Bà mẹ Việt kiều chia sẻ nỗi khổ khi trồng rau xanh ở Canada
(Dân trí) - "Hồi đầu tháng sáu cây cối mình trồng đã lên cao xanh tốt, thình lình tuyết rơi và nhiệt độ xuống chỉ còn -5 độ C, mình phải trùm chăn, quấn xung quanh để giữ ấm cho cây", chị Dung chia sẻ.
Chị Hà Lệ Dung là một Việt kiều sinh sống tại Canada đã gần 40 năm nay. Nơi gia đình chị Dung sinh sống khí hậu khắc nghiệt. Chị cho biết buổi sáng ở Canada nhiệt độ đôi khi lên đến 35 độ C nhưng đêm giảm xuống chỉ còn 15 đến 20 độ là chuyện bình thường.
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên việc trồng trọt rất khó khăn cho những ai không đủ kiên nhẫn. Chị Dung tâm sự: "Nhiều khi cây cối mình trồng đã lên cao nhưng tự nhiên tuyết rơi và nhiệt độ âm thì coi như tan hoang ngay.
Đầu mùa mình phải theo dõi thời tiết từng nửa ngày một. Hồi đầu tháng sáu cây cối mình trồng đã lên cao đụng đến đầu giàn, thình lình tuyết rơi và nhiệt độ xuống chỉ còn -5 độ C, mình phải trùm chăn, quấn xung quanh để giữ ấm cho cây".
Từ ngày bắt đầu tìm hiểu để bắt tay vào trồng rau ở Canada không ít lần bà nội trợ Việt kiều nản chí. "Lúc mới bắt đầu mình đâu biết trồng trọt, làm mỗi năm học hỏi một chút. Mình tự trồng rau đến nay cũng khoảng ba chục năm rồi, mỗi năm "khôn" thêm một chút" chị Dung vui vẻ chia sẻ.
Chị Dung cho biết thêm, mùa trồng trọt bên Canada rất ngắn, bắt đầu tháng 6 và chấm dứt cuối tháng 9. Chỉ có một số loại rau quả như mướp hương, su su, rau cải xanh chịu lạnh tốt thì có thể kéo dài đến tháng 10. Nhờ có khu vườn nhỏ mà chị Dung luôn có sẵn rau sạch ăn vào mùa hè và tặng cho người thân, bạn bè, nhưng cũng không để dành rau được qua mùa đông.
Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nên việc chăm sóc cây khó hơn trồng ở Việt Nam rất nhiều. Vì khí hậu Việt Nam nóng ẩm, cây cối có điều kiện phát triển rất nhanh, bên Canada thời gian trồng cây để ra hoa kết trái lâu hơn rất nhiều.
Mùa đông đến chị Dung phải đem bớt một số cây vào nhà để dưỡng, cây nào không mang vào được coi như bỏ, sang năm chị Dung phải trồng lại.
Để vườn rau luôn xanh tốt mà không cần lạm dụng phân bón hóa học chị Dung tự ủ phân sinh học. Nhiều giống rau chị tìm mua ở Việt Nam đem qua Canada để trồng, trong khu vườn của chị cũng có nhiều giống rau củ từ các nước khác.
Nhiều người khi đến khu vườn sẽ vô cùng ấn tượng với giàn mướp sai quả, chiều dài mỗi quả lên tới cả mét của chị Dung. "Có nhiều giống mướp khác nhau được mình trồng có loại ngắn mập chừng 4- 50cm, giống mướp mình đang trồng cho quả dài từ 80cm đến 1m2.
Mình thấy mướp trồng ở đây ăn cũng ngon như mướp hương bên Việt Nam, tuy nhiên thì các loại rau thơm như húng quế, rau răm, kinh giới, húng lủi…. không thể nào có vị ngon và thơm như của Việt Nam được", chị Dung cười nói.
Mỗi ngày chị dung dành khoảng 4 tiếng để chăm sóc cho vườn rau của mình. Một ngày chị tưới cây hai lần, nhổ cỏ dại, tỉa lá sâu, héo úa cho cây thoáng để ra trái nhiều.
Chị Dung vui vẻ kể lại: "Năm ngoái trời tuyết, cả hai giàn su và bầu bí của mình bị sập luôn, hồi mùa xuân mình phải làm lại giàn. Năm nào trồng rau cực quá, mình cứ thề năm tới không trồng trọt nữa, nhưng cứ đến mùa xuân lại nôn nao đi ươm hột rồi trồng và lại tiếp tục thề thốt".
Dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khó khăn là thế nhưng bà mẹ Việt vẫn kiên trì để có một vườn rau sạch của riêng mình, những giống rau của Việt Nam luôn được chị chăm bón kỹ càng, nhất quyết không để lụi chết. Trồng rau không còn là một niềm yêu thích đơn thuần mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của một người Việt xa quê hương.