Ảnh thắng giải bị phát hiện dàn dựng “quá đáng”
(Dân trí) - Một nhiếp ảnh gia từng giành chiến thắng tại giải ảnh quốc tế đã vừa bị tước giải vì sử dụng yếu tố sắp đặt trong tác phẩm vốn đòi hỏi sự tự nhiên của khoảnh khắc.
Một nhiếp ảnh gia từng giành chiến thắng ở hạng mục “Animals in the Environment” (Động vật trong môi trường sống) tại giải ảnh quốc tế chuyên về đề tài thiên nhiên - “Wildlife Photographer of the Year” hồi năm 2017 - đã vừa bị tước giải, vì sử dụng yếu tố sắp đặt trong tác phẩm vốn đòi hỏi sự tự nhiên của khoảnh khắc.
“Wildlife Photographer of the Year” là giải ảnh lớn nhất thế giới chuyên về đề tài thiên nhiên hoang dã, vốn do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) tổ chức từ năm 1964.
Mới đây, tay máy đến từ Brazil - Marcio Cabral - đã vừa bị tước giải do bức ảnh của anh này đã sử dụng xác một con thú ăn kiến được nhồi bông để đặt vào trong khuôn hình khiến người xem cũng như ban chấm giải thoạt tiên tưởng rằng đó là một con thú còn sống.
Một người ẩn danh đã tiết lộ thông tin cho ban tổ chức giải ảnh biết rằng con thú ăn kiến xuất hiện trong bức ảnh chính là xác con thú ăn kiến nhồi bông đặt trong khu tiếp đón du khách nằm ở công viên quốc gia Emas (Brazil). Đây cũng chính là nơi bức ảnh của Marcio Cabral được chụp.
Bức ảnh được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Marcio Cabral có tên “Kẻ tấn công ban đêm” cho thấy một con thú ăn kiến tiếp cận một ụ mối lúc nửa đêm.
Sau khi xuất hiện thông tin, ban tổ chức giải ảnh đã cùng với 5 nhà khoa học và một chuyên gia trong lĩnh vực nhồi bông động vật cùng họp bàn nghiên cứu lại bức ảnh và nhận thấy rằng quả thực bức ảnh này đã có sự can thiệp, sắp đặt thái quá.
Đại diện giải ảnh chia sẻ với truyền thông: “5 nhà khoa học làm việc độc lập với nhau, tất cả đều kết luận rằng có những yếu tố sắp đặt trong dáng điệu con thú, ngoài ra còn những đặc điểm nhận dạng khác trùng hợp quá đỗi giữa con thú xuất hiện trong ảnh và con thú đã được nhồi bông tại công viên”.
Ông Roz Kidman Cox, một thành viên trong ban giám khảo chấm giải ảnh năm 2017 chia sẻ: “Tôi thấy câu chuyện này thật gây thất vọng và tôi sửng sốt trước việc một nhiếp ảnh gia có thể đi xa tới như vậy khi dự thi. Cuộc thi này vốn luôn đặt tiêu chí trung thực lên rất cao, sự phạm quy như vậy là không tôn trọng cộng đồng nhiếp ảnh gia chuyên về chụp ảnh thiên nhiên.
“Sự việc tước giải lần này sẽ là sự nhắc nhở đối với các thí sinh dự thi rằng bất cứ sự phạm quy nào đi ngược lại tinh thần của giải ảnh cuối cùng đều sẽ bị phát hiện ra”.
Về phía tác giả bức ảnh - nhiếp ảnh gia Marcio Cabral, anh phủ nhận việc mình không trung thực. Marcio Cabral khẳng định rằng anh có một nhân chứng có thể lên tiếng giúp cho anh, nhưng điều này không có ý nghĩa đối với quyết định của ban tổ chức giải ảnh.
Năm ngoái, khi gửi bức ảnh tới dự thi, anh Marcio Cabral đã giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm của mình rằng: “Nhiếp ảnh gia Marcio đến công viên quốc gia Emas trong 3 năm để chờ khoảnh khắc chụp được ụ mối phát sáng.
“Sau nhiều ngày trời mưa, Marcio rất ngạc nhiên… Một con thú ăn kiến bước nhẹ nhàng trong bóng đêm và dừng lại đủ lâu để Marcio chụp được một bức ảnh duy nhất, sử dụng biện pháp phơi sáng và đèn flash để làm nổi bật người bạn đồng hành bất ngờ xuất hiện trong khuôn hình của anh”.
Hồi năm 2009, giải ảnh này cũng đã từng gặp phải một sự cố khác tương tự, khi bức ảnh đoạt giải cao nhất - giải thưởng lớn - do nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha - José Luis Rodríguez - thực hiện, khắc họa một con sói hoang nhảy qua hàng rào hóa ra lại là một khoảnh khắc không thật.
Khi đó, một cuộc điều tra đã được ban tổ chức giải tiến hành và họ kết luận được rằng bức ảnh này không hề chụp một con sói hoang, mà đó là một con sói đã được thuần dưỡng, vốn sống tại một vườn thú.
Bích Ngọc
Theo The Guardian