Bắc Ninh bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ
(Dân trí) - Ngay sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh với nhiều kết quả và thành tựu quan trọng.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là loại hình ca hát giao duyên của người Việt có từ lâu đời, tồn tại và phát triển tập trung ở trung tâm của xứ Kinh Bắc xưa - tức thành phố Bắc Ninh ngày nay, với 31/49 làng Quan họ gốc, với số lượng bài ca và làn điệu phong phú (hơn 500 bài ca và 213 làn điệu), được thể hiện bằng nghệ thuật ca hát đặc sắc và độc đáo, đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc. Chính với giá trị tiêu biểu về nghệ thuật ca hát và sinh hoạt văn hóa của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là căn cứ khoa học và thực tiễn để UNESCO vinh danh “ Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn, phát huy và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo đó, cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ mới, thành lập nhiều Câu lạc bộ quan họ, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, Câu lạc bộ Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…
Về thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh, sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh phê duyệt đề án triển khai “Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Quan họ” với những nội dung cụ thể cùng nhiều giải pháp tích cực.
Trong những năm qua, môi trường tự nhiên và xã hội của sinh hoạt văn hóa Quan họ là các thôn làng được bảo tồn và phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ được nhà nước xếp hạng bảo vệ. Cùng với nhà nước, nhân dân các làng Quan họ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, phục hồi di tích và lễ hội, phục dựng lại nhà chứa Quan họ, xây dựng nhà văn hóa thôn, quy hoạch khu tổ chức lễ hội, đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ Quan họ.
Thành quả tiêu biểu trong lĩnh vực này là không chỉ môi trường các làng Quan họ truyền thống được bảo tồn, mà còn xây dựng, phát triển được trên 300 làng Quan họ thực hành trong tỉnh.
Phong trào quần chúng tham gia vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy Dân ca Quan họ, đã thành lập Hội những người yêu Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài yêu thích Dân ca Quan họ đóng góp vào những hoạt động bảo tồn, phát huy di sản Quan họ. Đến nay, có hàng trăm câu lạc bộ, đội văn nghệ Quan họ được thành lập ở các thôn làng trong tỉnh và một số tỉnh thành trong nước và nước ngoài.
Các câu lạc bộ, các đội văn nghệ Quan họ thu hút hàng trăm nghệ nhân, các liền anh, liền chị tham gia vào công việc sưu tầm, truyền dạy cho lớp trẻ, đồng thời trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu Dân ca Quan họ với du khách trong và ngoài nước.
Giờ đây Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ được đầu tư cơ sở vật chất mà cán bộ, nghệ sĩ diễn viên còn được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi để cống hiến tài năng cho việc bảo tồn và quảng bá Dân ca Quan họ. Cùng với đó, UBND tỉnh còn ban hành Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quan họ cho những người có tài năng và thành tích xuất sắc trong việc nắm giữ và truyền dạy di sản Quan họ cho các lớp kế cận, với chính sách trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân được phong tặng. Đến nay đã có hơn 70 người được phong tặng Nghệ nhân Quan họ.
Công tác đào tạo bồi dưỡng tài năng và truyền dạy Dân ca Quan họ được chú trọng, thu được nhiều kết quả tích cực. Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh được thành lập ngay sau khi tỉnh tái lập. Qua 20 năm hoạt động, Trường không chỉ đào tạo hàng nghìn học sinh có trình độ Trung cấp trên các lĩnh vực mà còn phát hiện và đào tạo hàng trăm diễn viên Dân ca Quan họ, cung cấp nguồn nhân lực cho Nhà hát Dân ca Quan họ, cho các Phòng, các Trung tâm Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã và thành phố, cho phong trào ca hát Quan họ ở cơ sở. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giảng dạy chính khóa về Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong hệ thống các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong toàn tỉnh. Với các kết quả hoạt động trên, Dân ca Quan họ được bảo tồn bền vững và phát triển sâu rộng trong mọi thành phần xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Công tác tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh được quan tâm đặc biệt. Tham gia vào hoạt động giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ, ngoài Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh còn có sự đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, các liền anh, liền chị ở các Câu lạc bộ, đội văn nghệ Quan họ ở các làng xã, trực tiếp phục vụ các du khách nhu cầu thưởng thức ca hát Quan họ truyền thống cùng lề lối sinh hoạt văn hóa chân tình, lịch lãm của người Quan họ.
Với các hoạt động đó, nhiều làng Quan họ với các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn các du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, hàng năm tỉnh đã tổ chức một số hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô lớn phản ánh giá trị tinh hoa của Dân ca Quan họ được bảo tồn và phát huy, thu hút hàng vạn công chúng trong nước và nước ngoài tới thưởng thức, điển hình như chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, Festival Bắc Ninh; Hội thi Hát Quan họ đầu Xuân; Hát Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan…
Vừa tròn một thập kỷ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Quan họ Bắc Ninh vượt không gian và thời gian đến hàng triệu công chúng trong nước và nước ngoài, trở thành sứ giả của công chúng Việt Nam trong nhiều cuộc giao lưu quốc tế. Chính bởi Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời kết tinh bản sắc nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Những thành tựu to lớn trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca trong xã hội đương đại không chỉ là minh chứng cụ thể và sinh động sự cam kết của nhân dân Bắc Ninh với UNESCO, mà còn làm cho Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành nguồn lực xã hội to lớn, thành sản phẩm Văn hóa du lịch đặc sắc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bá Đoàn