Áo dài Việt Nam qua lăng kính của các đại sứ Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 9
(Dân trí) - Các đại sứ lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 9 là những nhà thiết kế, nghệ sĩ, chuyên gia đã có những chia sẻ khác nhau về áo dài Việt Nam.
Sáng 5/3, 3.000 người gồm lãnh đạo thành phố, văn nghệ sĩ và người dân đã diễu hành với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam". Lần đầu tiên đảm nhận vai trò đại sứ NTK Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam hạnh phúc khi nhìn thấy đâu đó trong lễ hội áo dài có những doanh nhân, chính khách, người nổi tiếng khoác lên mình những thiết kế áo dài do anh thiết kế.
Năm 2023 Lễ hội áo dài TPHCM có nhiều điểm đổi mới, nổi bật, trong đó Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 9 năm 2023 có sự tham gia hưởng ứng của 24 nhà thiết kế áo dài từ nhiều địa phương trên cả nước với những bộ sưu tập đặc biệt thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc của Việt Nam, của TPHCM và các bộ sưu tập dành riêng cho Lễ hội cũng như bộ sưu tập áo dài cho thiếu nhi… Đặc biệt, lần đầu tiên tại Lễ hội áo dài TPHCM trong vai trò đại sứ có những nhân vật nổi tiếng ở nhiều ngành nghề khác nhau đem đến sự đa dạng, những góc nhìn thú vị về áo dài Việt.
Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 có sự tham gia đồng hành với vai trò đại sứ hình ảnh của Nhà Thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, NSND Kim Xuân, NSƯT Phi Điểu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Gia đình NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Đinh Linh và nghệ sĩ sáo trúc Nhật Minh (tài năng trẻ, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2022), Hoa hậu H'Hen Niê - Hoa Hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, Á hậu Nguyễn Huỳnh Kim Duyên - Á hậu 2 Hoa hậu Siêu quốc gia 2022, Người dẫn chương trình Quỳnh Hoa, Ca sĩ Kyo York, Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Nghệ sĩ Soobin, Diễn viên Đoàn Minh Tài, Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm, Thầy giáo Thái Dương, Travel Blogger - Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử).
Ca sĩ Phi Hùng chia sẻ: "Đối với Phi Hùng đây là niềm vinh dự khi đảm nhận vai trò đại sứ tại Lễ hội áo dài. Lễ hội năm nay có rất nhiều đổi mới, lễ hội được tổ chức tại nhiều địa danh du lịch nổi tiếng của thành phố, mọi người cùng nhau phối hợp để quảng bá du lịch thành phố. Lễ hội được lan rộng, đây là một lễ hội vô cùng ý nghĩa. Năm nay có những nhà thiết kế tràn đầy tâm huyết thiết kế những bộ sưu tập nhằm quảng bá văn hóa áo dài, áo dài không chỉ là truyền thống mà còn là sự hội nhập.
Phi Hùng vô cùng háo hức, nhiều chương trình giao lưu chia sẻ được diễn ra trong khuôn khổ lễ hội, đáng chú ý chương trình khai mạc hoành tráng minh chứng tình yêu tôi yêu thành phố và đất nước Việt Nam thông qua tà áo dân tộc. Mọi người cảm nhận một cách sâu sắc hơn tình yêu chiếc áo dài, khi khoác lên mình tà áo dài dân tộc cũng là lúc mọi người ý thức trước lời nói, hành động, phong thái. Với Phi Hùng áo dài còn có ý nghĩa tinh thần, áo dài giúp Phi Hùng nhìn nhận được nhiều giá trị tốt đẹp".
"Cùng các đại sứ qua lễ hội áo dài càng tự hào thêm về du lịch Việt. Lễ hội và các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế giúp hấp dẫn du khách bốn phương. Mỗi khi đi diễn ở nước ngoài khoác lên mình tà áo dài, Phi Hùng như nhìn thấy quê hương, áo dài trở thành điểm tựa tinh thần cho Phi Hùng. Ai có tình yêu áo dài đều có thể trở thành đại sứ giúp lan tỏa tình yêu áo dài", ca sĩ Phi Hùng nói.
Chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Lý Thị Mai: "Áo dài là tinh hoa và cốt cách đáng yêu của trang phục Việt". Cô cho biết thêm: "Suốt mấy chục năm qua tôi luôn gắn bó với áo dài bởi đó là tấm áo phù hợp nhất với một nhà giáo, cũng là một chuyên gia Tâm Lý. Sau này tôi càng yêu quý áo dài hơn, bởi tôi là một trong những người đầu tiên có áo dài nghề nghiệp được trưng bày trong Bảo Tàng Áo Dài, vả chăng trong tình cảm và nhận thức của tôi, áo dài khiến cho phụ nữ Việt Nam trở nên dịu dàng và đáng yêu hơn.
Ngoài vai trò của một nhà giáo và chuyên gia Tâm Lý tôi hiện là phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Trang Phục Việt do vậy, tôi vẫn luôn tìm cách để quảng bá cho áo dài Việt Nam. Được mời là đại sứ của Lễ Hội Áo Dài và cũng là Giám Khảo cuộc thi Duyên Dáng Áo Dài lần thứ 9 năm 2023. Tôi sẽ thường xuyên mặc áo dài không chỉ trong lễ hội mà còn ở những nơi tôi sẽ đến.
Tôi nghĩ các cơ quan, trường học, các tổ chức xã hội và các gia đình nên cùng nhau sử dụng áo dài nhiều hơn vì đó chính là hồn cốt và vẻ đẹp lịch lãm của trang phục Việt".
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: "Thêm trọng trách là đại sứ áo dài nên tôi cảm thấy đây là vinh dự nhưng bên cạnh đó cũng cần cố gắng nhiều hơn. Với tôi đơn giản "không có áp lực, không có kim cương" điều đó khiến tôi không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày. Nếu như đơn thuần tham gia lễ hội với vai trò NTK, tôi sẽ chỉ có trọng trách tạo nên một Bộ sưu tập với vai trò quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, ứng dụng cho khách hàng. Nhưng khi đảm nhận thêm trách nhiệm của một đại sứ, tôi có vai trò lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng nói chung và gần 20 nghìn học viên cả trực tiếp và online của tôi, lan tỏa tình áo dài đến với học viên nói riêng và khách hàng để họ yêu thích và ứng dụng áo dài vào đời sống hàng ngày.
Cùng với các đại sứ du lịch, tôi mong muốn các học viên của tôi, những NTK, những người làm nghề áo dài, có nhiều góc nhìn mới, bên cạnh giữ các nét truyền thống cha ông, áo dài cũng là một sản phẩm thời trang nó cũng cần có đời sống của nó, cũng cần phát triển. Dù được phát triển theo góc nào cũng được nhưng quan trọng phải được công chúng đón nhận. Điều đó giúp áo dài phát triển theo quy luật. Cái gì thuộc về giá trị truyền thống được lưu giữ, cái gì không phát triển không phù hợp đời sống sẽ bị đào thải. Quan trọng nhất, tôi muốn nói rằng, những sản phẩm áo dài truyền thống Việt Nam cũng cần được cách điệu để đưa vào đời sống để phù hợp, không gian, thời gian, kiến trúc…
Đặc biệt, áo dài cần hội nhập quốc tế, sử dụng hoa văn họa tiết, chất liệu của nước ngoài, văn hóa, hình ảnh nước ngoài… có như vậy áo dài sẽ là một sản phẩm thời trang hợp xu hướng và nhận được sự đón nhận của bạn bè quốc tế".