Bạc Liêu kỷ niệm 101 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ
(Dân trí) - Tối 28/9, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ kỷ niệm 101 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang và ngày Sân khấu Việt Nam.
Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân sự đóng góp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) , tác giả của bản Dạ cổ hoài lang và các bậc tiền nhân.
Ghi nhận sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đã có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang và xây dựng phát triển nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương nói riêng.
Với người nghệ sĩ, ngày giỗ tổ cổ nhạc luôn là một ngày đặc biệt quan trọng và hết sức thiêng liêng, có ý nghĩa. Về mặt tâm linh, mong tổ nghiệp phù hộ cho người nghệ sĩ luôn thành công trên con đường nghệ thuật, được khán giả yêu mến.
101 năm trước (1919), cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) đã cho ra đời bản Dạ cổ hoài lang (có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng). Qua tác phẩm, tác giả muốn bằng tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói điều lớn hơn. Đó là nỗi niềm của những người dân trên vùng đất mới được khẩn hoang trước biết bao bất công của xã hội và những đau khổ do chiến tranh gây ra.
Bản Dạ cổ hoài lang (20 câu) được nhiều người xem là tiền thân của vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay.
Trong quá trình phát triển bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 4 lên thành bài vọng cổ ngày nay, giai đoạn phổ biến nhất vẫn là bài vọng cổ nhịp 32, có vai trò quan trọng trên sân khấu cải lương, góp phần đưa sân khấu cải lương lên đỉnh cao rực rỡ của thập niên 60, 70, 80 thế kỷ 20.
Ngoài sự góp mặt quan trọng của bài vọng cổ, trên sân khấu cải lương còn kết hợp hài hòa những thể điệu, bài bản vắn, âm nhạc phương Tây đều không thể thiếu trong những vở tuồng mang đậm nét cổ trang hay xã hội đương đại, tạo nên nét đặc trưng riêng của loại hình sân khấu cải lương.
Với Bạc Liêu, thời gian qua mảnh đất này vẫn luôn giữ được sự ổn định trên lĩnh vực sân khấu nghệ thuật, luôn sinh ra những bậc tài năng làm rạng rỡ xứ sở.
Xưa có các bậc tiền nhân Lê Tài Khí, Cao Văn Lầu... đến Trọng Nguyễn, Yên Lang… và nay là những thế hệ trẻ nối nghiệp như Mỹ Hạnh, Hồng Nhiên, Diễm My, Ngọc Đợi, Hoàng Dững… Tất cả đều năng động, đầy nhiệt huyết.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm:
Tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu), vào 18h ngày 28/9 (nhằm 12/8 âm lịch), lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã đến thắp hương tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người đã cho ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ.
Tác phẩm này được xem là tiền đề cho bản vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay.