Bắc Ninh đề nghị công nhận ba “bảo vật quốc gia”

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ gửi Bộ VHTT&DL đề cử 3 cổ vật công nhận là báu vật quốc gia: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp; Tượng Adiđà của chùa Phật Tích và Cột đá chùa Dạm, thành phố Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, đơn vị trực tiếp làm thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho biết, qua khảo sát cho thấy, Bắc Ninh có hàng chục cổ vật đặc sắc hội tụ đủ các tiêu chí của bảo vật quốc gia. Tiêu biểu như 10 linh thú đá chùa Phật Tích; Bộ tượng Tam thế, Tháp Cửu phẩm liên hoa, 2 cuốn sách đồng chùa Bút Tháp; Tượng Pháp Vân, Tượng Pháp Vũ, Cừu đá chùa Dâu; Rồng đá đền thờ Lê Văn Thịnh… Tuy nhiên, trong đợt đầu tiên, Bắc Ninh chỉ đề cử 3 hiện vật đặc sắc nhất.

 

Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay là pho tượng gỗ mang vẻ đẹp hoàn hảo với vô số chi tiết chạm khắc tinh mĩ từ Phật Quan âm đến đài sen, bệ tượng và vành tay phụ. Tượng cao 2,35m (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng), có 11 đầu. Mặt chính nhìn ra phía trước, hai mặt phụ ở hai mang tai. Đầu tượng đội thiên quan, phía trên đầu chính có các đầu nhỏ hơn xếp chồng lên nhau thành ba lớp, trên cùng là tượng Phật Adiđà.
 
Bắc Ninh đề nghị công nhận ba “bảo vật quốc gia” - 1
Tượng Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh

 

Tượng tọa trên đài sen do một con rồng nhô lên từ mặt nước đội lấy, 2 tay cố giữ và đỡ cho cân bằng. Phần dưới cùng là bệ tượng cao 0,54m, được tạo theo kiểu bệ sumeru bố trí thành 5 cấp hình chữ nhật chém góc, hoa văn chạm khắc tinh xảo với bảo bối của nhà Phật, lưỡng long chầu ngọc, song lân hý cầu... Pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay có 2 hàng chữ Hán trên bệ tượng cho biết pho tượng được Trương tiên sinh hoàn thành vào một ngày tốt của mùa Thu năm Bính Thân (1656).

 

Tượng Adiđà được tạo tác vào thế kỷ XI, bằng đá xanh nguyên khối. Văn bia và lời kể cho biết xưa kia toàn thân pho tượng được sơn son, thếp vàng. Tượng cao 2,1m, rộng vai 0,87m, rộng chân 1,33m, bệ tượng cao 0,80m, chu vi bệ 5,92m.

 

Tác phẩm chia thành 2 phần rõ rệt, Phật Adiđà và bệ đá tòa sen. Tất cả đều trau chuốt, mềm mại, tỉ mỉ, tạo ra pho tượng tuyệt tác, sống động, có hồn. Tượng được diễn tả ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ xuống phủ kín hai chân. Mình tượng thanh mảnh, ngồi hơi rướn về phía trước, trông rất uyển chuyển, nhưng lại vững vàng.

 

Cột đá chùa Dạm còn gọi là cột biểu có niên đại thế kỷ XI, thời Lý, kiến trúc độc đáo bởi kích thước to lớn và nghệ thuật điêu khắc đá tuyệt khéo. Cột đá có 2 phần: cột và đế tròn đỡ cột. Cột đá liền khối cao 4,25m, đặt trên bệ đá hai cấp cao 0,8m. Phần cột gồm hộp vuông cao 2m, 1 cạnh rộng 1,35m và 1 cạnh rộng 1,6m; phần trụ tròn cao 2,25m, đường kính 1,35m.

 

Đặc sắc nhất là đôi rồng trên trụ tròn được chạm nổi tinh tế, đường nét sinh động, trau chuốt. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu rồng trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời, thân rồng uốn khúc hình sin, hai chân sau tựa vào khối hộp vuông phía dưới tạo cho đôi rồng uốn lượn như đang bay. Những chỗ trống bên cạnh đôi rồng được khắc những chi tiết hoa văn cúc dây.

 

Những hiện vật ở Bắc Ninh minh chứng về vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến với những cổ vật đặc sắc. Được công nhận là bảo vật quốc gia, các hiện vật sẽ có thêm các điều kiện để bảo tồn theo chế độ đặc biệt, trở thành những điểm nhấn, hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh khi đến Bắc Ninh.
 
Theo TTXVN/Vietnam+