"Bài ca hy vọng" tiễn biệt nhạc sĩ Văn Ký
(Dân trí) - "Nhạc sĩ Văn Ký đi nhẹ nhàng như những cánh chim bay về miền khát vọng. Ông mất đi, để lại một khoảng trời trống vắng trong bầu trời âm nhạc", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngậm ngùi đọc điếu văn tại lễ tang.
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời lúc 9h20 sáng 26/10 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau 10 ngày cấp cứu, thọ 92 tuổi. Tang lễ nhạc sĩ Văn Ký được tổ chức từ 11h30 đến hơn 13h trưa ngày 30/10 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tiễn đưa nhạc sĩ Văn Ký. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Doãn Nho, Doãn Nguyên, Đoàn Bổng, Đỗ Hồng Quân, Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung, Dương Cầm.... cùng các ca sĩ Lan Anh, Tấn Minh, Trọng Tấn, Minh Ánh... đến viếng nhạc sĩ Văn Ký.
Dẫn đầu đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào viếng đầu tiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết trong sổ tang: “Hội Nhạc sĩ Việt Nam với hơn 1.500 hội viên vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Văn Ký- một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, người có công sáng lập tổ chức hội từ ngày đầu tiên (1957). Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và phong phú của ông - từ ca khúc, hợp xướng đến giao hưởng - là tài sản vô giá đối với lịch sử âm nhạc nước nhà…”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí tại lễ tang nhạc sĩ Văn Ký, ca sĩ Lan Anh ngậm ngùi: “Tôi biết tin nhạc sĩ Văn Ký ốm có mấy hôm thôi, cụ đi nhanh quá, tôi rất bất ngờ. Cách đây mấy tháng, tôi gặp cụ, cụ vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, vậy mà…
Là người gần như hát nhiều nhất các ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký, trước thì có cố NSND Lê Dung- năm nào tôi cũng hát nhiều lần ca khúc của cụ trên các sân khấu lớn nhỏ. Thậm chí, hát khắp tỉnh. Các ca khúc nổi tiếng của cụ tôi hát như: “Bài ca hy vọng”, “Hà Nội mùa xuân”, “Trời Hà Nội xanh” và “Nha Trang mùa Thu lại về”…. Đặc biệt là ca khúc “Bài ca hy vọng”, tôi hát rất nhiều. Trước sự ra đi của cụ, tôi rất buồn, rất thương tiếc…”
Nữ ca sĩ kể vài năm trước, khi tham gia một chương trình âm nhạc với ca khúc “Bài ca hy vọng”, sau đó xuống sân khấu gặp nhạc sĩ Văn Ký, chị được nhạc sĩ giải thích về hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa của bài hát. “Thời sinh viên, tôi chỉ cảm nhận nhạc phẩm có giai điệu hay, ca từ trong sáng, bay bổng. Sau khi biết bài hát từng là nguồn động lực lớn của nhiều tù nhân chính trị, tôi hát với tâm thế khác, có thêm sự hào sảng, niềm tự hào. Đây là một trong những ca khúc tôi không bao giờ chán dù biểu diễn nhiều lần. Mỗi khi hát, tôi đều cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn”, ca sĩ Lan Anh nói.
Ca sĩ- NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long cũng bày tỏ: “Nhạc sĩ Văn Ký là tượng đài của nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ gạo cội không còn nhiều. Những tác phẩm của ông có giá trị để lại muôn đời sau và có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Tôi tin chắc rằng, các thế hệ sau này vẫn tìm đến các tác phẩm có giá trị như thế này. Cá nhân tôi là thế hệ con cháu chỉ biết nói rằng vô cùng yêu mến và khâm phục tài năng của nhạc sĩ Văn Ký”.
Trong điếu văn đọc lúc 12h45’, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân gọi tác phẩm “Bài ca hy vọng” là “biểu tượng của niềm tin, của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc và sự vươn lên của mỗi người”. Mượn hình ảnh trong tác phẩm, Đỗ Hồng Quân đọc lời tiễn biệt: “Nhạc sĩ Văn Ký đi xa nhẹ nhàng như những cánh chim bay về miền khát vọng. Ông mất đi, để lại một khoảng trời trống vắng trong bầu trời âm nhạc. “Bài ca hy vọng”, “Bay lên Việt Nam” mãi mãi là ước vọng của ông hướng tới những giá trị cao cả của âm nhạc và cuộc đời”.
Khi người thân, đồng nghiệp cùng đi quanh linh cữu để nhìn mặt cố nhạc sĩ lần cuối, giai điệu “Bài ca hy vọng” vang lên tiễn đưa ông về nơi vĩnh hằng…
Nhạc sĩ Văn Ký tên đầy đủ là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, một trong những miền quê sản sinh nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật.
Ông nổi tiếng với các ca khúc: “Bài ca hy vọng”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa Thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”... Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký lại có những khởi nguồn rất riêng.
Nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc “Bài ca hy vọng”, một tác phẩm bất hủ làm lên tên tuối Văn Ký. Ca khúc ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Ký đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trước đó 12 năm, vợ nhạc sĩ đã qua đời, ông có năm con, một người đã mất. Trong đó, hai con trai: anh Vũ Chí Nguyện và Vũ Ngọc Hà là nối nghiệp nhạc sĩ của bố.
Hình ảnh trong lễ tang nhạc sĩ Văn Ký: