Anh nông dân 8x kiếm cả trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình nuôi ốc nhồi
(Dân trí) - 4 năm khởi nghiệp từ nuôi ốc nhồi, không đếm được bao nhiêu lần thất bại nhưng anh nông dân Đàm Danh Tùng đã không nản chí.
Đến thôn Tri Hòa, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chỉ cần hỏi nhà anh Đàm Danh Tùng (Sinh năm 1985) ai cũng biết. Anh là một nông dân trẻ tuổi, sáng tạo và đang thành công với mô hình nuôi ốc nhồi.
Trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi, anh Tùng gắn bó với công việc làm gạch không nung. Tuy nhiên công việc này vô cùng vất vả nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Năm 2017 anh Tùng quyết định dừng lại công việc đã gắn bó lâu năm để rẽ hướng sang đầu tư nuôi ốc nhồi.
Nghĩ lại về thời điểm những ngày nảy ra ý tưởng nuôi ốc anh Tùng kể: "Mình có dịp đi ăn uống tại một số nhà hàng và rất bất ngờ khi ốc nhồi cũng có mặt trong thực đơn nhà hàng và giá thành lại rất cao. Về tìm hiểu thì mình cũng biết một anh khác ở xóm dưới cũng bắt đầu nuôi ốc nhồi. Mình đã đến đó và học tập mô hình này và nuôi ốc đến tận bây giờ".
Anh Tùng cho biết ốc nhồi là loài động vật thân mềm, đặc tính rất khó nuôi và chăm sóc. Trong suốt những năm đầu khi bắt tay vào nuôi ốc chàng nông dân trẻ đã thất bại không biết bao nhiêu lần.
Có một điểm thuận lợi khi nuôi ốc nhồi là thức ăn của ốc nhồi rất đơn giản, gần như không tốn chi phí tiền thức ăn. Ốc nhồi chỉ ăn bèo tấm và các loại rau quả, rọc mùng bỏ xuống ao cho ốc ăn.
Ốc nhồi thường đẻ vào tháng 3 âm lịch khi thời tiết trở nên ấm áp. Anh Tùng đi thu trứng ốc bỏ vào một khay nhựa đem ấp trứng trong thùng xốp để duy trì nhiệt độ từ 25-30 độ C trong khoảng 10-15 ngày trứng ốc sẽ nở. Từ lúc trứng nở đến lúc có thể thả ra ao mất khoảng một tháng trời nuôi ốc con để đạt đến kích thước bằng hạt ngô.
Ốc vừa nở cũng ăn bèo tấm. Ốc nhồi từ khi được thả ao và tiếp tục chăm sóc và cho ăn theo đúng kỹ thuật từ 2-3 tháng là có thể cho thu hoạch. Ốc đủ tiêu chuẩn đạt kích cỡ 35-40 con trên một kg được bán với giá bán dao động từ 70.000-80.000 đồng.
Anh Tùng cho biết, ốc là một loài dễ mắc bệnh. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến việc ốc bị bệnh là do nguồn nước: "Nguồn nước rất quan trọng trong việc nuôi ốc, ngoài ra mình cũng phải làm giàn mướp bên trên che mát, thay nước thường xuyên cho ao để giảm nguy cơ ốc bị nhiễm bệnh. Nói chung nuôi ốc có cái nhàn nhã nhưng cũng có lúc phải vất vả một chút. Mình phải tỉ mỉ quan sát, chịu khó thức khuya dậy sớm một chút để xem ốc ăn uống thế nào".
Suốt từ năm 2017 khi bắt tay vào tìm hiểu và nuôi ốc nhồi anh Tùng cũng không thể đếm nổi bao nhiêu lần thất bại. Ốc chết hàng loạt, bị chuột bắt, hoặc bị thất thoát do những loài thiên địch như cua, cá rô ăn mất. Mỗi lần như vậy anh đều cố gắng mày mò tìm thông tin trên sách báo, tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục để cải thiện vấn đề anh mắc phải.
Nhớ về lứa ốc đầu tiên nuôi thành công và được thu hoạch anh Tùng nói: "Mình đầu tư khoảng 5 triệu đồng để mua 1 vạn con giống ốc nhồi để nuôi thử. Lứa ốc đầu tiên mình bán được 20kg, còn lại để gia đình thưởng thức". Từ việc đầu tư nuôi ốc nhồi mỗi năm anh Tùng thu về hơn 100 triệu đồng giúp cuộc sống của gia đình anh cải thiện hơn rất nhiều.
Đến nay mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Tùng được nhiều bà con trong vùng học hỏi. Ngoài bán ốc thành phẩm anh Tùng cũng cung cấp ốc nhồi giống, tư vấn cho người dân thiết kế mô hình nuôi ốc để phát triển đời sống kinh tế.