Bạc Liêu: Khu căn cứ Cái Chanh nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Chiều ngày 29/4, tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Cái Chanh.

Ôn lại kỷ niệm ngày 30/4 của 46 năm trước, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta.

Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Là một trong những địa bàn trọng điểm của khu Tây Nam Bộ, trong chiến thắng vinh quang và tự hào đó, có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.

"Trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Chúng ta bày tỏ biết ơn vô hạn đối với sự cống hiến to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...", Chủ tịch Bạc Liêu bày tỏ.

Bạc Liêu: Khu căn cứ Cái Chanh nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt - 1

Cổng trước Khu căn cứ Cái Chanh hiện nay.

Cũng trong buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Cái Chanh cho lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu (theo Quyết định số 2280, ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Căn cứ Cái Chanh).

Khu căn cứ Cái Chanh (thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) từ năm 1949 đến năm 1952 là căn cứ đóng của một số cơ quan thuộc Xứ ủy Nam Bộ, là địa bàn hoạt động của một số cán bộ cấp cao để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn…

Bạc Liêu: Khu căn cứ Cái Chanh nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt - 2

Nhà ở và làm việc của ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, được phục dựng lại trong khu căn cứ. Ngôi nhà được tái hiện lại theo nguyên gốc của một gia đình người dân nuôi giấu, đùm bọc ông Lê Duẩn từ 1949 - 1951 tại Cái Chanh.

Từ năm 1950 - 1954, ông Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cũng đã chọn nơi đây làm nơi đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Bạc Liêu.

Có thể nói, từ khi được chọn làm khu căn cứ cho đến khi kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, Khu căn cứ Cái Chanh đã làm tròn được vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình, chở che, nuôi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh Bạc Liêu.

Hơn 10 năm trước đó, ngày 26/1/2011, Khu Căn cứ Cái Chanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bạc Liêu: Khu căn cứ Cái Chanh nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt - 3

Một góc trong Khu căn cứ Cái Chanh.

"Di tích Căn cứ Cái Chanh được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Rồi đây, khu căn cứ sẽ tiếp tục là một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau", Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Cái Chanh hiện nay có tổng diện tích trên 50.000m2, vốn đầu tư trên 32 tỷ đồng, với nhiều hạng mục, công trình được phục dựng, tái hiện, như: Nhà bia giới thiệu di tích; Nhà trưng bày về quá trình trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu; Nhà ở và làm việc của ông Lê Duẩn; Hội trường của Tỉnh ủy và hầm chữ L; Nhà ở và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy; Bếp ăn tập thể; Nhà ở và làm việc của bộ phận y tế và văn thư; Nhà ở và làm việc của bộ phận thông tin (điện đài); Nhà ở và làm việc của cán bộ cơ yếu; Nhà trung đội phòng thủ; Hai nhà mát; Đường đi nội bộ; Bến đò và cầu tàu dẫn vào di tích bằng đường sông;...