Anti-fan có đủ “quyền năng” để “nắn chỉnh” nghệ sĩ?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra khi gần đây xảy ra hàng loạt vụ ồn ào giữa nghệ sĩ với anti-fan.

 Chưa bao giờ anti-fan có quyền lực như hiện nay?

Yêu ghét là “quyền năng căn bản” của khán giả đối với nghệ sĩ. Bởi vậy, thời nào, nghệ sĩ cũng có cả người yêu lẫn người ghét. Nhưng việc xuất hiện cả một cộng đồng anti-fan lên tới hàng trăm, hàng nghìn người để bày tỏ thái độ đối với nghệ sĩ mình không ưa thì chỉ gần đây mới có. Hàng loạt sao Việt như: Phạm Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Lâm Vĩ Dạ, Nhật Kim Anh, Hương Giang, Thuỷ Tiên... từng là “nạn nhân” của một số cộng đồng anti-fan.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, không phải anti-fan nào cũng gây ra những tổn thương về tinh thần và tình cảm cho nghệ sĩ. Và không phải nhóm anti-fan nào cũng thường xuyên có những lời nói hoặc hành động thiếu chuẩn mực, thiếu thiện cảm với nghệ sĩ. Với một vài trường hợp cụ thể, anti-fan thậm chí còn giúp nghệ sĩ nhìn ra việc “lệch đường” của chính mình để đi lại cho đúng hướng.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, chưa bao giờ anti-fan có quyền lực lớn như hiện nay. Nhiều cộng đồng anti-fan đã chứng tỏ quyền lực tối thượng của mình bằng cách kêu gọi tẩy chay nghệ sĩ “trên mọi mặt trận” và gây sức ép đối với các nhãn hàng để huỷ hợp đồng với nghệ sĩ.

Nhiều nhãn hàng vì sức ép của anti-fan mà đã phải loại nghệ sĩ ra khỏi hợp đồng quảng cáo hoặc chương trình truyền hình dù chịu khá nhiều tổn thất. Nhiều nghệ sĩ dù chưa thật sự “tâm phục, khẩu phục” nhưng cũng phải dẹp bỏ cái tôi của mình để nói lời xin lỗi và mong được tha thứ.

Có điều không phải nghệ sĩ nào lên tiếng xin lỗi cũng được chấp nhận. Bản thân Thuỷ Tiên khi nhận thấy anti-fan đang đẩy sự việc của cá nhân mình đi quá xa đã vội vàng nói lời xin lỗi nhưng nhiều anti-fan vẫn cho rằng cô chưa có sự chân thành. Và bởi thế, làn sóng ghét bỏ và chà đạp cô lại càng tăng hơn. Tương tự, cơn cuồng nộ của cộng đồng anti-fan nhắm đến người đẹp chuyển giới Hương Giang càng tăng lên theo cấp số nhân khi cô chưa thể hiện được sự “hối lỗi” khi nói lời “xin lỗi”.

Nghệ sĩ chân chính là sẽ biết lắng nghe và thay đổi

Liệu anti-fan có “quyền lực ngầm” hay không? Và nếu có thì nên dùng quyền lực đó như thế nào? Có nên dùng quyền lực đó để hạ bệ nghệ sĩ hay chỉ nên dùng nó để “nắn chỉnh” nghệ sĩ khi họ “lệch đường”?.

Thực tế cho thấy, rất nhiều nghệ sĩ như Trấn Thành, Trường Giang, Lâm Vĩ Dạ... sau khi tiếp nhận những luồng ý kiến trái chiều từ cộng đồng anti-fan, họ đã âm thầm điều chỉnh lại hành vi của mình. Bản thân họ cũng có những ứng xử ôn hoà và khéo léo hơn khi đối diện với fan và anti-fan. Có lẽ vì thế mà dù đang nằm trong “tầm ngắm” của một số cộng đồng anti-fan nhưng các nghệ sĩ này vẫn rất đắt “sô” và vẫn nhận được rất nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở.

Đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân cho rằng: “Những sự việc ồn ào của sao Việt với anti-fan gần đây cho thấy, thật sự có sức mạnh tẩy chay giống Kbiz hoặc những nền giải trí lớn khác trên thế giới. Khán giả ngày càng văn minh, biết chọn lọc hơn, cư dân mạng xã hội cũng đã lớn và có chính kiến hơn. Hôm nay họ yêu mến nghệ sĩ, đưa nghệ sĩ lên đỉnh cao của danh vọng thì cũng chính họ có thể đưa nghệ sĩ rời khỏi chiếc ghế đó khi họ đã mất niềm tin và thấy rõ nghệ sĩ không thật”.

Theo đạo diễn “Gái già lắm chiêu”, đã là nghệ sĩ trong thời bùng phát công nghệ số, bất kỳ ai cần phải có sự tính toán cẩn trọng cho các hoạt động nghệ thuật, cho những lần xuất hiện của mình để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khán giả. Ngoài ra, cần phải có sự ứng xử thông minh và khéo léo khi đối diện với cả fan lẫn anti-fan. Đặc biệt, việc lắng nghe đa chiều và tiếp nhận những ý kiến góp ý từ nhiều phía rồi từ đó rút ra bài học của riêng mình để điều chỉnh lại bản thân là vô cùng cần thiết.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định rằng, không cộng đồng anti-fan nào có đủ quyền năng “nắn chỉnh” được nghệ sĩ, trừ phi nghệ sĩ thật sự muốn thay đổi bản thân.

“Tôi nghĩ rằng, anti-fan, nhà sản xuất, nhãn hàng chỉ là một điều kiện, một chất xúc tác để nghệ sĩ thay đổi hoặc điều chỉnh mình. Fan và anti-fan có thể đưa nghệ sĩ lên hàng một ngôi sao mà cũng có thể làm mất đi ánh hào quang của họ. Qua đó, ảnh hưởng đến danh tiếng và tiền bạc của nghệ sĩ. Nói cách khác, những đối tượng bên ngoài có thể khiến cho người nghệ sĩ được hoặc mất cái gì đó. Nhưng người nghệ sĩ không coi trọng cái đó và không muốn thay đổi thì cũng không ai đủ quyền năng để ép họ phải thay đổi cả.

Nói đi cũng phải nói lại, một người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng cần phải có khán giả. Và nếu xét ở bình diện đó thì một người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng sẽ cầu thị lắng nghe và có sự thay đổi nếu khán giả muốn họ thay đổi”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm