNECO trong tháng 6/2015”, ông Dũng nói thêm.
TS. Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện âm nhạc, cho biết: Thông qua hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về đặc điểm lịch sử và văn hóa của miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; nghệ thuật hô Thai cũng như biểu diễn của anh Hiệu, chị Hiệu trong Bài chòi; âm nhạc trong nghệ thuật hô Thai và nghệ thuật độc diễn Bài chòi; các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Bài chòi; bước đầu so sánh giữa nghệ thuật Bài chòi Việt Nam với một số hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới. Hy vọng, thông qua hội thảo lần này sẽ sớm hoàn thành hồ sơ để trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản Văn hóa thế giới đại diện của nhân loại.
Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động Hội thảo Quốc tế: “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”, diễn ra từ 13 đến 14/1 tại TP Quy Nhơn, Bình Định:
Doãn Công