Độc đáo “Di sản cảnh quan” trong Quần thể Di tích Cố đô Huế:
Bài 4: Tái tạo “cảnh quan cổ” cho di tích Huế: Cuộc chơi lắm công phu!
(Dân trí) - Để chăm sóc, phục hồi, tôn tạo nhiều cấu phần "cảnh quan cổ" cho di tích Huế thì nhiệm vụ lớn nhất nằm trên vai Phòng Cảnh quan Môi trường di tích Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Nhiều câu chuyện thú vị lần đầu được tiết lộ với Dân trí.
Theo TS. Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phòng đã tập trung thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm xây dựng một hệ thống đồng bộ các giải pháp có đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản cảnh quan ở di tích Huế. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị khoa học, tính thực tiễn cao của cán bộ phòng nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả, đáp ứng rất tốt cho nhu cầu công tác.
Nghiên cứu bảo tồn hệ thống cây cổ thụ, cây xanh quý
Ông Sơn cho hay, cùng với thời gian, thiên tai khắc nghiệt, hệ thống cây xanh, cây cổ thụ ở các điểm di tích đang đứng trước thực trạng bị xâm hại bởi nhiều loài sinh vật tự nhiên. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các cây cổ thụ và có nguy cơ làm mất cảnh quan của các khu di tích Cố đô Huế. Bên cạnh đó thực trạng cây xanh trong khu di sản là một vấn đề rất phức tạp, bởi hiện có tới 80% cây xanh ở đây là cây tạp, cây mọc tự nhiên, cây trồng mới sau năm 1945. Chỉ có khoảng 20% là cây được trồng nguyên thủy, trồng theo quy hoạch, trong số này có các cây cổ thụ. Do đó việc nghiên cứu, điều chỉnh (bao gồm sắp xếp, trồng mới, bố trí lại…) cho hệ thống cây xanh trong địa bàn khu di sản là hết sức cần thiết.
“Chúng tôi đã thống kê, xác định số lượng cây cổ thụ cần được bảo tồn. Từ đó xem xét về chất lượng cây, tình trạng sinh vật gây hại trên cây, điều kiện sống hệ thống cây cổ thụ, quan trắc số liệu về chất lượng đất trồng. Tiếp tục là xây dựng mô hình điểm bảo tồn cây cổ thụ ở khu vực Đại Nội với các phương thức nghiên cứu giải pháp cải tạo điều kiện sống, phòng trừ sinh vật gây hại, cắt tỉa, chống đỡ… Và dùng phần mềm để quản lý hệ thống cây này với các chế độ báo cáo trong thời gian ngắn. Sắp tới sẽ có quy định bảo vệ hệ thống cây cổ thụ với các bảng nội quy, bảng tên cây, hàng rào bảo vệ.
Về hệ thống cây xanh nói chung, các giải pháp khuyến nghị cần thực hiện thường xuyên là: Hạ giải cây chết; Di dời các cây xanh không phù hợp do mọc hoang hóa; Chăm sóc; bồi dục; Làm vệ sinh cho cây; Tỉa cành tạo tán, tạo thế; Trồng thay thế, trồng dặm; Phục hồi nguyên trạng một số quần thể cây xanh di tích; Lập vườn thực vật… Một bảo tàng mẫu vật đang trên đường tiến hành xây dựng, tại đây sẽ trưng bày và lưu trữ các mẫu vật, tranh ảnh về hệ thống cây xanh, cây cảnh và cây hoa di tích” – ông Sơn trao đổi.
Phục hồi cây quý cho vườn Thượng uyển
“Kiểu kiến trúc di tích Huế là kiến trúc cảnh quan. Vì vậy, du khách đến Huế đều rất mong muốn tìm lại, khám phá, thưởng thức những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của hệ thống cảnh quan di tích, nhất là các khu vườn Thượng uyển. Do đó, việc xây dựng vườn sưu tập, nhân giống bảo tồn các giống cây di tích sẽ là tiền đề cho việc chỉnh trang tôn tạo cảnh quan cũng như bảo tồn, phục hồi các vườn Thượng uyển sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu bức thiết của khách tham quan và du lịch” – ông Sơn tâm sự.
Tuy nhiên một trong những khó khăn của việc phục dựng các khu vườn Thượng uyển là việc xác định các chủng loại cây trồng đã từng xuất hiện ở các khu vườn này. Thực tế thì hiện nay việc sưu tập các loài cây quý này cũng hết sức khó khăn vì số lượng không còn nhiều và nhiều loài hầu như đã mất giống. Chính vì vậy, để chuẩn bị một bước cho kế hoạch phục hồi các khu vườn Thượng uyển, năm 2014, Trung tâm đã cho đầu tư lập “Vườn sưu tập nhân giống, bảo tồn các giống cây di tích” ở khu đất trường Quốc Tử Giám cũ với tổng diện tích khoảng 36.000m2.
Một trong những nhiệm vụ chính của vườn là tập trung nghiên cứu, sưu tập, nhân giống các chủng loại cây quý đó để phục vụ cho công tác bảo tồn tôn tạo cảnh quan di tích Huế, đặc biệt là các khu vườn Thượng uyển. Bên cạnh đó, đây còn là nơi sưu tập, lưu giữ, giới thiệu những loài thực vật có giá trị, ý nghĩa biểu trưng gắn liền với các khu di tích Huế nên sẽ tạo ra địa điểm tham quan lý thú, thu hút khách tham quan, nghiên cứu học tập và tổ chức khai thác dịch vụ.
Hiện vườn ươm đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng nên công tác bảo tồn các giống cây quý chỉ mới bắt đầu. Vườn đã nhân giống thành công khoảng trên 30 chủng loại cây có giá trị và phù hợp cảnh quan di tích như: Ngô đồng, Tếch, Ngọc lan, Muồng đen, Sến, Mai vàng, Tùng la hán, Nhội, Long não, Sanh, Lộc vừng, Sứ đại, Tử vi, Sấu, Nguyệt quới, Săng mã, Tràm liễu, Xoài, Nhãn, Mù u, Thông, Sen trắng, Trúc quan âm, Tre cán giáo, Mít... Sau khi vườn hoàn thiện sẽ tập trung nghiên cứu bảo tồn các loài "kỳ hoa dị thảo" đã từng tồn tại ở di tích Huế xưa kia.
TS. Sơn đánh giá, vườn sưu tập nhân giống bảo tồn các giống cây di tích đã bắt đầu đi vào hoạt động và bước đầu phát huy hiệu quả và trong tương lai gần thì các giống cây quý từng gắn liền với các khu di tích Huế sẽ dần được phục hồi góp phần hồi sinh bộ mặt cảnh quan đặc sắc, độc đáo của chốn đế đô.
Cụ thể trong những năm tới, vườn sẽ dự kiến nghiên cứu bảo tồn các cây quý như: Bạch mai, Đào tiên, Phù dung, Tân di, Thích đồng, Hoa Lê, Hoa Hòe, Hoa Luyện, Hoa Kê cước, Ngọc biện, Khiên ngưu, Hoàng quang, Khảm châu, Sơn cương, Tiễn thu la, Tiễn hồng la, Lão thiếu niên, Chi tử, Hoàng anh, Triền chi mẫu đơn, Phượng tiên, Lăng tiêu, Đồ my, Kim tiền, Tố hinh, Thạch trúc, Thục quì, Ngọc Trâm, Yên chi, Thu quì, Sơn trà, Hồng lệ xuân, Thủy tiên, Dương tử quì, Tam hợp, Kim trâm, Kim ngân trâm, Lục mạt lỵ, Hoa Giao, Giáp điệp, Dương hồ điệp, Hoa Bích, Mộc, Sa kê, Hoa sói… và còn nhiều loài khác trong thời gian kế tiếp.
Một điều thú vị ở tại vườn sưu tập nhân giống của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trên là cán bộ vườn đã sưu tầm, ươm trồng được 1.500 cây mai vàng và mai hồ điệp để trang trí các điểm di tích trong các dịp lễ, Tết. Trong đó có 600 cây mai trên 15 năm tuổi và 900 cây từ 3-4 năm tuổi. Đặc biệt, trong vườn mai có một cây mai vàng trên 100 năm tuổi vô cùng quý giá, cây mai cổ này có xuất xứ ở chùa Thạch Bình (ngôi chùa có sắc phong của vua Minh Mạng), thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa, Quảng Điền được đem về trồng ở vườn từ năm 2004 đến nay.
Cải tạo “hệ xương nước” Thủy đạo
TS. Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan Môi trường trao đổi, qua khảo sát chất lượng nước trong các ao hồ ở hệ thống thủy đạo Di tích Huế bị ô nhiễm nghiêm trọng từ các nguồn như rong tảo phát triển mạnh, cá bị chết, cỏ dại mọc lan ra hồ, hiện tượng phú dưỡng… nguyên nhân là do các hồ bị bồi lấp lâu ngày, việc xả thải người dân vào hồ quá lớn.
Vì vậy, cải tạo nguồn nước ở đây là một đòi hỏi cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước, tạo điều kiện cho các loài động thực vật thủy sinh phát triển, trả lại vẻ đẹp vốn có của hồ, đồng thời làm tăng thêm giá trị của khu di tích. Phòng đã nghiên cứu áp dụng các phương pháp xử lý nước hồ bằng công nghệ EM và đánh giá hiệu quả xử lý nước hồ thông qua việc theo dõi sự biến động các thông số chất lượng nước như pH, độ đục, chất rắn lơ lửng, oxy hòa tan và độ dẫn điện, COD, BOD5...
Dưới tác động của các vi sinh vật hữu hiệu (EM) đã hạn chế được sự tạo thành các khí độc như CH4, H2S, NH3... thúc đẩy quá trình phân hủy các chất độc hại, làm tăng khả năng hòa tan oxy trong nước, tạo môi trường tốt cho động thực vật phát triển.
Một yếu tố rất quan trọng ở trong thủy đạo là các loài Thuỷ thực vật. Người xưa đã nghiên cứu, chọn lựa khá kỹ càng các loài thủy thực vật tốt nhằm tạo cảnh quan, cải thiện môi trường nước, chữa bệnh, ẩm thực... và đặc biệt còn mang những giá trị ý nghĩa hết sức sâu sắc phù hợp với từng công năng của công trình. Nhiều nhất vẫn là Sen là loài được trồng khắp hệ thống thủy đạo, nên phòng cảnh quan môi trường đã nghiên cứu để phục hồi loài Sen trắng. Kết quả đã loài sen này đã sinh trưởng, phát triển mạnh, cho ra hoa đẹp và đúng thời vụ, tạo cảnh quan đẹp cho các hồ.
Và cuối cùng là phục hồi các động vật thủy sinh mà chủ yếu là cá cảnh. Phòng đã kết hợp với Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Huế xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chép cảnh. Bước đầu đã cho ra sản phẩm hơn 50.000 con giống cá chép kích cỡ 3-5 cm, tiết kiệm rất nhiều so với việc nhập cá giống mới. Nhiều đàn cá chép đẹp trong các Thủy đạo ở di tích đã ra đời từ đây giúp cân bằng sinh thái trong hồ khi hiện có nhiều cá lóc phát triển bừa bãi, giảm ấu trùng muỗi… và đặc biệt là thu hút khách tham quan.
-TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tâm sự: “Nhiều năm trở lại đây, hệ thống cây xanh, nhất là cây cổ thụ được đầu tư chăm sóc nhiều. Trung tâm luôn xác định, quần thể di tích Huế nổi tiếng không chỉ bởi các công trình kiến trúc cổ mà còn bởi sự hấp dẫn, hài hòa của hệ thống cây xanh bao quanh. Nhờ những hàng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ mà Đại Nội và nhiều lăng tẩm ở Huế trở nên "có hồn" và hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Đây cũng là một yếu tố được các vua Nguyễn xưa chăm chút nhằm điều hòa nhằm đưa thiên nhiên vào trong cuộc sống.
-Ngày nay đến thăm lại quần thể di tích cố đô Huế ai cũng phải thừa nhận sự thay đổi rất lớn so với thực trạng hoang phế của di tích 20 năm về trước. Điều đáng nói là, không chỉ cả một hệ thống di tích “từ giai đoạn cứu vãn đã chuyển sang thời kỳ ổn định phát triển” như đánh giá của ông Richard A. Engelhardt, chuyên gia UNESCO tại kỳ họp thứ 9 Nhóm công tác Huế tháng 2/1998, mà còn phải nhìn nhận được sự chuyển biến tích cực của tổng thể cảnh quan môi trường di tích.
-Với những công trình nghiên cứu khoa học hết sức thiết thực, hiệu quả trong gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường các khu di tích Huế, Trung tâm đã 2 lần được vinh dự nhận giải thưởng Cúp vàng "Thương hiệu xanh bền vững" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng.
Đại Dương